Kinh tế Việt Nam: Khởi sắc nhưng không kích cầu, nới lỏng tiền tệ

Nền kinh tế của Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng trung bình gần 6,5% mỗi năm trong vòng 20 năm qua, theo đánh giá của Ngân hàng ANZ. Tăng trưởng đặc biệt mạnh trong năm 2017 là 6.8% và ANZ Research dự báo tăng trưởng mạnh mẽ này sẽ được duy trì trong năm 2018 và 2019.

Nền kinh tế 4 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh

Nền kinh tế 4 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh

8 tháng: Tín dụng tăng thấp

Chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2018 nhưng mức tăng tín dụng 8,18% hiện nay còn cách khá xa so với mức dự kiến của tăng trưởng cả năm là 17%.

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2018, Bộ KH&ĐT vừa cho biết: tín dụng trong tháng 8 đã chịu nhiều sức ép từ tỷ giá và lãi suất của thế giới, tuy nhiên, nhờ điều hành linh hoạt các chính sách, đã giữ được sự ổn định, tín dụng tăng trưởng hợp lý, ở mức 8,18%.

Thống kê cho thấy đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây: cùng kỳ năm 2017 là 10,8%; năm 2016 là 9,64%; năm 2015 là 10,21%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán đã có tín hiệu phục hồi rõ rệt, VN-index ngày 24/8 đạt 987 điểm, tăng 3,2% so với tháng trước.

Báo cáo còn cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng nhẹ, khoảng 0,45% so với tháng trước và CPI bình quân 8 tháng vẫn được kiểm soát ở mức hợp lý, tăng 3,52% so với cùng kỳ, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ.

Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu kế hoạch đề ra, tính đến hết tháng 8, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 871,8 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 66,1% dự toán, tăng 13,8%. Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 873,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57,3% dự toán, tăng 10,2%.

Giải ngân vốn đầu tư phát triển đã được cải thiện rõ rệt, ước đạt 176,8 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 44,2% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 38,4% dự toán) . Tuy nhiên, để chuẩn bị cho công tác lập kế hoạch đầu tư năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tích cực, khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.

Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, tính đến ngày 20/8/2018, tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt 24,35 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017, số vốn giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tốt nhất của 8 tháng trong 4 năm trở lại đây, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 8 tháng ước đạt 155,4 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6% . Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD.

Không kích cầu qua nới lỏng tiền tệ

Trên thực tế, tăng trưởng GDP trong nửa đầu năm nay tăng mạnh hơn dự kiến, đạt mức 7.1%. Sự phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghiệp và việc mở rộng liên tục các cơ sở sản xuất dựa trên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đang dồi dào sẽ duy trì tăng trưởng mạnh mẽ. Bản tin ngày 8/9/2018 của bộ phận SSI Research cho biết: dự báo đưa ra cho thấy kinh tế Việt Nam trong quý 3 sẽ tiếp tục khởi sắc.

Cụ thể, theo nhóm phân tích, các lĩnh vực như điện tử sản lượng tivi cao kỷ lục nhưng điện thoại sẽ vẫn dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp điện tử. Những ngành có tăng trưởng khả quan được nhắc tiếp tục duy trì tốc độ ổn định bao gồm Lọc hóa dầu, Dệt may, Dược, Ô tô và Thép. Khai khoáng khả quan hơn nhờ giá hàng hóa thế giới tăng.

Ngành vận tải là ngành dịch vụ có cải thiện tích cực và rõ ràng nhất nhờ tăng trưởng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Xuất khẩu các mặt hàng có khối lượng lớn gồm gạo, dệt may, than, xi măng, sắt thép đều có tăng trưởng rất cao, từ đó kéo theo tăng trưởng ngành vận tải biển, ngành có tỷ trọng luân chuyển hàng hóa lớn nhất. 8 tháng đầu năm, tăng trưởng luân chuyển hàng hóa đường biển đã đạt +4.7%, mức cao nhất nhiều năm.

SSI Research cũng nhận định rằng, có thể lạc quan hơn với tăng trưởng của quý 3 do: ngành khai khoáng hưởng lợi từ giá cả hàng hóa; (ngành công nghiệp chế biến chế tạo có các động lực tăng trưởng mới giúp bù đắp cho sự giảm sút của điện tử; ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định và có thể có cải thiện nhẹ.

Dẫu vậy, nhóm phân tích cũng khuyến cáo: rủi ro từ chiến tranh thương mại. Do sự đối đầu có tính chiến lược giữa 2 cường quốc, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khó sớm chấm dứt. Điều này đang đẩy cao rủi ro cho Việt nam, một quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn. Trong nhiều năm qua dòng tiền nước ngoài, thông qua đầu tư và thị trường xuất khẩu đã là chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định vĩ mô của Việt Nam. Khi chỗ dựa này yếu đi, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào nội lực với 2 nhóm giải pháp kích cầu và kích cung.

“Trong nhiều năm, kích cầu ở Việt Nam thường chỉ chú trọng vào nới lỏng tiền tệ. Đây là một giải pháp đầy rủi ro và cần hạn chế sử dụng. Thay vào đó cần chú ý tới vào kích cầu tài khóa thông qua tháo gỡ các rào cản pháp lý để khơi thông nhanh nguồn vốn đầu tư phát triển đang bị ách tắc tại Kho bạc nhà nước”, nhóm phân tích SSI Research khuyến cáo.

Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 14 tỷ USD trong năm 2017 - tăng 12% so với năm trước. ANZ Research dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục vì Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia. Thậm chí “các ông lớn” có thể tăng tốc trong việc chuyển đổi sản xuất sang Việt Nam.

Khánh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/kinh-te-viet-nam-khoi-sac-nhung-khong-kich-cau-noi-long-tien-te-1322571.tpo