Kinh tế - xã hội đất nước có sự phát triển toàn diện

Quốc hội vừa tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020.

 Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, chúng ta đã có một năm thành công hoàn thành 12 tiêu chí được Quốc hội đề ra. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định, chúng ta đã có một năm thành công hoàn thành 12 tiêu chí được Quốc hội đề ra. Ảnh: Quốc hội

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, mặc dù đất nước phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của khu vực và thế giới; tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu giảm; tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhưng năm 2019 tiếp tục là năm đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện, có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát Quốc hội đề ra. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhất định trên nhiều lĩnh vực giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để có được kết quả đó, theo các đại biểu đánh giá, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững; đảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội…

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) khẳng định, chúng ta đã có một năm thành công: Cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm. Hơn 130.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đầu tư xã hội được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng chính đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo; tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên.

Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đây là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng. “Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Chính phủ cần chuẩn bị một phương án chủ động để ứng phó”- Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Theo đại biểu tỉnh Thái Bình, ngoài những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương Đảng, Chính phủ đã có những giải pháp hiệu quả triên lĩnh vực ngoại giao, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Theo đại biểu Trần Việt Khoa (TP Hà Nội), năm 2019, tình hình an ninh, chính trị thế giới có rất nhiều biến động, đặc biệt Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa tới an ninh khu vực và an ninh các nước có chung khu vực Biển Đông. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành ngoại giao trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta. Trên thực địa, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền không thể chối cãi của chúng ta theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Đại biểu Trần Việt Khoa phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Việt Khoa cho biết: Trong tình hình hiện nay, với những yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp phù hợp để đấu tranh, giữ vững môi trường hòa bình, độc lập, phát triển đất nước. Năm 2018, sau khi Bộ Chính trị thông qua và quyết định các chiến lược: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiến hành quán triệt sâu sắc các chiến lược này. Đây là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng tổ chức biên chế bảo đảm theo tinh thần tinh-gọn-mạnh, đáp ứng với các loại hình chiến tranh hiện đại trong điều kiện mới.

“Việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tuy nhiên chúng ta cũng luôn phải sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo, và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” - Đại biểu Trần Việt Khoa nhấn mạnh.

Danh Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/kinh-te-xa-hoi-dat-nuoc-co-su-phat-trien-toan-dien/