Kinh tế Trung Quốc dù tiếp tục tăng nhưng vẫn đối mặt với thách thức

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh bất chấp cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo “sự dễ bị tổn thương” của kinh tế Trung Quốc sau khi xuất hiện những dấu hiệu trái chiều từ Bắc Kinh về những tác động từ tranh chấp thương mại với Washington.

Asia Times và South China Morning Post (SCMP) dẫn báo cáo mới đây của IMF cho biết thể chế tài chính quốc tế này dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, thấp hơn một chút so với mức tăng 6,9% trong năm 2017.

IMF đánh giá triển vọng ngắn hạn của Trung Quốc vẫn "khỏe mạnh" nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa, thương mại toàn cầu hồi phục và những tiến bộ lớn trong công cuộc cải cách.

Báo cáo của IMF cho biết việc Mỹ áp đặt mức thuế quan 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - một biện pháp được Tổng thống Trump loan báo vài tháng trước nhưng hiện chỉ mới áp dụng với 34 tỷ USD hàng hóa - sẽ chỉ chiếm 0,4% GDP của Trung Quốc.

Nếu Tổng thống Trump thực hiện đúng lời đe dọa đã đưa ra hồi đầu tháng Bảy là áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc thì điều này cũng chỉ tương đương với khoảng 1,7% GDP Trung Quốc.

SCMP dẫn lời bà Sonali Jain-Chandra, Phó trưởng nhóm phụ trách về Trung Quốc của IMF, cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nói được chính xác là những biện pháp đánh thuế của Mỹ sẽ gây thiệt hại như thế nào. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng vòng áp thuế thứ hai sẽ khiến “bất ổn gia tăng, chuỗi cung ứng sẽ gián đoạn cũng như lòng tin của người tiêu dùng bị tổn hại”.

Phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Hoàng Lợi Bân lại đánh giá nhẹ hơn tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ vốn đã kéo dài từ đầu năm nay. Ông Hoàng cho rằng “mặc dù một số công ty thông báo khách hàng của họ ở Mỹ đã yêu cầu dừng đơn hàng và dừng gửi hàng, những trường hợp như vậy không phải là thường xuyên. Tranh chấp thương mại chỉ có tác động không đáng kể đối với khu vực công nghiệp trong nửa đầu năm”.

Tuy nhiên, trước mắt, Trung Quốc vẫn còn đối mặt với thách thức lớn khi nước này chuyển từ “tăng trưởng nhanh” sang “tăng trưởng có chất lượng”.

Với việc đà tăng trưởng chậm lại trong hai tháng qua, đã có những lời kêu gọi Chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ (vốn là kết quả cuộc đấu tranh của ông Tập Cận Bình trong ba năm qua với tình trạng nợ gia tăng của khu vực kinh doanh và chính quyền địa phương).

Theo IMF, Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ trong giảm thiểu rủi ro tài chính và mở cửa hơn nữa nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc vẫn cao một cách thiếu bền vững.

Trong hai năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực kiềm chế mức tăng trưởng nhanh của hoạt động tín dụng. Các nhà phân tích nhận định nỗ lực này có thể khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn song là cần thiết.

IMF nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần tiếp tục thực thi chương trình cải cách tài khóa, tài chính ngân hàng và tái cân bằng kinh tế. Báo cáo của IMF cho rằng sau nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ cao, Trung Quốc nên tập trung vào tăng trưởng chất lượng.

Việc chuyển đổi này có được thực hiện hay không và thực hiện bằng cách nào sẽ quyết định con đường phát triển của Trung Quốc trong những thập niên tới./.

TTXVN

==

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kinh-te-trung-quoc-du-tiep-tuc-tang-nhung-van-doi-mat-voi-thach-thuc/92434.html