Kinh tế Trung Quốc vật vã với 'ngoại kích' Trump, 'nội công' bom nợ

Sau khi Bắc Kinh thừa nhận tăng trưởng ở mức thấp kỷ lục trong 27 năm, ông Trump 'vui vẻ' khoe chiến tích. Nhưng kinh tế Trung Quốc còn có những kẻ thù khác ngoài tổng thống Mỹ.

Ngày 15/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng viết trên Twitter: “Tăng trưởng quý II của Trung Quốc là mức thấp nhất trong vòng 27 năm qua. Thuế của Mỹ đang có tác động lớn lên các công ty muốn rời Trung Quốc để đến với các nước không bị đánh thuế. Hàng nghìn công ty đang rời đi. Đó là lý do Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ và ước rằng đã không phá vỡ thỏa thuận ban đầu”.

Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo, GDP quý II/2019 chỉ tăng 6,2%, thấp hơn con số 6,4% của quý I do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đây cũng là mức tăng trưởng quý thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 1992. Theo Financial Times, các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra đánh giá tương tự.

Người phát ngôn NBS mô tả: “Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang ở trong tình trạng rất phức tạp và nghiêm trọng. Tăng trưởng toàn cầu sụt giảm trong khi những bất ổn từ bên ngoài leo thang. Nền kinh tế đứng trước sức ép giảm tốc mới”. Các nhà kinh tế Ngân hàng Nhật Nomura cảnh báo “điều tồi tệ nhất còn chưa đến” với nền kinh tế Trung Quốc.

Business Insider dẫn lời đại diện trang môi giới ngoại hối Oanda nhận định: “Chắc chắn mọi người đều nghĩ rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là yếu tố lớn dẫn đến tình trạng này, đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại từ trước”. Từ tháng 5, chính quyền Tổng thống Trump đánh thuế 25% lên khối hàng hóa nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc. Đáp trả lại, Bắc Kinh áp thuế trừng phạt lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Căng thẳng với đối tác thương mại lớn nhất khiến xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng vỏn vẹn 0,1% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản cuối tháng 6, hai bên đồng ý “đình chiến” và tiếp tục đàm phán.

Cuối tuần trước, khi trả lời phỏng vấn CNBC, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ đến Bắc Kinh cùng Bộ trưởng Tài Steven Mnuchin “trong tương lai gần” để tiếp tục cuộc đàm phán thương mại với các quan chức cấp cao Trung Quốc.

Tuy nhiên giới phân tích nghi ngờ khả năng Bắc Kinh và Washington đạt được một thỏa thuận thương mại để xóa bỏ các loại thuế trừng phạt đánh lên hàng hóa hai bên trong vòng 12 tháng qua. “Sự bất ổn do chiến tranh thương mại gây ra sẽ tiếp diễn. Doanh nghiệp quốc tế nghi ngờ khả năng hai nước đạt được một thỏa thuận và căng thẳng có thể sẽ lại bùng lên”, nhà kinh tế Tom Rafferty của The Economist Intelligence Unit cho biết.

Nhà phân tích Neil Wilson của Markets.com cho biết trên thực tế, giới doanh nghiệp và chuyên gia hai nước đã chấp nhận một sự thật rằng căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài và trở thành “thực tại mới”. “Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến và điều đó có nghĩa là ông Trump không có lý do gì để đạt thỏa thuận cho đến hết năm 2020”, ông Wilson dự báo.

Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế Wang Tao của Ngân hàng UBS AG tại Hong Kong dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại ở nửa cuối năm 2019 do nhu cầu hàng xuất khẩu nước này tiếp tục suy yếu. “Tăng trưởng của cả năm 2019 có thể vẫn sẽ ở trên mức 6%”, ông Wang Tao dự báo.

Các nhà phân tích Nomura cho rằng nếu Mỹ và Trung Quốc được thỏa thuận, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ổn định trở lại, nhưng chỉ đạt 6,3% trong năm 2019.

Nếu đàm phán thất bại và căng thẳng leo thang, xuất khẩu Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm và đầu tư vào sản xuất cũng yếu ớt. Khi đó, GDP Trung Quốc sẽ chỉ chạm mức 6,1%, thấp hơn nhiều so với con số 6,6% của năm 2018, và sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ còn 5,8% vào năm 2020.

Tất nhiên đây vẫn là những con số tăng trưởng rất cao so với các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Để so sánh, GDP Mỹ dự báo đạt 2,1% trong năm 2019, giảm so với mức 3% của năm 2018 và sẽ tiếp tục sụt xuống 2% vào năm 2020 và 1,9% năm 2021.

Tuy nhiên, với một quốc gia 1,42 tỷ dân và dựa nhiều vào các ngành công nghiệp sử dụng lao động lớn như Trung Quốc, việc GDP sụt giảm 0,1% cũng đồng nghĩa với việc hàng triệu người lao động mất việc làm, dẫn đến biến động xã hội.

Giới quan sát nhận định nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, Bắc Kinh có thể sử dụng các gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế. Một thập kỷ trước đây, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, chính quyền Trung Quốc phản ứng nhanh bằng cách tung ra gói kích thích 586 tỷ USD trong vòng hai năm.

Ngân hàng Thế giới (WB) thống kê khoảng 30% số tiền đó được đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là các dự án siêu lớn như đường sắt và đường cao tốc. Kết quả là GDP Trung Quốc tăng 8,7% vào năm sau đó và Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010.

Các chuyên gia Nomura dự báo nếu căng thẳng với Mỹ tiếp diễn, Trung Quốc sẽ đưa ra một số gói hỗ trợ tài khóa để tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng.

“Nếu chiến tranh thương mại leo thang, Bắc Kinh sẽ phải kích thích kinh tế”, nhà kinh tế Lu Ting của Nomura khẳng định. Mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc trong tháng 7 này.

Nhà phân tích Larry Hu của Macquarie Group nhận định có thể Bắc Kinh sẽ không công bố một chương trình kích thích quy mô lớn bởi trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc chưa chuyển biến đến mức quá xấu.

“Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại, các số liệu đã tệ hại sẽ còn tệ hại hơn, nhưng không đủ tệ đến mức Bắc Kinh phải đổ tiền kích thích”, ông Hu nói.

Nhưng cũng còn một lý do khác, quan trọng hơn, khiến Trung Quốc khó có thể chi hàng trăm tỷ USD kích thích nền kinh tế như 10 năm về trước. Đó là quả núi nợ công và tư khổng lồ đang đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nợ chính phủ, hộ gia đình và các công ty không thuộc ngành tài chính Trung Quốc đã tăng lên tới 254% GDP tính đến quý IV/2018, cao gấp đôi 10 năm trước.

Thống kê của Bloomberg cho thấy nợ chính phủ và tư nhân của Trung Quốc hiện lên đến 34.000 tỷ USD, một con số khổng lồ.

Bloomberg mô tả đây là “quả bom nợ” có thể đe dọa cả nền kinh tế thế giới. Một phần lớn số tiền này chảy vào các tập đoàn tài chính, đặc biệt là các công ty nhà nước, và hàng loạt chính quyền địa phương đã thúc đẩy tăng trưởng bằng biện pháp liên tục xây dựng hạ tầng trong những năm qua.

Cuộc đua xây dựng hạ tầng dữ dội để thúc đẩy tăng trưởng đã dẫn tới hậu quả là nguồn cung hạ tầng trở nên thừa mứa, vượt xa nhu cầu.

Theo Beijing Morning Post, ở Trung Quốc có tới 64,5 triệu căn hộ trống không có người ở. Khoảng 50 thành phố khắp Trung Quốc xây dựng ồ ạt các khu dân cư để rồi giờ đây chúng vắng người.

Ví dụ, quận Kangbashi ở thành phố Ordos (thuộc khu tự trị Nội Mông) có thể chứa 300.000 dân, nhưng chỉ 10% căn nhà tại đây có người ở. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy ở Trung Quốc có đủ nhà để 3,4 tỷ người ở trong khi dân số nước này hiện là 1,42 tỷ người.

Mới đây, South China Morning Post cũng đăng bài về sân bay thành phố Bao Đầu (khu tự trị Nội Mông) để lý giải hậu quả của quả bom nợ Trung Quốc.

Sân bay này có thể tiếp nhận 4 triệu hành khách mỗi năm nhưng luôn trong tình trạng vắng vẻ. Cảng hàng không Bao Đầu có tới 10 cửa ra máy bay nhưng chỉ một thường xuyên được sử dụng. Nhiều hành khách mô tả đây là sân bay mà không ai phải đứng xếp hàng. Cả năm 2018, sân bay chỉ tiếp nhận 2 triệu hành khách. Năm 2017, dự án xây tàu điện ngầm 43,6 tỷ USD nối trung tâm thành phố với sân bay bị Bắc Kinh hủy bỏ.

ABC News dẫn lời chuyên gia Dinny McMahon - tác giả cuốn China’s Great Wall of Debt - nhận định các “thành phố ma” là triệu chứng cho thấy rõ căn bệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Đó là dùng nợ để thúc đẩy tăng trưởng.

“Nền kinh tế Trung Quốc đang oằn mình trong nợ vì xây dựng một khối lượng hạ tầng lãng phí khổng lồ, từ căn hộ trống đến nhà máy không người. Kiểu tăng trưởng đó không thể tiếp diễn”, ông McMahon nhấn mạnh.

Do đó, sẽ khó có chuyện Trung Quốc áp dụng chiêu thức cũ để giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại. The Economist kết luận: “Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm ư? Hãy làm quen với điều đó đi”.

Hà Bùi - Minh Phụng
Đồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kinh-te-trung-quoc-vat-va-voi-ngoai-kich-trump-noi-cong-bom-no-post966973.html