Kinh tế Trung Quốc với áp lực tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm là thông tin 'sốc' cho nền kinh tế Trung Quốc trong khi áp lực căng thẳng thương mại với Mỹ không hề giảm. Nhưng Bắc Kinh vẫn tỏ ra cứng rắn với Washington...

Tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6,2% trong quý II/2019, thấp nhất trong 27 năm qua. (Nguồn: Reuters)

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 15/7, tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6,2% trong quý II/2019, thấp hơn con số 6,4% trong quý I, là tốc độ thấp nhất trong 27 năm qua, trong bối cảnh áp lực căng thẳng thương mại với Mỹ chưa có dấu hiện giảm.

Những áp lực mới

Con số khá thất vọng đối với Bắc Kinh, nhưng trùng khớp với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây. Kết quả này được cho là do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong khoảng 1 năm qua.

Bởi trong tháng 6 qua, sản lượng công nghiệp vẫn tăng 6,3%, doanh số bán lẻ tăng 9,8% trong khi đầu tư tăng 5,8%. Cả 3 chỉ số này đều vượt dự báo. Tuy nhiên, tương ứng là 3 lần xuất khẩu tăng trưởng âm, nhập khẩu 5 lần tăng trưởng âm, còn tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải. Như vậy, dù 3 số liệu gồm, đầu tư tài sản cố định, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp khá khả quan, nhưng có vẻ những yếu tố này không đủ để bù đắp sự sụt giảm trong lực cầu từ cả thị trường trong và ngoài, hoạt động sản xuất và tình trạng giảm phát trong chỉ số giá sản xuất.

Phía Trung Quốc cho rằng, số liệu dù không mong muốn, nhưng vẫn nằm trong dự tính của Bắc Kinh, với tăng trưởng cả năm 2019 đạt từ 6 - 6,5%, dù thấp hơn mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2018. Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm của Trung Quốc là một hiệu suất không tệ, trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu và tăng trưởng thế giới chậm lại. Ông Sảng cũng cảnh báo rằng, sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai là tốt cho thế giới và cả Mỹ.

Tuy nhiên, dù dự báo số liệu quý III có khả năng sẽ bớt tệ hơn, nhưng giới phân tích cho rằng, đó không phải là tín hiệu cho thấy kinh tế nước này ổn định trở lại. Trong thời gian gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã tham gia vào việc nới lỏng mục tiêu, nỗ lực chặn đà giảm. Thay vì “phân phát” tín dụng ở khắp mọi nơi, Bắc Kinh đã cố gắng hướng nguồn tín dụng vào khu vực tư nhân và khuyến khích tăng tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên cái giá phải trả lại là tỷ lệ nợ cao hơn.

Theo các nhà phân tích, những biện pháp đó hiện không đủ để làm giảm bớt “căng thẳng” của cuộc chiến thương mại và các vấn đề “nóng” vẫn đang tồn tại, ngăn cản tăng trưởng kinh tế. Và dù có một số điểm sáng trong bộ dữ liệu của tháng 6, nhưng những mối đe dọa không hề giảm bớt.

Vấn đề đáng lo ngại là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được cho là còn giảm tốc trong các năm tiếp theo, bởi nền kinh tế số 2 thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề cố hữu, trong đó có tình trạng những lợi thế sẵn có trước đây như, chi phí nhân công thấp và thị trường lớn... không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng cao. Trong khi, động lực tăng trưởng mới như công nghệ vẫn đang trong vòng phong tỏa của Washington.

Cơ quan thống kê Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo về “những sức ép mới đè nặng” và những bất trắc càng lớn từ bên ngoài, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu dừng lại và một thỏa thuận thương mại giữa hai nước còn khá xa vời. Đối mặt với nhiều áp lực mới, Bắc Kinh vẫn phải cố gắng đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức ổn định để tránh những hệ lụy về xã hội, nhân kỷ niệm 70 năm lập quốc.

Bắc Kinh tính toán gì?

Kế hoạch xa, gần đều khó, giới chuyên gia cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải sớm hành động để giữ cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cùng đón nhận tin “không vui” của kinh tế Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump "khoe" trên Twitter rằng, đó là thành công của việc Mỹ áp thuế và cảnh báo có thể gây áp lực nhiều hơn. Còn Bắc Kinh thẳng thừng bác bỏ bình luận của ông Trump rằng, “vì nền kinh tế giảm tốc mà Trung Quốc buộc phải đạt được thỏa thuận với Mỹ bằng mọi giá” là một sai lầm lớn. Vì cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn có thỏa thuận ấy.

Quay trở lại thỏa thuận đình chiến mới nhất đạt được giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị G20 ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh dường như đang dần chủ động hơn trong việc đặt ra điều kiện về đàm phán thương mại. “Phớt lờ” hai nhượng bộ do Washington đưa ra sau đàm phán, là tạm thời không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại và nới lỏng lệnh hạn chế bán sản phẩm công nghệ Mỹ cho Huawei, Bắc Kinh vẫn khăng khăng điều kiện tiên quyết cho việc đạt thỏa thuận thương mại song phương.

Cuộc đàm phán đầu tiên được nối lại giữa các quan chức hai nước cũng đã kết thúc, nhưng dường như sự hồi đáp của Bắc Kinh không như kỳ vọng của Mỹ. Kể cả khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc, Trung Quốc hiện vẫn đang thể hiện sự cứng rắn khác thường. Thậm chí, trong lúc Washington tiếp tục “đe dọa”, Bắc Kinh bất ngờ bổ sung nhân vật có quan điểm cứng rắn vào nhóm đàm phán - Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn. Ông này từng lên tiếng kêu gọi, “giữ vững tinh thần chiến binh trong công cuộc bảo vệ lợi ích của quốc gia".

Phía Trung Quốc có thể tính toán rằng, Tổng thống Trump sẽ không còn “tự do” đối với mỗi nước cờ chinh phạt, để nhằm phần thắng trong cuộc đua nhiệm kỳ mới. Áp lực buộc phải duy trì tăng trưởng, không thể để kinh tế đi xuống, càng không được suy thoái, là lý do mà Tổng thống Trump sẽ chỉ dọa mà không thể xuống tay ra thêm đòn, vì “sợ” ảnh hưởng tới chính các cử tri của mình.

Tiến triển dường như đang bị đảo ngược, các diễn biến mới nhất như càng dập tắt hy vọng “mong manh” về một giải pháp nào đó. Và đối với Bắc Kinh, đây chính là khoảng thời điểm tốt nhất để "ra giá" trên bàn đàm phán. Bởi nếu không tranh thủ bây giờ, nhiều khả năng Nhà Trắng sẽ còn cứng hơn sau này, nếu ông Trump liên nhiệm thành công.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-voi-ap-luc-tang-truong-97778.html