Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990

Sau nhiều năm bành trướng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bước vào giai đoạn đầy thách thức. Theo dữ liệu được công bố chính thức hôm thứ Hai (ngày 21/1), năm 2018, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong vòng 28 năm qua.

Trong quý IV/2018, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 6,4%, giảm so với mức 6,5% quý trước và tương đương với mức đầu năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Điều này đã kéo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 của Trung Quốc xuống 6,6%. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1990 và giảm so với mức 6,8% của năm 2017. Hầu hết các nhà kinh tế nghi ngờ con số GDP chính thức mà Trung Quốc đưa ra. Ước tính con số thực tế có thể thấp hơn một nửa so với báo cáo của Chính phủ.

Dấu hiệu suy yếu ngày càng tăng ở Trung Quốc - nơi đã tạo ra gần 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua đang đặt ra mối lo ngại về rủi ro cho nền kinh tế thế giới cũng như ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty từ Apple đến các hãng chế tạo ô tô lớn.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế trong năm nay để giảm nguy cơ mất nhiều việc làm. Tuy biện pháp này có thể giúp nền kinh tế tăng tốc nhanh chóng nhưng cũng có thể để lại “núi” nợ như các gói kích thích mà Bắc Kinh đã từng áp dụng trong quá khứ.

Việc khởi động các biện pháp kích thích kinh tế không thể diễn ra một sớm, một chiều. Hơn nữa, niềm tin của nhà đầu tư rất mong manh khi cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa đi đến hồi kết. Do vậy, các nhà phân tích tin rằng tình hình Trung Quốc có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn với mức tăng trưởng xuống còn 6,3% trong năm 2019 và suy yếu hơn nữa vào năm 2020.

Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ nhất trí về một thỏa thuận thương mại trong các cuộc đàm phán hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc cũng khó phục hồi, trừ khi Bắc Kinh có thể thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng đang ở mức thấp.

Cuộc chiến thuế quan với Mỹ đang khiến các công ty Trung Quốc phải giảm các đơn đặt hàng. Một số nhà máy tại tỉnh Quảng Đông - trung tâm xuất khẩu của Trung Quốc, đã đóng cửa sớm hơn thường lệ trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Các công ty khác đang ngừng các dây chuyền sản xuất và cắt giảm giờ làm của lao động. Nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn, một số lao động di cư có thể sẽ không có việc làm.

Khi còn tranh cử, ông Trump cam kết sẽ tìm kiếm các thỏa thuận thương mại công bằng hơn cho Mỹ. Ông đổ lỗi cho hoạt động thương mại của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Hoa Kỳ trở nên kém cạnh tranh hơn.

Ông Trump sau đó áp đặt thuế quan đối với một số sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp như túi xách và gạo.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động lớn lên cuộc sống của người dân. Ảnh: Getty Imgaes

Trung Quốc đã phản ứng bằng hiện vật và hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cuối cùng đã áp mức thuế hàng trăm tỷ đô la lên hàng hóa của nhau.

Mỹ đã đánh thuế số hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 250 tỷ USD với mức thuế mới từ tháng 7/2018 và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế đối với số hàng hóa trị giá 110 tỷ USD của Mỹ.

Đến đầu tháng 12, sau khi quan chức hai nước gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bueno Aires - cuộc gặp song phương lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/1 nói rằng, đã có tiến triển hướng tới một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận nguồn tin cho rằng chính phủ Mỹ đang cân nhắc dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngày 30 - 31/1 tới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc sẽ đến Mỹ để tiến hành vòng đàm phán thương mại song phương tiếp theo giữa hai nước.

Hạn chót cho các cuộc đàm phán này là đầu tháng 3. Washington đã cảnh báo sẽ tăng mạnh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nếu các cuộc đàm phán không có dấu hiệu tiến triển đáng kể.

Ngọc Ly

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/kinh-te-trung-quoc-tang-truong-cham-nhat-ke-tu-nam-1990-d2061887.html