Kinh tế Việt Nam từ giai đoạn 'cấp cứu' sang phục hồi

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng phục hồi nhanh nhất khu vực. Trong ngắn hạn, rủi ro lớn nhất là mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nhu cầu ở cả trong và ngoài nước.

Các phản ứng chống dịch Covid-19 hiệu quả cũng không thể mang lại khả năng miễn dịch cho nền kinh tế Việt Nam trước tác động của đại dịch. Nền kinh tế đã trải qua một đợt sụt giảm mạnh trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng GDP ở quý I và quý II/2020 lần lượt là 3,8% và 0,4%, thấp hơn đáng kể so với 7% trong năm 2019.

Nguyên nhân là các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhu cầu nội địa và quốc tế sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động trong nước bị kìm hãm do lệnh hạn chế di chuyển.

Khi các hoạt động dần trở lại, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2020 và ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 3,1% trong cả năm. Lạm phát dự kiến được kiểm soát ở mục tiêu 4% nếu nguồn cung lương thực tốt và giá năng lượng vẫn tương đối thấp.

Thách thức và cơ hội

Trong ngắn hạn, rủi ro lớn nhất là mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nhu cầu ở cả trong và ngoài nước. Nhu cầu nội địa đã tăng lên trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, quá trình phục hồi dễ bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây nhiễm mới, trong đó, các khu vực dịch vụ và sản xuất thâm dụng lao động rất dễ tổn thương.

Khi các hoạt động dần trở lại, chúng tôi dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2020 và ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 3,1% trong cả năm.

Trong khi đó, sẽ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục nhu cầu quốc tế. Viễn cảnh u ám vẫn đè nặng lên một số lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là hàng hóa phi điện và điện tử trong bối cảnh rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài.

Số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng tăng của Việt Nam, bao gồm FTA Việt Nam - EU mới ký gần đây, và các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng mạnh mẽ, sẽ giúp duy trì xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam.

Một rủi ro quan trọng khác cần theo dõi là sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến dòng vốn tăng đột biến, mặc dù so với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi các danh mục đầu tư từ nhà đầu tư là người không cư trú.

Khu vực tài chính trở nên dễ tổn thương do tác động của đại dịch đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng. Điều này cũng cần được giám sát chặt chẽ.

Nguồn lao động cạnh tranh, khả năng tiếp cận dễ dàng với các thị trường trong khu vực và toàn cầu thông qua FTA, môi trường kinh doanh thuận lợi đã giúp Việt Nam gia tăng sức hút đối với nhà đầu tư.

Bất chấp những nỗ lực của các ngân hàng trong việc tái cơ cấu nợ, giảm lãi và phí, hệ thống ngân hàng vẫn đứng trước rủi ro giảm chất lượng, làm xói mòn khoản tiền dự trữ tương đối thấp của hệ thống ngân hàng.

Nếu nhìn vào mặt tốt, chúng ta vẫn thấy một số cơ hội. Nguồn lao động cạnh tranh, khả năng tiếp cận dễ dàng với các thị trường trong khu vực và toàn cầu thông qua FTA, môi trường kinh doanh thuận lợi đã giúp Việt Nam gia tăng sức hút đối với nhà đầu tư.

Số lượng FTA ngày càng gia tăng của Việt Nam đang giúp nền kinh tế tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của nhu cầu bên ngoài cũng như gián đoạn nguồn cung.

Những biến động trong chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại toàn cầu và đại dịch đã thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia chuyển dây chuyền sản xuất về nước. Thêm vào đó, việc Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, mở đường cho quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Từ ứng phó khẩn cấp đến phục hồi kinh tế

Chính phủ Việt Nam có thể xem xét áp dụng khuôn khổ 4C và 4R của AMRO trong việc thiết kế chính sách nhằm phục hồi kinh tế mạnh mẽ và tăng trưởng bền vững.

Trong 4C, đầu tiên là dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp ngắn hạn và khởi động lại nền kinh tế một cách hết sức thận trọng (cautiousness). Việc nới lỏng biện pháp ngăn chặn nên được thực hiện theo từng giai đoạn, dựa trên tình hình dịch bệnh cũng như năng lực của hệ thống y tế công cộng. Cần ưu tiên những khu vực và ngành kinh tế nhất định trên cơ sở nguy cơ lây nhiễm virus, tầm quan trọng kinh tế của từng khu vực và mối liên kết kinh tế giữa chúng.

Thứ hai, tiếp cận toàn diện (comprehensiveness) các mục tiêu và ưu tiên chính sách để đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa những khía cạnh khác nhau trong các khoảng thời gian khác nhau.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ (cooperation) cả trong nước (giữa khu vực nhà nước và tư nhân) và quốc tế (giữa các quốc gia) để đảm bảo hiệu quả của các chính sách. Trên thực tế, Việt Nam đã rất thành công trong lĩnh vực này. Nhờ đó, hầu hết chỉ đạo của chính phủ đều được khu vực tư nhân tuân thủ một cách hợp lý.

Cuối cùng, thiết lập một chiến lược truyền thông hiệu quả (communication) để xây dựng niềm tin của công chúng. Việc tạo ra thông điệp rõ ràng một cách minh bạch sẽ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc thực hiện chính sách. Điều này có thể ảnh hưởng đến tác động và thậm chí khả năng tồn tại của các biện pháp này.

Việc nới lỏng biện pháp ngăn chặn nên được thực hiện theo từng giai đoạn, dựa trên tình hình dịch bệnh cũng như năng lực của hệ thống y tế công cộng.

Đối với 4R, đầu tiên là các chính sách kinh tế ngắn hạn nên tập trung vào quá trình chuyển đổi từ tồn tại sau khủng hoảng sang hỗ trợ phục hồi (recovery).

Theo đó, các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần được tiếp tục mở rộng thêm, trong khi những chính sách việc làm nên tập trung vào hỗ trợ tạo việc làm và thúc đẩy dịch chuyển lao động. Do hạn chế về nguồn lực, các biện pháp chính sách cần được đánh giá định kỳ và điều chỉnh để phù hợp với môi trường chính sách đang phát triển và các ưu tiên có từ trước.

Thứ hai, quản lý rủi ro (risk management) là rất quan trọng đối với khả năng phục hồi nền kinh tế. Cần nhấn mạnh đến việc kiểm soát rủi ro trước các đợt bùng phát mới (như đợt bùng phát gần đây ở Đà Nẵng), cũng như những rủi ro tài chính vĩ mô.

Thứ ba, các chính sách cải cách cơ cấu (restructuring and reform) cần được điều chỉnh lại để phù hợp với những ưu tiên mới. Trong khi đó, đánh giá lại các ưu tiên trước khủng hoảng.

Cuối cùng là xây dựng lại không gian chính sách (rebuilding policy space). Cần có một kế hoạch trung hạn được thiết kế tỉ mỉ và hợp lý để củng cố không gian chính sách và duy trì niềm tin của thị trường.

Nhờ các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả và cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN+3. Quyết tâm mạnh mẽ và các chính sách phù hợp là chìa khóa để quốc gia hiện thực hóa tiềm năng này.

Luke Hong - Jade Vichyanond
Biên dịch: Thảo Cao Illustration: Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-viet-nam-tu-giai-doan-cap-cuu-sang-phuc-hoi-post1131149.html