Kinh tế Trung Quốc trong 'kỷ nguyên Tập Cận Bình'

Sau khi nắm trong tay cơ chế giữ quyền lực 'vô thời hạn', Chủ tịch Trung Quốc đặt ra tầm nhìn dài hạn cho kinh tế Trung Quốc.

Ngày 11/3/2018, với 2.958 phiếu thuận, chỉ có hai phiếu chống và ba vắng mặt, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc hủy bỏ điều khoản trong Hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch trong hai khóa, mỗi khóa 5 năm. Sửa đổi này cho phép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 64 tuổi, tiếp tục nắm giữ quyền sau năm 2023.

Cùng với việc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch trong Hiến pháp, Quốc hội Trung Quốc cũng đưa “tư tưởng Tập Cận Bình” cùng vai trò "lãnh đạo" của Đảng Cộng sản vào điều một của Hiến pháp.

Ngoài vấn đề nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Quốc hội Trung Quốc sắp họp cũng chuẩn bị sửa đổi vài chục điều khoản trong Hiến Pháp, cho phù hợp với mục tiêu đầy tham vọng của ông Tập “kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa”. Bên cạnh đó là việc thành lập Ủy ban giám sát trở thành siêu bộ chống tham nhũng, mở rộng ở tầm quốc gia các đặc quyền của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng. Ủy ban không chỉ có quyền đối với các đảng viên mà tất cả cán bộ nhà nước.

Cùng với việc củng cố quyền lực, ông Tập Cận Bình cũng phải chuẩn bị cho việc thành lập bộ máy mới cho các mục tiêu kinh tế. Về chủ trương thâu tóm toàn bộ quyền lực của lãnh đạo Trung Quốc, nhà chính trị học Jean Luc Domenach, giáo sư Học viện Chính trị Paris (Sciences Po), lưu ý là trong những năm tới chính quyền Bắc Kinh sẽ phải chuẩn bị để đối mặt với nhiều thách thức hơn trước về mặt đối nội.

Vấn đề được đặt ra bây giờ là cả về hai phương diện, chính trị và kinh tế. Về mặt kinh tế, ông Tập Cận Bình không thể bảo đảm được là tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ mãi mãi ở mức 6 đến 7%/năm như điều vẫn diễn ra cho đến nay.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt khoảng 13,2 nghìn tỷ USD trong năm 2018, vượt tổng GDP được dự báo đạt 12,8 nghìn tỷ USD của 19 nước trong khối Eurozone - theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg. Trong năm 2017, GDP của Eurozone chỉ nhỉnh hơn GDP của Trung Quốc chưa đầy 200 triệu USD.

Tuy nhiên, Aidan Yao, nhà kinh tế tại Axa Investment Managers, nhận định: “Tôi nghĩ rằng việc ông Tập có nhiều thời gian lãnh đạo hơn là tin tốt với các cải cách”. “Quyền lực của ông Tập sẽ giúp Trung Quốc có khả năng hoàn thành nhiệm vụ”, nhà kinh tế Rob Carnell tại ngân hàng đầu tư ING nói. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận tốt hơn thị trường tài chính Trung Quốc, tiền tệ Đại lục được giao dịch dễ dàng hơn và kinh tế Trung Quốc bớt phụ thuộc vào xuất khẩu.

Quy mô GDP của Eurozone và Trung Quốc qua các năm (đơn vị: ngàn tỷ USD)

“Nhìn từ quan điểm đầu tư, đây là chuyện có vài ưu điểm”, ông Carnell nói, so sánh vị thế của ông Tập và các lãnh đạo châu Âu, những người có “liên minh yếu ớt” khiến cải cách khó lòng được thông qua.

Ông Lý Khắc Cường có thể tiếp tục được giữ chiếc ghế Thủ tướng. Trong 5 năm qua, ông chỉ là cái bóng bên cạnh ông Tập, và không có ảnh hưởng gì trên các hồ sơ kinh tế, mà theo truyền thống vốn là lãnh vực dành riêng cho thủ tướng. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, Lưu Hạc có thể trở thành phó thủ tướng phụ trách kinh tế, và theo Reuters, còn có khả năng thay Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương.

Ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế cấp cao của ông Tập, có thể sẽ được bổ nhiệm vào cương vị Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế quan trọng, bao gồm hệ thống tài chính và mảng công nghiệp. Ở cương vị như vậy, nhiệm vụ của ông Lưu sẽ bao gồm giám sát các cơ quan điều tiết, bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). "Ông ấy sẽ là người siêu giám sát", một quan chức cấp cao Trung Quốc nói.

Chính nhóm của ông Lưu đã đứng ra soạn thảo phần lớn kế hoạch kinh tế 2018 - kế hoạch đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" trở thành kim chỉ nam cho việc vận hành nền kinh tế Trung Quốc. Khi ông Tập Cận Bình tập trung vào tăng cường sức mạnh của đảng, thì ông Lưu càng giữ vai trò lớn trong việc tạo cho nền kinh tế một nền móng vững chãi trong dài hạn.

Nhiều khả năng, ông Lưu sẽ triển khai những cải cách từ tốn theo hướng thị trường bên trong mô hình kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thay vì có những thay đổi chóng vánh có thể dẫn tới sự bất ổn và ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của đảng.

Ông Lưu, 66 tuổi, sẽ đối mặt với thách thức lớn nhất là cải tổ hệ thống tài chính mà vẫn giữ được lời hứa của Trung Quốc về mở cửa rộng hơn cho vốn đầu tư nước ngoài. Việc cải tổ hệ thống tài chính sẽ giữ vai trò quyết định sức khỏe kinh tế Trung Quốc trong dài hạn.

Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay mặt chống tham nhũng của ông Tập, dù đã quá tuổi làm ủy viên thường trực Bộ Chính trị, có thể lại tiếp tục đóng một vai trò quan trọng khác là Phó chủ tịch nước, một chức vụ không bị hạn chế nhiệm kỳ. Một ủy viên thường trực mới lên là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) được cho là sẽ trở thành tân Chủ tịch Quốc hội.

Lam Hồng

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/the-gioi/thi-truong-quoc-te/kinh-te-trung-quoc-trong-ky-nguyen-tap-can-binh-3322979/