Kinh tế - xã hội 2019: Đổi mới tư duy hành động để bứt phá

Ngày càng xuất hiện nhiều yếu tố thách thức, có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Không còn cách nào khác, để năm 2019 là năm bứt phá, thì phải thực hiện các giải pháp bứt phá.

Quyết liệt với mục tiêu tăng trưởng

Ngày mai (30/5), theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Gần như chắc chắn, một trong những nội dung được tập trung thảo luận là khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Trước đó, báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng đã nhắc đến nỗi lo kinh tế tăng trưởng chậm lại và đưa ra dự báo nền kinh tế có thể sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 6,78%, thấp hơn mục tiêu 6,8%, nếu các ngành, các cấp không nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đề ra.

Không chỉ Chính phủ, mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng có chung nỗi lo này. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), thì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, bất ổn ở Trung Đông và sự khó khăn của tiến trình Brexit sẽ gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Khi thương mại thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động”, ông Ngân nói.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội còn lo đầu tưcông chậm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Chưa kể, chuyện xuất khẩu đang tăng chậm lại, nhập siêu đang quay trở lại trong nửa đầu tháng 5, rồi áp lực lạm phát, áp lực tỷ giá, nợ công… cũng sẽ tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam 2019.

Trước những thách thức của kinh tế 2019, ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, “hối thúc” việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Theo đó, hàng loạt giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, như chú ý khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém và rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với những ngành hàng, sản phẩm chủ đạo, mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất - kinh doanh, dịch vụ…

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải ngân vốn đầu tư công; điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, tài khóa, thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội…

Nhắc đến năm 2019 là “năm bứt phá” trong thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Thủ tướng đã nhấn mạnh, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019, thì phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, đổi mới tư duy hành động, cách làm, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp…

Đồng tình với các giải pháp quyết liệt này, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ cũng cần xây dựng các kịch bản để ứng phó với biến động của thế giới.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) thì nhấn mạnh việc cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là chính sách về đối tác công - tư (PPP) và sớm ban hành Luật PPP để huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, phục vụ cho phát triển hạ tầng ở các địa phương, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tập trung tái cơ cấu

Ngoài việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2019, thì trong trung và dài hạn, làm sao để nền kinh tế bứt phá, tăng tốc cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Giải pháp, không thể khác là tập trung tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định, chất lượng tăng trưởng đã từng bước được nâng lên, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được cải thiện. Đồng thời, đã chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu, sang mô hình tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước.

Sự chuyển đổi này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã góp phần thực hiện mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP. Cùng với đó, tiềm lực kinh tế được củng cố và khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế đứng vững trước cú sốc phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ và biến động thị trường tài chính thế giới trong thời gian qua…; tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm giảm; khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lòng tin thị trường được tăng cường.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, kết quả thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững. Để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong 10 năm tới, thực sự tạo bứt phá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong đó, có việc cần nghiên cứu sớm ban hành chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp; xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả dựa trên hai trụ cột: cải cách thể chế về bảo vệ quyền tài sản và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mạnh khu vực tư nhân trong nước.

Cùng với đó, rà soát và cắt giảm mạnh cơ chế phân bổ xin - cho khép kín đối với các nguồn lực do Nhà nước kiểm soát; đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng tốc cổ phần hóa…

“Cần thiết thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ nói kinh tế tư nhân chung chung, như thế là chưa đủ, mà phải tập trung phát triển các tập đoàn lớn, khi đó mới tạo ra được các chuỗi giá trị và thực sự đóng góp lớn cho tăng trưởng”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu quan điểm.

Theo Hà Nguyễnbaodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu-/kinh-te-xa-hoi-2019-doi-moi-tu-duy-hanh-dong-de-but-pha-267341.html