Kinh tế Việt Nam: Ổn định, tiếp tục khởi sắc

Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới bốn tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm và tiếp tục khởi sắc.

Nhờ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và khởi sắc. Trong ảnh: Một góc TP. Hồ Chí Minh chụp từ trên cao. (Nguồn: Getty Images)

Nhờ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và khởi sắc. Trong ảnh: Một góc TP. Hồ Chí Minh chụp từ trên cao. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế thế giới nhiều biến động

Bốn tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi gắn với mức độ thành công của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu đang gặp lực cản mới liên quan xung đột Nga-Ukraine và sự cộng hưởng từ các áp lực lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập, khiến xuất hiện nguy cơ lạm phát đình trệ đậm dần.

Hầu hết tổ chức quốc tế uy tín đều điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng dự báo lạm phát. Ngày 18/4, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ mức 4,1% xuống còn 3,2%; trong khi nâng dự báo lạm phát toàn cầu ở mức 6,2%, cao hơn 2,25% so với dự báo đã đưa ra trong tháng 1/2022. Trong các dự báo công bố tháng 3/2022, cả Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Fitch Ratings đều hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 chỉ đạt 3,5%.

Theo IMF, năm 2022, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trung bình 3,9% ở các nền kinh tế phát triển và 5,9% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Áp lực lạm phát đặc biệt rõ rệt ở Mỹ, khu vực đồng Euro (Eurozone), Mỹ Latinh và Caribbean. Cơ quan Thống kê châu Âu ước tính lạm phát hằng năm của Eurozone tăng lên mức kỷ lục 7,5% vào tháng 3/2022.

Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), hiện khoảng 60% nền kinh tế phát triển có tỷ lệ lạm phát thường niên cao hơn 5% và hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỷ lệ lạm phát thường niên trên 7%.

Đặc biệt, lệnh cấm nhập khẩu dầu và các gói trừng phạt tài chính của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, cùng một số nước khác (tổng cộng khoảng 30/195 quốc gia trên thế giới) nhằm vào Nga đang và sẽ làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới, trực tiếp và gián tiếp làm tăng giá nhiên liệu, lương thực và thực phẩm, nguyên liệu và lạm phát trên toàn cầu.

Các gói trừng phạt làm giảm giá trị thu nhập, gián đoạn thêm các chuỗi cung ứng và kiều hối, gia tăng dòng người tị nạn, giảm niềm tin thị trường, giá tài sản, thúc đẩy dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi…. Đồng thời, trừng phạt còn gây hiệu ứng ngược khi làm tăng tỷ trọng thanh toán quốc tế bằng đồng tiền khác và làm suy giảm vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới phổ biến nhất hiện hành.

Hơn nữa, sau khi tung ra các gói hỗ trợ tài chính chống đại dịch Covid-19, hiện nhiều ngân hàng TW các nước đang và sẽ có xu hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,5%, lần đầu tiên trong 20 năm qua, tăng gấp đôi mức thông lệ không quá 0,25%. Trước đó, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25% (từ mức 0 - 0,25% lên 0,25-0,5%) vào tháng 3/2022. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75% - 1%.

Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để đạt tối thiểu 1,9% vào cuối năm 2022, bắt đầu giảm dần lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ và chứng khoán có thế chấp từ ngày 1/6. Lãi suất đồng USD tăng khiến dầu trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác và làm tăng chi phí của tất cả các loại tín dụng, tăng chi phí đầu vào sản xuất và thu hẹp dòng vốn đầu tư, giảm tổng cầu xã hội.

Đồng thời, có thể làm đảo chiều dòng vốn đầu tư quốc tế, thu hẹp dòng vốn rẻ vào các nước đang phát triển hiện đang khát vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch, gây áp lực lên các đồng tiền của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng nghĩa với nguy cơ đình trệ tăng trưởng kinh tế. Gánh nặng nợ cao sau đại dịch sẽ là một thách thức toàn cầu năm 2022 và tiếp theo.

Sự cộng hưởng của các nhân tố này đang và tiếp tục tạo cú sốc hàng hóa lớn nhất kể từ những năm 1970. Sự biến động tài chính gia tăng, thoái vốn phát triển bền vững, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và tăng chi phí thương mại, khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2022 sẽ có tốc độ tăng thấp hơn năm 2021. Tình trạng xấu đi cũng được ghi nhận trong phát triển giáo dục, y tế và bình đẳng giới, thương mại và nợ nần. Tổ chức Lao động thế giới (ILO) ước tính thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019.

Theo WB, sau sự phục hồi tăng trưởng đáng kể vào năm 2021, triển vọng toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm.

Trước bối cảnh nhiều quốc gia mở cửa hàng không trở lại, 19 nước công nhận hộ chiếu vaccine với Việt Nam, tình hình kiểm soát dịch tốt, du lịch Việt Nam đã khởi sắc với sự bùng nổ khách du lịch nội địa, khách quốc tế cũng tăng 184,7%.

Kinh tế Việt Nam nỗ lực khởi sắc

Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới nêu trên.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam bốn tháng đầu năm 2022 ước đạt 122,36 tỷ USD. (Nguồn: TTXVN)

Do nhu cầu, cũng như giá nhập khẩu tăng, nên kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 123%, dầu thô tăng 63,7%; khí đốt hóa lỏng tăng 62,7%... trong khi 89% tổng kim ngạch nhập khẩu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khiến giá trị nhập khẩu bốn tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4 đạt gần 10,81 tỷ USD, giảm 11,7%, cho thấy khá rõ tác động tiêu cực của xu hướng tăng lãi suất USD, sự suy giảm niềm tin thị trường, cũng như sự điều chỉnh dòng chảy FDI chung trên phạm vi toàn cầu.

Đặc biệt, trước xu hướng tăng giá năng lượng và nguyên liệu, lạm phát chung của thế giới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân bốn tháng của Việt Nam cũng tăng 2,1%, cao hơn mức tăng 0,89% của cùng kỳ năm 2021, dù vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2017-2020. Trước áp lực gia tăng lạm phát, xu hướng xiết chặt linh hoạt và điều chỉnh tăng lãi suất, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng cần thiết cũng đang được khởi động ở các cấp, ngành, địa phương Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2021, sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ được khơi thông và mở rộng. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6%, với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 80,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,9%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tăng 9,1%; FDI thực hiện ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% và là giá trị cao nhất so cùng kỳ bốn năm qua. Nhờ kiểm soát dịch tốt và nhiều nước mở cửa hàng không trở lại, 19 nước công nhận hộ chiếu vaccine với Việt Nam, du lịch có nhiều khởi sắc và sự bùng nổ khách du lịch nội địa, khách quốc tế cũng tăng 184,7%.

Việt Nam đã thích ứng khá tốt với biến động nguồn cung và giá cả thị trường thế giới: trong bốn tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7%; thặng dư thương mại đạt 2,53 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,5 tỷ USD). Việc khai thác các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm thâm hụt thương mại từ một số đối tác.

Nhìn chung, nhờ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và hiệu quả, niềm tin và sự năng động thị trường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm và tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, môi trường kinh doanh và sự phục hồi các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế mà Việt Nam tham gia tiếp tục được cải thiện.

TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-on-dinh-tiep-tuc-khoi-sac-183164.html