Kinh tế việc làm tự do phát triển mạnh tại châu Á

Kinh tế việc làm tự do mang đến cho nhiều người có trình độ thấp và hạn chế về thời gian nhưng vẫn có thể kiếm được tiền ngay khi mà họ muốn.

Các công ty khởi nghiệp của châu Á đang giúp cho nền kinh tế việc làm tự do (gig economy) có được một cú huých phát triển dù rằng lĩnh vực này đang gặp khó tại Mỹ và châu Âu do nhiều rào cản về chính sách và sự hoài nghi của nhà đầu tư.

Gần đây, trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến quý 3/2019, 4/5 đợt gọi vốn lớn nhất cho các công ty khởi nghiệp diễn ra tại châu Á.

Hoạt động kinh doanh của các công ty này dựa chủ yếu vào lao động tự do để cung cấp đủ mọi loại dịch vụ, từ dịch vụ chia sẻ xe cho đến chuyển thực phẩm. Dù gọi được vốn nhưng lượng vốn về không cao, theo kết quả nghiên cứu của một báo cáo mới đây của Goldman Sachs.

Dẫn đầu trong nhóm này phải kể đến ứng dụng gọi xe Grab. Vào tháng 3/2019, Grab đã thông báo huy động được 1,46 tỷ USD từ tập đoàn SoftBank của Nhật.

Ngoài ra, một số đợt bơm vốn lớn khác phải kể đến việc bơm 1 tỷ USD vào Gojek - đối thủ của Grab. Các đợt bơm vốn này đến từ Google, Tencent Holdings và JD.com của Trung Quốc. Ngoài ra ứng dụng vận chuyển thực phẩm tại Ấn Độ Swiggy cũng nhận được 1 tỷ USD.

Đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu của Uber và Lyft chấm dứt quãng thời gian tăng trưởng thần kỳ của hai công ty này. Thay vào đó, hai công ty bước vào thời kỳ mới, thời kỳ mà công chúng sẽ rất quan tâm đến khả năng sinh lời của họ.

Sự hoài nghi của thị trường dành cho hai công ty phản ánh chính ở biến động giá cổ phiếu của hai công ty. Giá cổ phiếu của hai công ty đều đang dưới giá IPO, điều này đồng thời cản trở đầu tư vào những công ty có loại hình kinh doanh tương tự. Mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn khi mà người lao động đình công và thách thức pháp lý ngày một lớn dần.

Tháng 9/2019, thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã ký thông qua một luật, theo đó các công ty phải đối xử với người làm cho mình như người lao động chính thức. Thay đổi này sẽ khiến cho Uber và Lyft mất thêm lần lượt 500 và 290 triệu USD, theo tính toán của ngân hàng Barclays. Vào tháng trước, Uber để mấy giấy phép hoạt động tại London, một trong những thị trường quan trọng nhất.

Thế nhưng tại châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á và Ấn Độ, nền kinh tế chia sẻ kém được quản lý hơn và nó phụ thuộc nhiều vào xu thế khi mà nhiều người sử dụng điện thoại thông minh cũng như điều kiện nhân khẩu học có lợi hơn.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/kinh-te-viec-lam-tu-do-phat-trien-manh-tai-chau-a-3529392.html