Kinh tế Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô

Trong 9 tháng đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, có sự cải thiện ấn tượng ở cả phía cung và phía cầu; lạm phát trong tầm kiểm soát; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá, thu chi ngân sách được quản lý chặt chẽ …

Khu vực sản suất kinh doanh tiếp tục được cải thiện

Theo Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có bước bứt phát ngoạn mục trở thành động lực dẫn dắt lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng cao; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai (quý III/2018), song tính chung 9 tháng vẫn có mức tăng khá. Cả ba khu vực này đã tạo thế kiềng ba chân vững chắc, thúc đẩy tổng cung.

Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục cải thiện trong tháng 9. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành công nghiệp tháng 9/2018 ước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả 9 tháng đầu năm IIP ước tăng xấp xỉ 10,6% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, điểm sáng vẫn là sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng cao đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ảnh minh họa

Chỉ số PMI dù tăng chậm lại nhưng vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực. Theo công bố từ Nikkei – HIS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) đã giảm nhẹ từ mức 54,9 điểm của tháng 7 còn 53,7 điểm trong tháng 8, nhưng vẫn là một trong những mức tăng cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.

Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cũng cho biết, khu vực dịch vụ vẫn liên tục duy trì ổn định tăng trưởng ở mức khá kể từ đầu năm 2018. Tăng trưởng tốt của khu vực này chủ yếu nhờ nhóm ngành bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt, ngành bán buôn, bán lẻ - là ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định. Ước tính, trong 9 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2016.

Chưa hết, khu vực nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng trong hơn nửa đầu năm 2018, song 2 tháng gần đây, có xu hướng giảm tốc do chịu thiệt hại bởi tình hình thời tiết diễn biến xấu. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp trong 06 tháng đầu năm 2018 đạt mức 3,28% (đóng góp 0,34 điểm % vào tăng trưởng chung), là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là điểm sáng

Cũng theo Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cải thiện so với đầu năm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là điểm sáng .

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 3 tháng gần đây đã cải thiện đáng kể so với đầu năm. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2018 ước đạt 1.253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (quý III 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%), bằng 34% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 420,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 533,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,5% và tăng 17,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 299,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,9% và tăng 8,4%..

“Tiến độ giải ngân vốn đầu tư 9 tháng đầu năm 2018 cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân cả nước nhìn chung vẫn còn thấp so với kế hoạch giao”, Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho hay.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất về giải ngân vốn đầu tư của Kho bạc Nhà nước, có 30/56 bộ, ngành trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% kế hoạch năm.

Nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn đầu tư còn chậm là do vẫn tồn tại bất cập trong thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư, thẩm định nguồn vốn và thực hiện kế hoạch giao vốn. Việc chậm cải thiện giải ngân vốn đầu tư phần nào sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng GDP của năm 2018.

Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc thu hút vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tổng thể của kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2018. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước và ước tính đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017 (9 tháng năm 2016 đạt 12,5 tỷ USD).

Cùng với đó, lạm phát tiếp tục trong tầm kiểm soát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số CPI cơ bản bình quân quý I chỉ tăng 1,34%. Nguyên nhân chính gây lạm phát trong quý I chủ yếu là do sự tăng giá của 3 nhóm hàng hóa chính là thuốc và dịch vụ y tế, nhóm giao thông và đồ dùng và dịch vụ khác.

Sang quý II, chỉ số CPI bình quân quý II/2018 tăng 3,76% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng giá của ba nhóm hàng chính là nhóm lương thực, nhóm giao thông và nhóm dịch vụ y tế, kết hợp với việc giá dầu thế giới tăng cao làm tăng áp lực lên lên giá hàng hóa trong nước.

Bắt đầu vào quí III, tính đến hết tháng 9/2018, chỉ số CPI đã tăng 3,2% so với tháng 12 năm trước và CPI bình quân 9 tháng tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201810/kinh-te-viet-nam-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-trong-on-dinh-kinh-te-vi-mo-617147/