Kinh tế Trung Quốc khó khăn chưa từng có, hy vọng giải cứu thế giới vụt tắt?

Khi tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn trên toàn cầu chậm lại do lạm phát cao, trầm trọng hơn bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhiều nhà kinh tế đã hy vọng, Trung Quốc sẽ lại ra tay giải cứu thế giới.

Kinh tế Trung Quốc khó khăn chưa từng có, hy vọng giải cứu thế giới vụt tắt? Trong ảnh: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế Trung Quốc khó khăn chưa từng có, hy vọng giải cứu thế giới vụt tắt? Trong ảnh: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Nguồn: Reuters)

Nhưng đây không phải là năm 2008, khi nền kinh tế Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng và một đợt kích thích kinh tế thích khổng lồ do Bắc Kinh tung ra, đã giúp các nước phương Tây phục hồi nhanh hơn nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Lần này, khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn. Chính phủ nước này đã phải từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay và Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng trước cảnh báo rằng, kinh tế Trung Quốc đang ở thời điểm khó khăn nhất, hiện tại rất ít khả năng nới lỏng các chính sách.

Hoạt động kinh doanh và tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị cản trở bởi chính sách "hà khắc", khiến hàng tháng trời công nhân ở hàng chục thành phố phải đóng cửa ở nhà, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó xoay sở với việc đảo ngược chính sách hà khắc, vì rất có thể nó lại mở ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Mới đây Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bất ngờ xuất hiện tại Thâm Quyến, gặp các quan chức hàng đầu của 6 tỉnh, gồm Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang, Hà Nam và Tứ Xuyên, thúc giục các tỉnh tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương và mở cửa hơn nữa với thương mại và đầu tư nước ngoài. Đây chỉ là một trong nhiều lần trong năm, ông Lý lên tiếng về kinh tế Trung Quốc và liên tục nhấn mạnh nhu cầu bình ổn thị trường việc làm "phức tạp". Ông cảnh báo, Trung Quốc hiện còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác, trong đó có các đợt phong tỏa do Covid-19, khủng hoảng bất động sản và thời tiết khắc nghiệt...

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan”

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dự kiến sẽ thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ lớn hơn trước áp lực của số liệu kinh tế “ảm đạm”, nhưng dư địa của PBoC khá hạn chế do lo ngại lạm phát gia tăng và rủi ro dòng vốn tháo chạy khỏi nước này.

Ngày 15/8, PBoC bất ngờ hạ hai loại lãi suất chủ chốt sau khi các số liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại trong tháng Bảy.

Cụ thể, PBoC giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trong khuôn khổ cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm áp dụng với các tổ chức tài chính, qua đó "bơm" thêm 400 tỷ NDT (59,33 tỷ USD) vào thị trường.

Cơ chế MLF được Trung Quốc áp dụng từ năm 2014 để giúp các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách duy trì thanh khoản bằng cách vay tiền từ ngân hàng trung ương thế chấp bằng cổ phần.

Cũng trong ngày 15/8, PBoC cũng bổ sung 2 tỷ NDT vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại (repo) kỳ hạn 7 ngày, với việc giảm chi phí vay với biên độ tương tự, từ 2,1% xuống còn 2%.

Các quan chức phụ trách chính sách tiền tệ của Trung Quốc đang ở trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi vừa phải tìm cách hỗ trợ nền kinh tế bị tàn phá bởi Covid-19, đồng thời vừa phải tránh các biện pháp kích thích lớn có thể gây thêm áp lực lạm phát.

Ngoài ra, một nguy cơ luôn thường trực là dòng vốn có thể chảy ra khỏi thị trường trái phiếu và cổ phiếu nước này trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nền kinh tế khác đang tích cực tăng lãi suất.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tránh được nguy cơ suy giảm trong quý II/2022 bất chấp tình trạng phong tỏa trên diện rộng và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc đã gây ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại trong những tuần gần đây. Ngân hàng Nomura ước tính, 22 thành phố hiện đang trong tình trạng “đóng cửa” toàn bộ hoặc một phần, chiếm 8,8% GDP.

Nhà kinh tế Yu Yongding, người từng cố vấn cho PBoC, nhận xét: "Hiện tại, vấn đề chính mà Trung Quốc phải đối mặt là tăng trưởng kinh tế chậm lại, bảo vệ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu". Ông cho rằng, những gì Trung Quốc nên làm là tiếp tục áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất.

Giới quan sát dự báo, Trung Quốc có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR), mà các ngân hàng thường tính cho doanh nghiệp và người mua nhà, vào ngày 22/8.

Một cố vấn chính phủ giấu tên chia sẻ quan điểm rằng, việc cắt giảm lãi suất là không đủ, Trung Quốc nên đẩy mạnh việc nới lỏng tài khóa.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, PBoC sẽ không thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng - một công cụ truyền thống để thúc đẩy thanh khoản - trong ngắn hạn do hệ thống tài chính đang rất dôi dư thanh khoản. Ngân hàng trung ương đã giảm RRR trung bình xuống 8,1% từ mức 14,9% vào đầu năm 2018, tương đương với việc “bơm” 9.000 tỷ NDT (1.330 tỷ USD) vào nền kinh tế. Thay vào đó, PBoC có thể sử dụng các công cụ chính sách cơ cấu, chẳng hạn như các khoản vay lãi suất thấp, để hỗ trợ có mục tiêu cho doanh nghiệp nhỏ đang “ốm yếu” và các lĩnh vực được các chính sách của nhà nước ủng hộ.

Đáng lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn ở mức cao, đạt mức kỷ lục 19,9% vào tháng 7/2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp dựa vào khảo sát trên toàn quốc tăng nhẹ hơn, nhưng vẫn ở mức 5,4%.

Ngày 16/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo Bắc Kinh sẽ tăng cường các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và thực hiện nhiều biện pháp hơn để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

Yuan Da, người phát ngôn Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, chính phủ nước này sẽ thúc đẩy nhu cầu kinh tế một cách mạnh mẽ, hợp lý và vừa phải, đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong quý III năm nay.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, việc cắt giảm lãi suất “khiêm tốn” không có nhiều hiệu quả nếu các công ty và người tiêu dùng vẫn cảnh giác với việc phải gánh thêm nợ. Các khoản vay ngân hàng mới ở Trung Quốc trong tháng Bảy đã giảm nhiều hơn dự kiến và chưa bằng 1/4 so với con số tháng Sáu.

Chỉ mong đạt được "kết quả tốt nhất có thể"

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã hạ thấp sự cần thiết của việc đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm là "khoảng" 5,5%, vốn được nhiều người coi là ngoài tầm với, đặc biệt là khi không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ đang nới lỏng chính sách "Zero Covid" cứng rắn.

Một số nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay, đánh dấu mức tăng chậm nhất kể từ năm 1976, nếu không tính mức tăng trưởng 2,2% trong năm 2020 khi Covid-19 mới bùng phát.

Nhưng trong khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể lặng lẽ chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn mà không công khai sửa đổi mục tiêu, họ nhấn mạnh rằng, mong muốn đạt được "kết quả tốt nhất có thể", dựa trên các biện pháp chính sách tài khóa - đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng - để vực dậy nền kinh tế trong một năm nhạy cảm về mặt chính trị như năm nay.

Xu Hongcai, Phó Giám đốc Ủy ban Chính sách kinh tế tại Hiệp hội Khoa học chính sách Trung Quốc, nhấn mạnh: "Chính sách tiền tệ sẽ tương đối được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng dư địa sẽ bị hạn chế".

Trong khi đó, áp lực lạm phát đối với người tiêu dùng - vốn khá thấp ở Trung Quốc - đang bắt đầu xuất hiện. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 2,7% so với một năm trước đó, ghi nhận tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2020, ngay cả khi hoạt động kinh tế đang không tăng nóng. Trong khi CPI vẫn nằm trong “vùng an toàn”, ngân hàng trung ương gần đây dự báo lạm phát có thể vượt ngưỡng 3% trong những tháng tới.|

Trong báo cáo triển khai chính sách quý II/2022 được công bố vào tuần trước, PBoC cho biết, Trung Quốc nên rút ra bài học từ những "đánh giá sai lầm" của các ngân hàng trung ương phương Tây về vấn đề lạm phát.

PBoC cảnh báo không nên “xem nhẹ” áp lực lạm phát cơ cấu có thể gia tăng trong ngắn hạn, áp lực lạm phát nhập khẩu vẫn tồn tại và giá cả có thể tăng trở lại theo từng giai đoạn do nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế không nghĩ rằng, lạm phát đang tạo ra một cơn đau đầu lớn cho các nhà hoạch định chính sách hiện nay do nhu cầu đang yếu.

Nhà kinh tế Yu Yongding chỉ ra rằng: "Mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với lạm phát gia tăng do các yếu tố bên trong và bên ngoài, nhưng đây không phải là mối nguy hiểm chính".

(theo Reuters, DW)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-kho-khan-chua-tung-co-hy-vong-giai-cuu-the-gioi-vut-tat-194990.html