Kinh tế và chính trị qua góc nhìn thương chiến

Các nhà chép sử bắt đầu giành một chương mới cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hậu thế sẽ học bài học này, dĩ nhiên không chỉ là 'những gói thuế'...

Từ khi công xã nguyên thủy kết thúc, loài người bước vào thời kỳ phân chia giai cấp, do yêu cầu giải quyết mâu thuẫn giai cấp nên nhà nước ra đời, cũng từ đó mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị bắt đầu được quan tâm.

Theo Marx, muốn tồn tại, con người cần phải ăn, uống, mặc, ở, đi lại... Tất cả những hoạt động gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra những thứ thỏa mãn nhu cầu đó đều thuộc về kinh tế.

Khái niệm “kinh tế” theo quan điểm của Marx, chứa đựng trong nó cả những quan hệ giữa con người với tự nhiên và quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất vật chất.

Marx đi đến kết luận: “Toàn bộ những quan hệ ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó”.

Như vậy, kinh tế là nền tảng nảy ra chính trị; hai thực thể này không thế tách rời nhau, giữa chúng là mối quan hệ sản sinh, vận dụng phù hợp mang đến ổn định, ngược lại quan điểm siêu hình, máy móc ắt thất bại.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là bài học lớn cho hậu thế

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ là bài học lớn cho hậu thế

Cách đây vài tháng, khi chiếc điện thoại tối tân nhất của Huawei ra mắt khách hàng, tờ Express của Anh đưa tin “bạn có thể bán P20 Pro với giá 280 USD”. Tại thời điểm đó, chiếc P20 Pro có giá bán ra 1.150 USD tại thị trường Mỹ! Hiện tại, mức giao dịch chỉ là 50 USD.

Nhiều nhà bán lẻ ở Singapore và Philippines từ chối mua vào các thiết bị của Huawei thì lo ngại không bán được cho ai. Tại Việt Nam, tín đồ công nghệ đang ở giai đoạn “lý tưởng” - có thể ép giá người bán.

Ở chiều ngược lại, người dùng lỡ mua các dòng sản phẩm cao cấp của Huawei vẫn “cố thủ” không bán cho các đầu nậu thu mua hàng cũ. Họ đợi chờ một quyết định nới lỏng từ ông Trump.

Trong một diễn biến khác, quyết định chính trị của Trump làm chùn tay mọi khách hàng có ý định “xuống tiền” mua sản phẩm của Huawei. Ai được hưởng lợi và ai bị thiệt hại từ sự cố này?

Không ai khác ngoài những đối thủ của Huawei như Samsung, Apple. Song, câu chuyện này còn để lại giá trị lý luận hấp dẫn, đó là cách nhận thức và xử lý hai phạm trù rất quan trọng: Kinh tế và chính trị.

Sắc lệnh khẩn cấp cấp Huawei đã tạo ra sự xáo trộn không nhỏ trên thị trường thiết bị thông minh, ở đó người ta thấy sự biến đổi thú vị của dòng hàng, dòng tiền và xu hướng, thị hiếu tiêu dùng.

Nếu muốn tìm một hình mẫu để chứng minh mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị, thì thương chiến Mỹ - Trung và nỗi khổ của Huawei cho thấy rất rõ điều đó.

Chiến tranh thương mại và đòn trừng phạt nhằm vào đối phương thật ra là cuộc đấu đá rất quy mô mang tầm chiến lược. Nó xuất phát từ mâu thuẫn hệ thống, các xu hướng đường lối chính trị đối lập không dễ giải quyết trong ngắn và trung hạn.

Nếu Đảng cộng hòa của ông Trump lấy chủ trương “nước Mỹ trên hết” làm rường cột cho khoảng thời gian gần 5 năm thì phía Trung Quốc vẫn kiên định với mục tiêu đã vạch ra cách đây vài thập kỷ.

Và, rất có thể, sau năm 2020 nếu Đảng dân chủ nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ thì mọi chuyện trở nên êm ấm, như thời kỳ ông Obama sử dụng “dĩ hòa vi quý” với Trung Quốc.

Nhờ tiềm lực kinh tế hùng hậu, ở đây là sự “độc quyền về công nghệ” giúp cho nước Mỹ gia tăng sức mạnh “mềm”. Họ có thể sử dụng sức mạnh ấy vào bất cứ đâu nếu muốn bằng chiêu bài cấm vận kinh tế.

Như vậy, kinh tế quyết định chính trị, còn chính trị tác động trở lại kinh tế theo hai hướng, kìm hãm và thúc đẩy tùy thuộc vào ý chí của giới cầm quyền.

Thời kỳ chiến tranh giành độc lập, cha ông ta vận dụng rất nhuần nhuyễn mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị - thắng lợi ngoài mặt trận là bàn đạp tăng sức mạnh tiếng nói trên bàn đàm phán; đấu tranh vũ trang song hành với đấu tranh chính trị; có thời kỳ nghiêng về đấu tranh chính trị, có thời kỳ nhấn mạnh vũ trang…

Có thể rút ra rằng, mọi quyết định chính trị phải dựa vào tiềm lực kinh tế, nếu không - quyết định ấy là chủ quan, duy ý chí. Đổi lại để kinh tế hùng mạnh, cần có thể chế chính trị lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với thực tiễn.

Mọi chiến lược, mọi quyết sách phải dựa vào thực tiễn đời sống - đó là nguyên lý mang tính phổ quát trong thuật trị quốc, bình thiên hạ. Đồng thời, không thể tuyệt đối hóa kinh tế hoặc duy chính trị. Chính trị không xa vời, đó là cơm ăn nước uống, là túi tiền của chúng ta.

Chiến tranh súng đạn tạm lắng, nhưng chiến tranh kinh tế, tiền tệ, ngoại giao bắt đầu xuất hiện, xử trí quan hệ kinh tế và chính trị vì thế phải linh hoạt hơn.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/kinh-te-va-chinh-tri-qua-goc-nhin-thuong-chien-151101.html