Kinh tế Việt Nam phát triển ấn tượng nhờ mô hình tăng trưởng dựa trên ĐMST, nâng cao năng suất

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ tình hình hợp tác giữa hai Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào kể từ Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác KH&CN Việt Nam Lào diễn ra vào chiều 14/9/2018 tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong thời gian qua, với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng.

Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% - mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, chỉ số phát triển bền vững tăng 20 bậc. Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng: năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng thêm 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia - đây là vị trí cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay.

Nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển của nền kinh tế, ngành KH&CN Việt Nam đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: tập trung cải cách thủ tục hành chính, triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng với đó, hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết, phục vụ trực tiếp việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.

Tại cuộc họp với Bộ KH&CN Lào, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã có những đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung, lĩnh vực KH&CN thời gian qua nói riêng. Ảnh: Hán Hiển

Trong 08 tháng đầu năm 2018, hệ thống văn bản pháp luật tiếp tục được bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với các hoạt động KH&CN, trong đó nổi bật là các văn bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng,…

“Đồng thời, hiện nay làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa khắp thế giới. Các công nghệ mới theo làn sóng này đã phát huy ảnh hưởng tại Việt Nam và bước đầu có đóng góp theo chiều hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ KH&CN cũng như các Bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của Chính phủ đã nỗ lực triển khai việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.

Trong khuôn khổ cuộc họp, Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào đã thống nhất các nội dung hợp tác về KH&CN giữa hai nước từ nay đến Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam – Lào. Theo đó, hai bên tiếp tục duy trì và tìm kiếm các cơ hội tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp để triển khai các Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các đơn vị chức năng của hai Bộ KH&CN Việt Nam và Lào. Đồng thời, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Lào và Việt Nam cho cán bộ quản lý KH&CN của Lào về: Quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Về các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung, hai bên tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa hai nước nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ của Lào và tăng cường trang thiết bị cho các tổ chức nghiên cứu của Lào theo Biên bản Khóa họp 4 đã thông qua. Hai Bên tiếp tục nghiên cứu xây dựng, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật triển khai lồng ghép trong các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý và đề xuất định hướng phát triển các lĩnh vực KH&CN cho Bộ KH&CN Lào xem xét lựa chọn.

Bộ KH&CN Việt Nam xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học đối với 01 nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư hợp tác với Lào thực hiện từ năm 2019, nhằm hỗ trợ Bộ KH&CN Lào vận hành Viện Quản lý KH&CN Lào trong giai đoạn đầu mới được thành lập. Đây là dự án ODA của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào và giao cho Bộ KH&CN Lào quản lý.

Hai bên cùng thống nhất phối hợp xây dựng mạng lưới trao đổi thông tin công nghệ, kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam và Lào; nghiên cứu xây dựng phương thức chuyển giao và hỗ trợ các công nghệ tiên tiến của Việt Nam cho Lào; tăng cường giao lưu hợp tác giữa các tổ chức Đảng, Đoàn thể nhằm làm sâu sắc quan hệ truyền thống giữa hai nước và tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ cũng như trao đổi để xây dựng kế hoạch triển khai hợp tác giai đoạn 2020 - 2024 giữa hai Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/kinh-te-viet-nam-phat-trien-an-tuong-nho-mo-hinh-tang-truong-dua-tren-dmst-nang-cao-nang-suat-d148911.html