Kinh tế Trung Quốc tránh vết xe đổ của Nhật Bản

Kinh tế Nhật Bản rơi vào đình trệ sau khi bị vỡ bong bóng địa ốc và thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào tiêu dùng. Đây cũng là bài toán lớn với Trung Quốc hiện nay.

Theo CNBC, GDP của Trung Quốc hầu như không tăng trong quý II khi các biện pháp chống dịch kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đến nay, những hạn chế đã được nới lỏng phần nào. Nhưng việc Bắc Kinh kiên quyết theo đuổi chiến lược Zero-Covid vẫn khiến nhiều người bất an.

Theo giới quan sát, ngay cả khi những quy định khắt khe trong phòng chống dịch được giảm bớt, Trung Quốc vẫn còn dư địa tăng trưởng trong vài năm tới.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2021 chưa bằng 1/5 Mỹ. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) đã điều chỉnh chỉ bằng khoảng 1/7 so với Mỹ.

 Chính sách Zero-Covid đang có tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chính sách Zero-Covid đang có tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Dư địa tăng trưởng

"Do vẫn còn dư địa để bắt kịp, Trung Quốc sẽ duy trì mức tăng trưởng 4-5% trong vòng 5 đến 10 năm tới”, ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital - bình luận.

Tuy nhiên, ông Hu cho biết những bất ổn trong tương lai có thể ảnh hưởng tới ước tính của ông. Tốc độ tăng trưởng cũng phụ thuộc vào việc Trung Quốc lựa chọn tăng trưởng dựa vào đầu tư hay tiêu dùng.

Khi được hỏi liệu nền kinh tế Trung Quốc có phải đối mặt với tình trạng trì trệ như Nhật Bản hay không, ông Zong Liang - Trưởng nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Trung Quốc - đã bác bỏ khả năng này.

Do vẫn còn dư địa để bắt kịp, Trung Quốc sẽ duy trì mức tăng trưởng 4-5% trong vòng 5 đến 10 năm tới

Ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital

Ông cho biết Trung Quốc luôn kiểm soát đồng nhân dân tệ, trong khi đồng yen của Nhật Bản biến động quá nhanh.

Ông Zong cũng chỉ ra sự đầu tư và khả năng tự lực của Trung Quốc trong đổi mới công nghệ.

Theo ông, các biện pháp kích thích kinh tế được đưa ra hồi tháng 5 sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng trong quý III hoặc quý IV. Trung Quốc cũng có thể hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do khu vực mới.

Tuy nhiên, ông Zong cho biết Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản. Nguyên nhân là dân số già khiến doanh thu bất động sản suy yếu.

Nhiều người tỏ ra kém lạc quan hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

"Tình trạng mất cân bằng tại Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn Nhật Bản", ông Michael Pettis - giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh - bình luận. Theo ông, điều này khiến Trung Quốc khó dựa vào tiêu dùng để tăng trưởng hơn.

Bài học từ Nhật Bản

Nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc kể từ những năm 1990, sau khi nước này bị vỡ bong bóng chứng khoán và bất động sản.

Ông Pettis cho biết Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng trong những năm 1970 và 1980 nhờ xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 90, Nhật Bản bắt đầu vung tiền đầu tư một cách lãng phí.

Theo vị giáo sư, Nhật Bản đã không thể chuyển động lực tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là ngành sản xuất không có khả năng thay đổi để thích nghi với chi phí lao động tăng cao.

Nhật Bản đã không thể chuyển động lực tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu dùng. Nguyên nhân chủ yếu là ngành sản xuất không có khả năng thay đổi để thích nghi với chi phí lao động tăng cao

Ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh

Ông cho rằng để tránh lặp lại sai lầm của Nhật Bản, Trung Quốc cần đưa ra những thay đổi lớn về chính sách.

Nhưng theo ông Pettis, Trung Quốc sẽ không bước vào một cuộc khủng hoảng tài chính hay kinh tế nghiêm trọng. Thay vào đó, ông cho rằng Trung Quốc có thể phải “đối mặt với một thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài theo kiểu Nhật Bản".

Nếu những khoản đầu tư không hiệu quả - chủ yếu vào cơ sở hạ tầng và bất động sản - bị giảm bớt và không được bù đắp bằng nguồn tăng trưởng tương đương, ông Pettis ước tính GDP của Trung Quốc sẽ tăng không quá 2-3% mỗi năm trong những năm tới.

Năm nay, nhiều ngân hàng đầu tư đã hạ dự báo GDP Trung Quốc xuống dưới 4% do chính sách Zero-Covid làm cản trở các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, các chính sách tiền tệ và tài khóa được Bắc Kinh đưa ra vẫn chưa phát huy nhiều tác dụng.

Sở giao dịch chứng khoán Tokyo trong thời kỳ bong bóng vào tháng 12 năm 1989. Ảnh: financial.jiji.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng đối mặt thêm nhiều rắc rối. Người mua nhà từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp vì các chủ đầu tư không giao nhà đúng tiến độ.

Sau tất cả, nền kinh tế Trung Quốc có thể phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính phủ. Ông Zhu Ning - giáo sư tài chính tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải - khẳng định giải pháp tốt nhất cho vấn đề thất nghiệp và bong bóng nhà ở là sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Theo ông, tương tự như cách Nhật Bản đã xây dựng mạng lưới an ninh xã hội của mình trong thời kỳ bong bóng tài chính, Trung Quốc nên dành nhiều nguồn lực hơn để đảm bảo 3 nhu cầu cơ bản. Đó là nhà ở, y tế và giáo dục.

Ông Zhu cho rằng việc giảm bớt những chi phí trên có thể khuyến khích người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-trung-quoc-tranh-vet-xe-do-cua-nhat-ban-post1339644.html