Kinh tế Việt Nam đã đi qua đáy, đang phục hồi theo hình chữ V

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V, nhưng chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: H.Dịu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: H.Dịu

Chiều 2/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, ngày hôm nay 2/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2020.

Theo đó, Chính phủ đánh giá, kinh tế tháng 9 có rất nhiều điểm sáng, một là công tác chống dịch đã qua 30 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, chúng ta đã khống chế thành công 2 đợt dịch. Nông nghiệp nhiều khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay; công nghiệp tăng 2,69% và xuất khẩu đạt kỷ lục tuy không cao như năm ngoái, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn xuất siêu tới 17 tỷ USD.

Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thị trường chứng khoán có sự khởi sắc trở lại. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

“Thực tế nền kinh tế nước ta đã đi qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V. Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới”, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như các rủi ro bên ngoài khi dịch bệnh chưa thuyên giảm ở nhiều nước. Một số tổ chức quốc tế cảnh báo rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền lớn, trong khi khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài chính.

Vì thế, về triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Về việc mở lại 7 đường bay quốc tế, đây là điều tất yếu phải làm nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lọt vào cộng đồng.

Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề về cách ly ở khách sạn khi có nhiều ý kiến khác nhau như trường hợp thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn mà báo chí phản ánh vừa qua, gây bức xúc cho người dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 2,5 đến 3% trong năm. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng.

Nói thêm về vấn đề phát triển cho doanh nghiệp, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tình hình doanh nghiệp 9 tháng đầu năm còn khá khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu và lữ hành du lịch.

Với doanh nghiệp lữ hành, thị trường khách quốc tế gần như đóng băng nên còn rất nhiều khó khăn để hoạt động và nuôi bộ máy, nhưng ông Trần Quốc Phương cho rằng, kỳ vọng ngành du lịch sẽ phục hồi một phần nhờ khách du lịch trong nước.

Ngoài ra, dù lãi suất ngân hàng đã giảm rất sâu, nhưng vốn ngân hàng không phải cho không, nên theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay bởi phải giải quyết vấn đề mấu chốt là đầu ra của sản phẩm.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kinh-te-viet-nam-da-di-qua-day-dang-phuc-hoi-theo-hinh-chu-v-134453.html