Kinh tế Việt Nam ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ rút khỏi WTO?

Thêm một lần nữa, Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump lại lên tiếng khẳng định các hiệp định thương mại 'bất công' với Mỹ.

Ảnh: MMO-Champion.

Ảnh: MMO-Champion.

Từ đó, ông Trump bỏ ngỏ khả năng đưa nước Mỹ rút khỏi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) như đã và đang làm với nhiều hiệp định thương mại mà Mỹ dự định hoặc đang tham gia trước đây.

Nếu điều này xảy ra, chắc chắn sẽ làm “rối loạn tạm thời” nền kinh tế thế giới nhưng đồng thời cũng có thể là cơ hội tốt để cải tổ WTO. Trong bối cảnh ấy, nguy cơ nào có thể xảy ra với nền kinh tế Việt Nam và chúng ta cần làm gì để đối phó từ xa, trước khi những nguy cơ đó trở thành hiện thực?

Kinh tế thế giới có thể rơi vào trạng thái không tuân thủ các luật lệ cơ bản

Ngày 30.8, trong một cuộc trao đổi với báo giới, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã khẳng định lại nếu các “luật chơi” của WTO không thay đổi theo hướng bình đẳng hơn với Mỹ, ông ta sẽ rút nước Mỹ khỏi WTO.

Đối với Việt Nam, sau 11 năm gia nhập WTO, chúng ta đã tham gia khá sâu vào các cam kết của tổ chức này, vì vậy khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ rút khỏi WTO, dù muốn hay không chúng ta cũng bị ảnh hưởng và đối mặt với nhiều nguy cơ.

Nhận định về các nguy cơ này, TS. Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) cho rằng: “Bản thân ông Trump và chính quyền của ông ta không hài lòng với thiết kế cấu trúc thương mại thế giới hiện nay. Nếu Mỹ rút khỏi WTO, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào trạng thái không tuân thủ các luật lệ cơ bản. Trong ngắn hạn có thể sẽ tạo sự hỗn loạn nhất định đối với thương mại thế giới.

Tuy nhiên, sự hỗn loạn đó không nhất thiết đã là sự nguy hiểm giống như ngày tận thế đối với Việt Nam, một nền kinh tế đã khá quen thuộc với thương mại quốc tế, thế nhưng nó có thể gây khó khăn phức tạp hơn cho cả doanh nghiệp Việt Nam cũng như cách chính phủ Việt Nam ứng phó với sự kiện bất ngờ.

Nếu chính phủ không kịp thời và “thức thời”, chúng ta sẽ còn gặp phải nhiều bất lợi và thiệt thòi khi bị các nền kinh tế lớn “bắt nạt” do chẳng nước nào tuân thủ luật chơi, cứ “cá lớn ép cá bé” thôi. Trong khi đó, ở hoàn cảnh hiện nay, sức mạnh của chúng ta thì không đủ lớn.

Ở trạng thái này, có thể việc bị tấn công, chèn ép sẽ còn nhiều hơn nữa, và không thức thời thì sẽ càng thua thiệt, nhưng cái thua thiệt này phải hiểu theo nghĩa bị lấn át trong thương mại quốc tế.

Để ổn định lại sân chơi lớn này, có thể sẽ phải thiết lập một trật tự thương mại thế giới mới, nhưng điều này sẽ mất rất nhiều thời gian. Chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục quan sát và hết sức thận trọng chuẩn bị tâm lý đối phó, bởi có thể Việt Nam phải hứng chịu cả những bất lợi. Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta bất lực không thể làm gì. Tôi tin Việt Nam sẽ đối phó được - TS. Thành đánh giá.

Quan hệ kinh tế Việt Mỹ sẽ vẫn ổn định

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại cho rằng nếu ông Trump không nhắm tới Việt Nam là quốc gia xuất siêu sang Mỹ thì quan hệ kinh tế Việt Mỹ sẽ vẫn ổn định và không nhiều biến động:

“Đối với Việt Nam hiện nay trong quan hệ với Mỹ thì trước hết dựa vào Hiệp định song phương Việt - Mỹ gọi tắt là BTA được hình thành từ năm 2001 sau một quá trình đàm phán rất dài. Tiếp theo đó là việc đàm phán Việt - Mỹ về việc Việt Nam tham gia WTO, hiệp định ký kết đó được coi là BTA+ cũng đã hoàn thành vào đầu năm 2006. Đó là hai hiệp định cơ bản nhất giúp cho quan hệ giữa hai bên.

Nếu vẫn tuân thủ các nguyên tắc đó thì quan hệ hai bên vẫn diễn ra một cách bình thường. Cái này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho Mỹ nữa, các công ty của Mỹ có điều kiện tham gia rất nhiều vào sân chơi ở Việt Nam dù có nhiều cái họ không trực tiếp tham gia mà thông qua các nhánh của họ đặt ở khu vực Châu Á gần Việt Nam.

Vì vậy, tôi rất kỳ vọng chính quyền Mỹ, nếu ông Trump quyết định rút khỏi WTO thì cũng không làm đảo lộn quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ dựa trên bản hiệp định đã ký trước đó” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

ĐỨC THÀNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/kinh-te-viet-nam-anh-huong-ra-sao-neu-my-rut-khoi-wto-629172.ldo