Kinh tế Trung Quốc đang phát triển rất tốt, tại sao người Trung Quốc vẫn muốn di cư sang phương Tây?

Bất chấp sự phát triển vượt bậc về công nghệ và kinh tế, nhiều người Trung Quốc muốn di cư sang phương Tây để học hành hoặc tìm việc làm.

 Số lượng người Trung Quốc di cư sang phương Tây rất lớn. Ảnh: Quora

Số lượng người Trung Quốc di cư sang phương Tây rất lớn. Ảnh: Quora

Kể từ năm 1978, 1,06 triệu sinh viên Trung Quốc đã đi du học và chỉ có 275.000 người về nước. 785.000 người nhập cư mới ở nước ngoài tương đương với tất cả sinh viên chưa tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Ngày nay, đối với tầng lớp trung lưu ở hầu hết các thành phố hạng nhất của Trung Quốc, mọi người đều có ít nhất một người thân hoặc một người bạn đã hoặc đang nhập cư ở nước ngoài. Các điểm đến phổ biến nhất cho người nhập cư bao gồm châu Âu, Hoa Kỳ và Úc. Theo thống kê năm 2019, có 25.000 người Trung Quốc nhập cư vào Canada và 65.000 người nhập cư vào Hoa Kỳ.

Vậy tại sao với một cường quốc kinh tế mạnh thứ hai thế giới như Trung Quốc, số lượng người dân di cư sang nước ngoài vẫn còn nhiều như vậy.

Với một người đã sống ở Trung Quốc sáu năm, đi du lịch và giảng dạy khắp đất nước như Seth Oteng, ông muốn chia sẻ 2 lý do tại sao cho câu hỏi trên:

Thứ nhất, nhiều triệu phú muốn sang phương Tây để thoát khỏi áp lực chính trị

Người giàu Trung Quốc có xu hướng di cư sang nước ngoài. Ảnh: Quora

Theo Viện nghiên cứu Hurun, họ đã khảo sát 224 người Trung Quốc với tài sản trung bình 4,5 triệu USD; nhiều người trong số họ đang rời bỏ đất nước vì họ không có quyền chính trị.

Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã tạo ra tổng thể của cải lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Số lượng tỷ phú đã tăng từ chỉ 15 lên khoảng 250 chỉ trong sáu năm, nhưng đối với một số người trong số này, quyền lực kinh tế của họ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Theo kết quả của Báo cáo Hurun, một tạp chí nổi tiếng với Bảng xếp hạng những cá nhân giàu có nhất tại Trung Quốc, hơn 17% số tỷ phú giàu nhất tại đại lục hiện tại đang bị vướng vào vòng lao lý.

Bên cạnh đó, nhiều người lại phải đối mặt với một tình huống khó khăn khác: họ ngày càng nghèo hơn. Tài sản của những người giàu có ngày càng giảm sút do chính sách từ chính phủ.

John Bussey của Wall Street Journal từng nhận xét rằng: "Rất nhanh sau khi những người giàu nhất Trung Quốc đưa công ty lên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của họ bắt đầu giảm. Bản thân các công ty phải chịu nhiều rào cản từ chính phủ, và những cá nhân lãnh đạo công ty là đối tượng bị điều tra nhiều hơn.”

Thứ hai, tránh kỳ thi đại học khắc nghiệt bậc nhất thế giới ở Trung Quốc

Kỳ thi Gaokao khắc nghiệt ở Trung Quốc. Ảnh: Quora

Kỳ thi đại học ở Trung Quốc (Gaokao) là một trong những giai đoạn căng thẳng nhất đối với cả học sinh Trung Quốc và phụ huynh của họ. Ở Trung Quốc, đây là kỳ thi quan trọng nhất đối với tất cả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông muốn có được một nền giáo dục đại học. Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ xem di cư ra nước ngoài là cơ hội tốt để con cái họ thoát khỏi sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt này. Khi Oteng dạy tiếng Anh ở Trung Quốc, một số phụ huynh muốn con họ học kiến thức cơ bản về tiếng Anh để có thể giao tiếp khi rời đất nước.

Nhóm những người rời khỏi đất nước này thường quay trở lại để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn nhờ trình độ tiếng Anh của họ. Bên cạnh đó, do số lượng tuyển sinh không cân xứng của các trường đại học hàng đầu và hạn chế nhập hộ khẩu ở các thành phố hạng nhất, nhiều phụ huynh cố gắng đảm bảo việc nhập học của con cái theo những cách khác ngoài Gaokao. Ví dụ: nếu một người đăng ký vào Đại học Thanh Hoa là người Mỹ gốc Hoa, người đó sẽ được miễn kỳ thi đầu vào đại học ở Trung Quốc bằng cách nộp HSK cấp 5, bảng điểm cấp 3 cộng với các chứng chỉ tốt nghiệp khác.

"Cỏ luôn có vẻ xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi". Ảnh: Quora

Còn theo Thomas Pauken II thì đó là bản chất của con người. Mọi người thường có suy nghĩ rằng, "cỏ luôn luôn xanh hơn ở phía bên kia đồi." Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều người thường tự hỏi "Điều gì sẽ xảy ra nếu…?” “Giá như tôi cũng di chuyển đến…”

Đây là những biểu hiện tự nhiên và thường có thể khuyến khích tinh thần dũng cảm của những người di cư đến một quốc gia khác. Những người thích đi du lịch có thể phục hồi năng lượng của họ bằng cách tìm kiếm nhiều điều mới mẻ ở một đất nước khác.

Một cuộc phiêu lưu mới, gặp gỡ những người mới và trải nghiệm những hoạt động mới. Đối với nhiều người Trung Quốc, cũng như người dân từ khắp châu Á, họ coi phương Tây, đặc biệt Hoa Kỳ, là vùng đất của tự do và giàu có. Nhiều người châu Á vẫn giữ một tâm lý “Giấc mơ Mỹ”.

Nếu bạn còn nghi ngờ, bạn có thể đến thăm các đại sứ quán và lãnh sự quán Hoa Kỳ có trụ sở tại các thành phố châu Á vào một ngày làm việc bình thường và bạn sẽ chứng kiến hàng dài người nộp đơn xin thị thực Mỹ.

Tuy nhiên, người châu Á muốn ở lại quê hương làm ăn sinh sống cũng có xu hướng ngày càng tăng, trong khi những người châu Á khác di cư đến phương Tây đang bày tỏ mong muốn trở về nhà. Nền kinh tế châu Á có tiềm năng phát triển cao hơn, trong khi nền kinh tế phương Tây đang đi ngang hoặc chứng kiến mô hình tăng trưởng chậm lại.

Giấc mơ Mỹ của nhiều người dân Trung Quốc. Ảnh: Quora

Dưới đây là quan điểm từ chính những người Trung Quốc:

Xiao Nengshou cho rằng câu trả lời đơn giản nhất là khả năng nhập cư. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ chấp nhận nhập cư dễ dàng hơn các nước Châu Á. Cuộc sống ở phương Tây được tô điểm như một giấc mơ màu hồng mà nhiều người châu Á luôn khao khát. Tài nguyên phong phú, dân số ít hơn, lương cao hơn và hệ thống pháp luật minh bạch hơn, đó là suy nghĩ của rất nhiều người dù chẳng ai bảo đảm chắc chắn như vậy.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận mỗi quốc gia lại có một thế mạnh riêng và công nghệ Mỹ tiên tiến hơn hẳn. Nhiều khi chúng ta không thực sự biết một quốc gia thông qua truyền thông. Nếu Hoa Kỳ không hoan nghênh nhập cư, có thể người Trung Quốc sẽ di cư sang Đan Mạch, Na Uy và Thụy Sĩ. Tuy nhiên, trong 100 năm qua, phương Tây trở nên tiên tiến hơn nhiều dù đó là sự giàu có về công nghệ hay tài nguyên khác. Nhưng mật độ dân số của Trung Quốc ngày càng cao, do đó, họ cũng thích di cư đến những nơi có mật độ dân cư ít hơn.

Có thể lương cao hơn không phải một lợi thế của người phương Tây vì họ phải chi tiêu nhiều hơn, nhưng với người Trung Quốc, họ có thể gửi nhiều tiền hơn về cho người thân của họ ở Trung Quốc. Mọi người thường tìm đến những nơi có nhiều tiền hơn. Nó giống như những người từ thành phố nhỏ di cư đến thành phố lớn.

Cuộc sống nông thôn Trung Quốc. Ảnh: CNN

Jionghao Wu - một du học sinh Trung Quốc tại Úc đưa ra hai lý do. Thứ nhất, sự phát triển không đồng đều. Dù Trung Quốc có nền kinh tế phát triển nhanh chóng, tuy nhiên sự chênh lệnh mức sống giữa các thành phố là rất lớn. Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn Bắc Triều Tiên và nhiều vùng của châu Phi. Ngày nay có 120 triệu người sống ở các khu vực có GDP bình quân đầu người trên 20 nghìn USD (những vùng này được coi là phát triển). Tuy nhiên, dân số Trung Quốc có đến 1,4 tỷ người. Những người sống ở các khu vực giàu có chỉ chiếm một phần mười tổng dân số, phần lớn người dân vẫn đang sống trong điều kiện tương đối nghèo, không khó để tưởng tượng rằng họ muốn đến một nơi nào đó giàu có hơn.

Thứ hai là điều kiện sống và sự cạnh tranh. Ngay cả ở những thành phố giàu có như Thâm Quyến hay Thượng Hải, mức sống vẫn tương đối thấp so với phương Tây. Giá nhà cao, giáo dục khốc liệt và việc làm cực kỳ cạnh tranh, thời gian làm việc dài và thời gian dành cho gia đình cực kỳ ngắn ngủi. Trừ khi bạn tự kinh doanh hoặc điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, thật khó để sống ở những thành phố đó. Đó là lý do tại sao nhiều tầng lớp trung lưu chọn rời khỏi Trung Quốc. Bãi biển đầy nắng và phong cách sống ẩn dật ở các nước như Úc rõ ràng là đáng mơ ước hơn cả.

Thanh Hà

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kinh-te-trung-quoc-dang-phat-trien-rat-tot-tai-sao-nguoi-trung-quoc-van-muon-di-cu-sang-phuong-tay-post142338.html