Kinh tế Việt Nam đang đổi chiều và những yêu cầu tiếp theo

Không chỉ là điểm sáng trong bối cảnh thế giới, mà quan trọng hơn là nền kinh tế Việt Nam đang đổi chiều.

TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Chấm dứt 15 năm tăng trưởng chậm dần

Nhìn lại 4 năm 2016-2019, tốc độ tăng GDP của Việt Nam tăng dần với mức 6,2%, 6,8%, 7,08% và 7,02 năm 2019. Trong điều kiện các chính sách và giải pháp của Chính phủ phải tập trung vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn và tăng trưởng chậm dần, tốc độ đó cho thấy mặt tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Nếu xét trên 4 chỉ báo quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô, gồm tăng GDP, kiểm soát lạm phát và ổn định giá cả, tăng việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng xuất khẩu, thì rõ ràng nền kinh tế Việt nam đang là điểm sáng đối với tình hình kinh tế chung của thế giới.

Kết quả này không chỉ có ý nghĩa về mặt tăng trưởng, mà quan trọng hơn là nền kinh tế đang đổi chiều: từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, chấm dứt giai đoạn 15 năm tăng trưởng chậm dần.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm dần qua từng kế hoạch 5 năm từ giai đoạn 2001-2005 (bình quân 7,33%/năm); 2006-2010 (bình quân 6,32%/năm) và 2011-2015 (bình quân 5,96%/năm) và tiếp tục suy giảm khi bước vào kế hoạch 2016-2020 (năm 2016 và quý I/2017). Nhưng từ quý II/2017 bắt đầu đổi chiều với tốc độ tăng trưởng cao và tạo đà cho sự trưởng cao và ổn định các năm 2017-2019.

Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực của tốc độ tăng trưởng, các yếu tố đóng góp chưa ổn định: Nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng cao trong năm 2018-2019 khó duy trì trong năm 2020 như tốc độ tăng trưởng công nghiệp chế biến, giá trị sản phẩm nông – lâm - ngư nghiệp, tăng xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa, du lịch, thị trường bất động sản…; nhất là những điểm nghẽn về thể chế như đầu tư công, BT, BOT… chưa được tháo gỡ đã và đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngay trong năm 2019 và cả năm 2020.

Một yếu tố cần quan tâm là đầu tư công giảm dần, nên vai trò tác động lan tỏa của đầu tư công như những năm trước cũng giảm dần… Bên cạnh đó, trong nhiều năm tới bài toán vĩ mô của kinh tế Việt Nam vẫn là chất lượng tăng trưởng gắn với đổi mới thể chế cùng với diễn biến phức tạp của kinh tế và thương mại toàn cầu… nên sự điều hành chính sách kinh tế - tài chính của Chính phủ vẫn phải thực hiện “mục tiêu kép” - cả chất lượng và tốc độ tăng trưởng.

Trong hai năm 2019-2020 có nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm và bình quân cả 5 năm 2016-2020 tăng bình quân 6,8%/năm (so với mục tiêu kế hoạch bình quân 6,5-7%/năm).

Tận dụng và khai thác có hiệu quả bốn trụ cột

Xét về tiềm năng, địa - kinh tế của quốc gia và thời cơ của thời đại có bước nhảy vọt về thành tựu khoa học - công nghệ, Việt Nam cần tận dụng để khai thác có hiệu quả bốn trụ cột kinh tế.

Đó là, khai thác có hiệu quả nhất nền nông nghiệp nhiệt đới, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu thông qua đổi mới mô hình tổ chức sản xuất và ứng dụng công nghệ cao.

Khai thác lợi thế của kinh tế biển (bao gồm các khu kinh tế ven biển); lợi thế của quốc gia “mặt tiền biển”, phát triển các khu kinh tế ven biển và dịch vụ cảng-logistics. Kinh tế biển không chỉ tạo sức lan tỏa cho các ngành kinh tế khác phát triển mà còn là phục vụ cho mục tiêu an ninh, quốc phòng; gìn giữ chủ quyền biền đảo.

Cũng như, phát triển ngành công nghiệp du lịch nhằm đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch toàn cầu và phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa (đây là dư địa rất lớn khi chúng ta đô thị hóa mới khoảng 36-38%).

Những vấn đề như ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; kinh tế kỹ thuật số hay đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp… chỉ là cách thức để phát triển nhanh bốn trụ cột nêu trên.

Ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp

Cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính đã được đặt ra từ nhiều thập niên qua, nhưng đến nay sự bất cập trong quản lý nhà nước về kinh tế-xã hội ở nhiều lĩnh vực vẫn tổn tại và tính phức tạp diễn biến cùng chiều với sự tăng trưởng kinh tế; phát triển thị trường và hội nhập quốc tế.

Vấn đề đặt ra là, nếu thiếu tư duy hệ thống về quản lý nhà nước phù hợp với sự vận hành của thể chế kinh tế thị trường, thì mọi nỗ lực cải cách riêng lẽ sẽ không mang lại hiệu quả, mà tính mâu thuẫn và phức tạp ngày càng tăng thêm. Điển hình nhất là hàng chục đạo luật về kinh tế Quốc hội mới ban hành tại nhiệm kỳ trước thì nhiệm kỳ này phải sửa vì mâu thuẫn xung đột khi thực thi.

Trong những năm qua Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng công vụ của bộ máy hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính đang mang lại niềm tin và kỳ vọng đối với một chính phủ hành động và trên thực tế bước đầu đã mang lại những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, để các nghị quyết của Chính phủ nhanh chóng thành hiện thực của đời sống kinh tế-xã hội, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta trong điều kiện hội nhập khu vực và toàn cầu, cần phải cải cách đồng bộ cả ba bộ phận: thể chế hành chính, bộ máy và con người.

Hoàn thiện thể chế kinh tế không chỉ là việc hoàn thiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp, mà phải đặt nó trong một nội hàm rộng hơn, bao gồm cả hệ thống quản trị quốc gia, với ba trụ cột: thể chế kinh tế, nền hành chính công và nền tài chính công. Mọi cải cách cần phải mang tính đồng bộ của cả hệ thống. Đây là yêu cầu rất bức xúc đang đặt ra, khi mà chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường. Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ nhà nước không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường. Thu hẹp lãnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.

Trong điều kiện nước ta hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh tùy thuộc vào ba nhân tố: kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ. Đây chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của nhà nước. Dư địa và động lực phát triển chính là ở đây.

Và những điểm cần xóa bỏ

Để thực hiện được những yêu cầu trên, cần có quan điểm đổi mới, hoàn thiện thể chế mạnh mẽ và mang tính đồng bộ dựa trên 5 nhóm nội dung:

Làm rõ và minh định chức năng nhà nước, với tư cách là 1 trong 3 chủ thể của kinh tế thị trường (nhà nước; người sản xuất và người tiêu dùng hay nhà nước; doanh nghiệp và người dân). Nhà nước không làm thay thị trường và làm thay người dân trong quan hệ dân sự. Đây là cơ sở để xây dựng bộ máy công vụ và hành chính công quyền.

Xóa bỏ tư duy “cơ cấu kinh tế địa phương”; tách biệt hoạt động kinh tế với hành chính công quyền; hình thành các vùng kinh tế; xây dựng các chương trình phát triển quốc gia thay cho các loại chính sách ưu đãi tràn lan.

Xóa bỏ tư duy lồng ghép công vụ: công vụ quốc gia và công vụ địa phương. Không có công vụ nhà nước chung chung. Đây là nền tảng xây dựng mô hình chính quyền địa phương; cụ thể hóa cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa trung ương và địa phương theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước; kiểm soát lạm quyền; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và phát huy vai trò của các cơ quan dân cử địa phương.

Tách biệt ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Xóa bỏ cơ chế “ngân sách lồng ghép” gọi chung là ngân sách nhà nước như hiện nay. Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia. Xóa cơ chế xin cho về ngân sách.

Phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay. Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ một phần gián tiếp qua các định chế phi lợi nhuận.

Thể chế kinh tế thị trường không thể vận hành trôi chảy bởi một bộ máy hành chính về bản chất gắn với thuộc tính của nền kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy xuyên suốt từ trung ương đến địa phương như hiện nay. Tính thống nhất của nền hành chính quốc gia đã biến thành tính đồng nhất của bộ máy hành chính. Đây là nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, hiệu lực.

TS. TRẦN DU LỊCH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/kinh-te-viet-nam-dang-doi-chieu-va-nhung-yeu-cau-tiep-theo-3533541.html