Kinh tế Việt Nam và những triển vọng trong năm 2019

Trong báo cáo 'Kinh tế Việt Nam 2018-2019: Chuyển biến, triển vọng và một số vấn đề' do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố tại Hà Nội ngày 17/1/2019, sau khi điểm lại một số nét chính các diễn biến đáng chú ý trong năm 2018 của kinh tế Việt Nam, CIEM dự báo mức tăng trưởng GDP của cả năm 2019 sẽ là 6,93%.

Cùng với dự báo này, CIEM cũng nhìn nhận lạm phát cả năm 2019 là 3,88%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,79% và cán cân thương mại tiếp tục có mức thặng dư là 2,04 tỷ USD.

Liên quan đến định hướng chính sách, theo CIEM, cải cách thể chế kinh tế bao gồm môi trường kinh doanh, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, đổi mới sáng tạo, thực tiễn pháp lý tốt vẫn có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng trong dài hạn.

Áp lực cải cách cần được tiếp tục duy trì trong năm 2019

Đáng chú ý, CIEM đưa ra quan điểm cho rằng, các hiệp định tự do thế hệ mới sẽ không còn là động lực chính của cải cách mà nhu cầu cải cách này mang tính tự thân. Cùng với đó CIEM cho rằng, việc vận động công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường cần được tiếp tục nhưng với doanh nghiệp, chất lượng thể chế mới là điều mang ý nghĩa quyết định.

Báo cáo trên cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần được coi là ưu tiên quan trọng song cùng với việc xây dựng các “đệm tài chính” như một số báo cáo kinh tế gần đây nhìn nhận, cần có những dư địa để phòng những rủi ro suy giảm từ kinh tế toàn cầu. Bởi trong nửa đầu năm 2019 có thể có không ít rủi ro suy giảm từ các nền kinh tế chủ chốt. Cụ thể, cần hài hòa kiểm soát lạm phát với lộ trình điều chỉnh giá, tránh ép bằng công cụ hành chính.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM, chính sách tiền tệ cần giữ vai trò chính và cần tiếp tục đà chủ động như mấy năm vừa qua trong khi cần có sự phối hợp linh hoạt với các chính sách khác. Trong khi đó chính sách tài khóa cần hướng tới nhiều hơn vào việc giảm chi phí cho doanh nghiệp thay vì kết hợp tăng thu với hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn An Dương cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần nhanh chóng ra khỏi vị thế một quốc gia chuyên đi học hỏi, thay vào đó tự xây dựng mô hình tăng trưởng và con đường đi lên của riêng mình.

Đặt câu hỏi năm 2019 sẽ lấy đâu ra động lực tăng trưởng, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, sức ép cho cải cách thể chế như năm 2018 cần phải được tiếp tục để các cải cách này thực sự đi vào cuộc sống, giảm thiểu chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Cung cũng nói thêm rằng, bản thân ông không tin tưởng lắm việc cấp sở, huyện sẽ nhanh chóng áp dụng các cải cách nếu không có áp lực từ trên xuống. “Bản thân họ sẽ không chủ động áp dụng mà sẽ nói rằng để chờ hướng dẫn, chờ chỉ đạo hay thậm chí là chưa nghe nói đến các cải cách”, ông Cung nhìn nhận.

Theo ông Cung, không nên quá kỳ vọng vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong bối cảnh năm 2019 có bầu cử ở châu Âu cùng việc xu thế bảo hộ chống lại tự do thương mại ở nhiều nước đang trỗi dậy. “Trong bối cảnh đó, có nhiều rủi ro có thể đến với EVFTA”, TS Cung đưa quan điểm.

Ông Cung cũng phân tích những bài học tăng trưởng của năm 2018 mà ông cho là tâm đắc. Theo đó, con số tăng trưởng 7,08% của năm 2018 cũng quan trọng nhưng việc nền kinh tế thay đổi cách thức tăng trưởng mới thực sự quan trọng. Hai biểu hiện đáng chú ý theo TS Cung là tăng trưởng tín dụng của năm 2018 chỉ là 14%, thấp hơn nhiều năm cho thấy nền kinh tế đã chuyển hướng từ cầu sang cung. Trong khi đó thị trường chứng khoán năm 2018 đã có bước chuyển đáng kể, thực sự là kênh dẫn vốn quan trọng.

Đặc biệt, điều đáng quan tâm là vai trò ngày càng rõ nét của khu vực tư nhân. Ghi nhận của CIEM cho thấy, ngôn từ của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương với khu vực kinh tế tư nhân đã tích cực hơn. Trong khi đó đầu tư của khu vực tư nhân đã chuyển hướng mạnh sang kết cấu hạ tầng.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-viet-nam-va-nhung-trien-vong-trong-nam-2019-114886.html