Kinh tế 'xanh' giúp hàng triệu người có thêm việc làm

Nền kinh tế xanh có thể giúp cho hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói và cải thiện sinh kế cho thế hệ này và các thế hệ tương lai. Đây là một thông điệp rất tích cực về cơ hội trong một thế giới đa dạng về sự lựa chọn.

Sự phát triển vẫn theo mô hình kinh tế “nâu”, gây hủy hoại môi trường và suy thoái tài nguyên. Trong bối cảnh đó, các nước tiên tiến, kinh tế công nghiệp đang chuyển dần thành kinh tế hậu công nghiệp và từng bước chuyển sang kinh tế tri thức.

Cùng với đó, các dạng thức kinh tế của thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dần sắc thái từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”. Theo một báo cáo mới đây của ILO, đến năm 2030, 24 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trên toàn cầu nếu những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy một nền kinh tế xanh hơn được đưa vào thực hiện.

Việc làm mới sẽ được tạo ra bằng cách áp dụng các phương thức thực hành bền vững trong lĩnh vực năng lượng bao gồm cả thay đổi trong nguồn năng lượng, khuyến khích sử dụng xe điện và cải thiện hiệu năng năng lượng của các tòa nhà.

Các dịch vụ về hệ sinh thái – bao gồm lọc không khí và nước, cải tạo đất, kiểm soát dịch hại, thụ phấn và chống lại điều kiện khí hậu khắc nghiệt – tiếp tục duy trì trong các lĩnh vực canh tác, đánh bắt cá, lâm nghiệp và du lịch, sử dụng 1,2 tỷ lao động.

Bài học phát triển kinh tế "xanh" của các quốc gia cho thấy hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh, như cách tiếp theo từng khu vực của nền kinh tế hay cách tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực.

Chẳng hạn như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững... Dù vậy, bằng bất kỳ cách tiếp cận nào, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Nền kinh tế "xanh" được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo. Ảnh minh họa

Hướng tới nền kinh tế "xanh" được coi là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống. Trong một kịch bản đầu tư xanh, 2% GDP toàn cầu được phân bổ để “làm xanh” các lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng, chất thải, nông nghiệp, thủy sản, nước và rừng. kinh tế "xanh" sẽ cung cấp các nguồn năng lượng có khả năng hỗ trợ cho 1,4 tỷ người hiện đang thiếu điện và cho hơn 700 triệu người khác đang không được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại. Để phát triển hướng tới nền kinh tế xanh, Việt Nam có những cơ hội và thách thức.

Trong khi tài nguyên thế giới đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp.

Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã nêu rõ “tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ”.

Như vậy, tăng trưởng xanh là phù hợp với Chiến lược dài hạn của Việt Nam và định hướng phát triển bền vững nói chung, điều này cũng phù hợp với những lợi thế so sánh của Việt Nam cần phát huy trong thế giới toàn cầu hóa.

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên vị thế cao, vị trí địa lý chính trị quan trọng, có cả vùng núi, đồng bằng và ven biển, có hệ thống hạ tầng giao thông nối kết với kinh tế của các nước trong vùng, về khách quan đang trở thành một trung tâm của vùng Đông Nam Á, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, giàu vốn tự nhiên để phát triển nền kinh tế "xanh".

Do đó, Việt Nam cần có những hành động tức thì để đào tạo cho người lao động những kỹ năng cần thiết để chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn và cung cấp bảo trợ xã hội cho họ để giúp họ chuyển đổi công việc mới, góp phần ngăn ngừa tình trạng nghèo đói và giảm mức độ dễ bị tổn thương của các hộ gia đình và các cộng đồng.

Việc chuyển đổi sang những hệ thống nông nghiệp bền vững hơn sẽ tạo thêm việc làm trong các trang trại hữu cơ quy mô vừa và lớn, cho phép các hộ gia đình nhỏ đa dạng hóa nguồn thu nhập của họ, đặc biệt là khi người nông dân được trang bị những kỹ năng phù hợp./.

Bảo Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/kinh-te-xanh-giup-hang-trieu-nguoi-co-them-viec-lam-38295