Kinh tế Trung Quốc: Từ căng thẳng đến 'mất đà'

Khi mà nhiều người còn chưa hết lo ngại trước căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ leo thang thì số liệu vừa được cơ quan chức năng Trung Quốc công bố cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có dấu hiệu mất đà.

Nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc rõ rệt trong tháng 4, tháng cuối cùng trước khi lệnh tăng thuế quan mới lên đến 25% của Mỹ có hiệu lực từ ngày 10/5, khi cả tăng trưởng sản xuất công nghiệp lẫn doanh thu bán lẻ đều bị sụt giảm đáng kể.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), những số liệu ngày 15/5 cho thấy kinh tế của quốc gia châu Á này đang bị mất lực đẩy như nó từng đạt được trong quý 1, tại thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Số liệu công bố ngày 15/5 của Tổng cục Thống kê Trung Quốc chỉ ra, doanh số bán lẻ nước này chỉ tăng 7,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ năm 2003, thấp hơn tháng trước và dự báo của giới phân tích.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp tháng 4 cũng dưới dự báo, với 5,4% so với năm ngoái. Doanh số bán ô tô giảm tháng thứ 10 liên tiếp, với 14,6% trong tháng 4.

Doanh số bán lẻ, biện pháp tính nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc, đạt tăng trưởng 7,2% trong tháng 4 so với năm trước đó. Số liệu này cũng thấp hơn mức dự đoán 8,6% trước đó, đồng thời cho thấy nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở đất nước đông dân nhất thế giới. Đáng chú ý, đây là chỉ số doanh số bán lẻ thấp nhất từ tháng 5/2003 khi đó tăng trưởng chỉ 4,3%. Điều này cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh để kích cầu tiêu dùng đang dần cạn kiệt.

Đầu tư tài sản cố định - phương pháp tính chi tiêu vào các tài sản vật chất như bất động sản, cơ sở hạ tầng và thiết bị - tăng trưởng 6,1%, thấp hơn so với số liệu 6,3% của 3 tháng đầu năm và cũng thấp hơn dự báo của Bloomberg.

Sự sụt giảm tổng thể này - trong khi không được giới chuyên gia dự báo - đã được minh chứng bởi những chỉ số khác. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất, thước đo sự nhanh nhạy của các nhà điều hành sản xuất, đã giảm xuống 50,1 trong tháng 4, dưới mức dự đoán trung bình của Bloomberg.

Sản lượng xuất khẩu giảm 2,7% so với 14,2% của tháng 3 và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 6,4% trong quý đầu năm. Trong khi đó, số liệu ngày 14/5 cho thấy sản lượng và doanh thu bán ô tô tháng 4 cũng giảm còn 14,45%, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Nhìn tổng thể từ số liệu tháng 4, kinh tế Trung Quốc đang mất đà sau tháng 3 lạc quan hơn dự báo. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng đang yếu đi, giới quan sát dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ cần tăng kích thích để bù đắp ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại leo thang.

Cuối tuần trước, Mỹ nâng thuế nhập khẩu với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời đe dọa đánh thuế toàn bộ hàng hóa nước này. "Chúng tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ tăng đáng kể các biện pháp kích thích để bình ổn các thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng, dù họ đang có ít dư địa chính sách hơn những lần trước", Lu Ting - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Nomura Holdings nhận xét.

Dù vậy, trong cuộc họp báo hôm nay, Liu Aihua - người phát ngôn Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết họ còn nhiều dư địa cho các chính sách hỗ trợ. Dù từ năm ngoái, giới chức đã đưa ra nhiều chính sách tiền tệ và tài khóa, họ vẫn có thể giảm thêm thuế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng, cũng như hạ lãi suất tham chiếu và giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc cho các nhà băng khi cần thiết.

Theo khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế, vì đòn thuế của Mỹ, Trung Quốc năm sau khó đạt mục tiêu GDP gấp đôi năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GDP năm nay cũng có thể mất 0,3%.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/kinh-te-trung-quoc-tu-cang-thang-den-mat-da/366023.vgp