Kinh tế Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong thế giới biến động

Biến động và khó dự đoán là đặc trưng của kinh tế thế giới 2019 và còn tiếp tục trong năm 2020. BizLIVE giới thiệu bài viết của TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

TS. Lê Đăng Doanh

2019 là một năm nhiều biến động khó dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại quốc tế đều thấp, giảm so với năm 2018. Trong đó, nổi lên là những sự kiện, xu hướng đáng chú ý bao trùm nền kinh tế thế giới.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung tác động tiêu cực đến thị trường thế giới, thị trường tài chính và chứng khoán gặp nhiều diễn biến bất ngờ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới điều chỉnh chiến lược đầu tư đi khỏi Trung Quốc, mở ra những cơ hội và thách thức mới cho những nước trong khu vực.

Một xu hướng khác, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tiếp tục tăng tốc, lợi thế so sánh của lao động giá rẻ và tài nguyên khoáng sản giảm sút, thay vào đó là người máy (robot), trí thông minh nhân tạo (AI) được vận dụng rộng rãi hơn.

Thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, đồng tiền thuật toán (cryptocurrency) là những mô hình kinh tế mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian trở lại đây. Các mô hình này lan rộng không chỉ đến khu vực đô thị mà còn đến vùng sâu, vùng xa, nhiều bạn trẻ có chuyên môn ngồi ở Việt Nam làm việc cho công ty nước ngoài, nhận thù lao qua chuyển khoản phát triển nhanh chóng.

Biến động và khó dự đoán là đặc trưng của tình hình kinh tế thế giới hiện nay và còn tiếp tục trong năm 2020.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự báo tốc độ tăng trưởng xuống thấp hơn 2018, chỉ còn 3,2%. Đáng chú ý là kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp khó sau nhiều thập kỷ tăng trưởng như vũ bão, tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất từ 30 năm nay, chỉ đạt khoảng 6%/năm, nhiều doanh nghiệp phá sản, số lao động thất nghiệp tăng lên, nhiều tập đoàn đa quốc gia điều chuyển đầu tư sang các nước khác.

Trước tình hình đó, chính sách kinh tế của các nước phải linh hoạt và điều chỉnh thích hợp, “cái gì đúng cho ngày hôm qua có thể không còn hiệu quả cho ngày hôm nay”.

Chính sách linh hoạt

Trong năm 2019 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng đã ban hành Nghị Quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, là một bước đột phá về tư duy kinh tế, nhằm mục tiêu “phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trong bối cảnh có nhiều thách thức như vậy, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ trong năm 2019 như:

Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2019-2020 do Diễn Đàn Kinh tế Thế Giới (WEF) ở Thụy Sĩ công bố đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay 61/141 nền kinh tế.

Chỉ số Năng lực Đổi Mới Sáng tạo của Việt Nam cũng có cải thiện. Theo báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019. Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Tuy nhiên, mức độ minh bạch ngân sách nhà nước còn hạn chế, tình trạng lạm dụng ngân sách để chiêu đãi, đi nước ngoài vẫn chưa được ngăn chặn. Dù vậy, cũng có những tín hiệu tích cực khi nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động vận dụng chính phủ điện tử, cải cách hành chính, cắt giảm giấy phép con, thủ tục hành chính, qua đó gảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp và công dân.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu

Giữa tháng 12, Tổng Cục Thống Kê tính lại tổng sản phẩm quốc nội, công bố GDP Việt Nam tăng thêm 25,4%, GDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD/người, mở ra khả năng tăng thêm bội chi ngân sách, tăng nợ Chính phủ mà vẫn dưới mức an toàn, tuy thu nhập thực tế của người dân không có gì thay đổi.

Trong bối cảnh đó, năm 2019, kinh tế Việt Nam ước tính tăng trưởng 7,02%/năm, vượt chỉ tiêu tăng GDP 6,8% do Quốc hội đề ra, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay là tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%), trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng khoảng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2019 ước tính đạt 516,96 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng cao 17,7%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD. Đây cũng là năm gặp thiên tai (hạn hán), song nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu và tiến bộ rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2010 là những tác động từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Giá trị gia tăng của công đoạn gia công bị giảm sút mạnh, sức ép tái cơ cấu kinh tế đang tăng lên, không chờ đợi một ai. Lao động giản đơn ngày càng bị thay thế nhiều hơn bởi người máy và trí thông minh nhân tạo (AI) ở nước ta, chủ yếu ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Bài viết của TS. Lê Đăng Doanh đăng tải trên đặc san “Đầu tư & Kinh doanh Việt Nam 2019 - 2020 toàn cảnh”, trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc & bứt phá”.

Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương & Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì; Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO) cùng BizLIVE, VTV24 đồng tổ chức, gồm các nội dung thảo luận dự kiến như sau:

Phiên 1: Bức tranh “Panorama” về môi trường Đầu tư và Kinh doanh Việt Nam 2020

Phiên 2: Những giải pháp có tính đòn bẩy cho thị trường tài chính & Bất động sản 2020

Phiên 3: Tăng tốc & bứt phá trong các lĩnh vực Hàng không, Năng lượng tái tạo, Giáo dục đào tạo.

Thời gian: 8h00 ngày 06 tháng 01 năm 2020

Địa điểm: Khách sạn REX, 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM.

Thông tin chi tiết hơn về Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc & bứt phá” được cập nhật liên tục tại đây.

Quý độc giả quan tâm, vui lòng đăng ký tham dự Diễn đàn tại đây.

TS. LÊ ĐĂNG DOANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/kinh-te-viet-nam-dat-nhieu-thanh-tuu-trong-the-gioi-bien-dong-3531831.html