Kinh tế tuần hoàn cần một cuộc cách mạng lớn

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng đang nghĩ đến những giải pháp kinh tế còn hơn cả tuần hoàn.

M ột sự thật dễ quên về thực phẩm mà chúng ta ăn, hàng hóa chúng ta mua và những bao bì xung quanh chúng ta là nhu cầu khổng lồ mà chúng đặt ra cho thế giới tự nhiên. “Để sản xuất những món hàng này, chúng ta cần phải khai thác tài nguyên trong thế giới tự nhiên”, chuyên gia bền vững Leyla Acaroglu nhận định. Cô nhấn mạnh mọi thứ mà chúng ta lấy đi từ thiên nhiên “đều có cái giá và đó là cái giá phải trả cho tương lai”. Cái giá đó rất lớn, từ việc mất đi năng lực hấp thu carbon qua hành động chặt cây phá rừng, cho đến phá hủy môi trường biển do rác thải nhựa.

Acaroglu, người đã giành giải thưởng Nhà vô địch của Trái đất từ Liên hiệp Quốc, là một trong số ngày càng nhiều nhà hoạt động môi trường muốn đảo ngược lại những tổn thất này thông qua nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, sản phẩm và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp đưa câu chuyện tuần hoàn vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu, khi mang mục đích tuần hoàn vào trong sản phẩm ngay từ khâu thiết kế. Chẳng hạn, nhà sản xuất nội thất văn phòng Steelcase thiết kế các sản phẩm với ý tưởng có thể tháo lắp. Công ty chọn các vật liệu có độ bền cao nhưng dễ dàng được tái chế. Công ty cũng không trộn lẫn các vật liệu vì sẽ gây khó khăn cho khâu tái chế sau này. “Điều đó tạo sự khác biệt cho tính bền vững vì với lối thiết kế này, chúng ta đang nỗ lực giữ mọi thứ nằm trong hệ thống tuần hoàn, chứ không chỉ giảm tác động tiêu cực của chúng”, Andrew Morlet, CEO Ellen MacArthur Foundation, cho biết.

Chắc chắn việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở một quy mô cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu và sự khan hiếm tài nguyên thế giới là không hề dễ dàng, nhất là khi những hệ thống và các cơ chế tài chính đã được xây dựng từ lâu để củng cố cho nền kinh tế tuyến tính (dựa trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ tự nhiên để làm ra sản phẩm, sử dụng chúng, rồi vứt bỏ ra môi trường). Việc dỡ bỏ nền kinh tế tuyến tính đòi hỏi sự hiệp lực của chính phủ các nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng và những thành phần khác trong nền kinh tế.

Các ngành sản xuất và công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tạo ra những thay đổi thiết thực. Đối với một số doanh nghiệp, điều đó có nghĩa là phải thay đổi mô hình kinh doanh. Một ví dụ là Umicore, một tập đoàn công nghệ vật liệu có trụ sở tại Bỉ. Từ những năm 1990 Umicore đã bắt đầu chuyển từ khai khoáng sang tinh luyện, tái chế và phục hồi các kim loại đặc biệt. “Đó là sự lột xác 100% danh mục sản phẩm. Chúng tôi đã thay đổi từ hoạt động thuần túy dựa trên sản phẩm sang đầu tư rất mạnh vào các công nghệ mới”, Marc Grynberg, CEO Umicore, nhận định.

Hay DSM, một tập đoàn về khoa học vật liệu và khoa học cuộc sống, từ lâu nghiên cứu tích hợp mô hình tuần hoàn vào hoạt động của mình, theo hướng khám phá những mảng kinh doanh khác nhau có tiềm năng tái chế và tái sử dụng. DSM đang nghiên cứu làm thế nào tái chế và tái sử dụng 100% các tấm thảm bằng cách sản xuất chúng bằng một loại vật liệu duy nhất, hơn là nhiều vật liệu khác nhau. “Chúng tôi nói rằng hãy quay trở lại buổi ban đầu và tái thiết kế tấm thảm. Nếu chỉ cần dùng một loại nguyên vật liệu để làm ra tấm thảm thì bạn chỉ việc đưa tấm thảm trở lại dây chuyền, ở đó nó sẽ được xử lý lại và tái chế. Đó mới là cái mà chúng tôi gọi là tuần hoàn thực sự”, Dimitri de Vreeze, thành viên của ban điều hành DSM, chịu trách nhiệm về mảng vật liệu của Tập đoàn, cho biết.

Khi nói đến hàng hóa tiêu dùng, có không ít cuộc thảo luận cho rằng mỗi cá nhân đều có thể góp phần vào nền kinh tế tuần hoàn bằng cách tái chế và tái sử dụng rác thải, dù là thực phẩm, quần áo hay bao bì. Nhưng họ cũng khó làm được gì, nếu bao bì hay sản phẩm thuộc loại khó tái chế. Vì thế, câu chuyện vẫn quay trở về với khâu thiết kế ban đầu ở doanh nghiệp. “Với rác thải nhựa, một lượng lớn đang nằm trong tay ngành công nghiệp. Chúng ta có thể giảm lượng nhựa ở các sản phẩm bằng cách sử dụng giấy và những sản phẩm dễ tháo rời”, Peter Freedman, Giám đốc Điều hành Consumers Goods Forum, nhận định.

Đó là chưa nói đến vấn đề ý thức tiêu dùng. Mặc dù các doanh nghiệp có thể khuyến khích người tiêu dùng trả lại những món hàng có giá trị cao như điện thoại di động, nhưng để thuyết phục họ tái sử dụng các sản phẩm có giá trị thấp thì rất khó.

Mặt khác, trong khi người tiêu dùng không thể làm gì nhiều nếu không có hành động từ phía doanh nghiệp thì giới doanh nghiệp lại đang trông đợi chính phủ đưa ra các sáng kiến kinh tế tuần hoàn hay chính sách tưởng thưởng cho những đơn vị phát triển mô hình kinh doanh tuần hoàn.

“Khi chi phí tái chế còn cao hơn giá trị của những vật liệu được thu hồi (từ một sản phẩm đã bỏ đi) thì có lẽ chẳng ai kiên trì thu hồi, tái sử dụng hay tái chế sản phẩm. Chính ở điểm này mà cần đến các quy định pháp luật để khuyến khích họ”, Grynberg, thuộc Umicore, nhận định.

Chắc chắn, những ai theo đuổi chiến lược tuần hoàn sẽ phải xây dựng hạ tầng logistics để hỗ trợ cho nền kinh tế ấy, có nghĩa là sẽ phải tìm đến thị trường vốn để tài trợ cho các dự án tuần hoàn của họ. May mắn là sự quan tâm của các nhà đầu tư đang gia tăng. Tháng 10 vừa qua, BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã ra mắt Quỹ Kinh tế Tuần hoàn BGF, trong đó có 20 triệu USD vốn hạt giống từ Tập đoàn, với mục đích đầu tư vào những cổ phiếu có thể hưởng lợi từ nền kinh tế tuần hoàn.

Một vấn đề là trong khi việc áp dụng các giải pháp ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để sàng lọc các quyết định đầu tư đang trở thành xu hướng chủ đạo thì nhiều nhà đầu tư vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn về nền kinh tế tuần hoàn. “Có nhiều mối quan tâm, nhưng rất nhiều nhà đầu tư không biết bắt đầu từ đâu vì kinh tế tuần hoàn không phải là một ngành, hay một sản phẩm”, Hans Stegeman, đứng đầu bộ phận phân tích đầu tư và kinh tế học tại Triodos Investment Management, cho biết. Hơn nữa, không phải ai cũng thống nhất về định nghĩa cái gọi là mô hình kinh doanh theo kinh tế tuần hoàn, ông nói thêm.

Dù vậy, Stegeman cho rằng khi càng nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các nguồn lợi nhuận tài chính và môi trường từ những hoạt động đầu tư của mình, các công ty trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. Ông tin rằng với lượng vốn khổng lồ trên các thị trường vốn quốc tế, các nhà đầu tư có thể tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc chuyển dịch khu vực doanh nghiệp theo hướng tuần hoàn.

Nguồn FT

Văn Quốc

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/kinh-te-tuan-hoan-can-mot-cuoc-cach-mang-lon-3332063/