Kinh tế TP.HCM với những bước đi mạnh mẽ, hợp lý

Kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM đang khởi sắc, hứa hẹn tăng trưởng mạnh, tạo đà tăng trưởng cho năm sau. Nhưng muốn phát huy vai trò đầu tàu, cùng với nỗ lực nội tại, TP.HCM cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện đặc biệt từ Trung ương.

Trong bối cảnh nhiều thách thức đến từ tình hình thế giới, kinh tế Việt Nam (VN) nói chung và TP.HCM đang khởi sắc, hứa hẹn tăng trưởng mạnh, tạo đà tăng trưởng cho năm sau. Nhưng muốn thực hiện được kịch bản đó, cần những giải pháp cấp thời đi cùng chiến lược dài hơi.

Theo dự báo của một số chuyên gia, GDP quý III-2022 của VN có thể tăng khoảng 10%-11%. Đây là tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong nhiều năm nay và càng có ý nghĩa khi nhiều nước lớn đang giảm dần tốc độ tăng trưởng, thậm chí đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trong bức tranh kinh tế của cả nước, kinh tế TP.HCM cũng có những tín hiệu phục hồi tích cực sau đại dịch. Đặc biệt, du lịch đêm và kinh tế đêm đang bật lên mạnh mẽ, du lịch quốc tế dần tăng trở lại. TP đang dịch chuyển đúng định hướng từ đầu tư sản xuất gia công sang cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Lạm phát hiện được kiểm soát tương đối ổn định, không quá quan ngại.

Nhưng để phát huy vai trò đầu tàu và tiếp tục góp phần xứng đáng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, TP cần hóa giải những thách thức chung trên bình diện cả nước đồng thời vượt qua những trở ngại mang tính đặc thù.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong năm nay và nhiều khả năng sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát ở mức cao kỷ lục 40 năm qua đặt ra nhiều bài toán cần lời giải.

Lãi suất tăng có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng từ Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Đây là vấn đề đáng quan tâm vì Mỹ là thị trường xuất khẩu rất lớn của VN, thị trường mà VN có thặng dư thương mại lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm...

Thế nhưng, trong nguy luôn có cơ. Với VND khá ổn định, VN có thể tăng cường huy động vốn nội tệ thông qua thị trường trái phiếu trong nước. Là một nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, VN càng hưởng lợi khi giá thực phẩm tăng ở các quốc gia châu Âu và Mỹ. Việc USD tăng giá cao đang giúp các DN xuất khẩu VN chinh phục được các thị trường khó tính hưởng lợi về giá trị hàng hóa. Nhờ vậy, doanh nghiệp tăng doanh thu, bù lại giá nguyên liệu, chi phí logistics đang nhích lên.

Trong phiên họp Chính phủ ngày 22-9, Thủ tướng đã chỉ đạo để cả nước vượt qua thách thức, cần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chủ động, linh hoạt bằng các công cụ tỉ giá, lãi suất; đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất cho vay 2%, đồng thời cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay.

Sự chủ động, linh hoạt được Thủ tướng nhắc lại nhiều lần và với truyền thống năng động, dám nghĩ, dám làm, yêu cầu đối với TP.HCM - địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghệ cao và chuyển đổi số - càng lớn hơn. Cùng với chiến lược dài hơi, TP cần tranh thủ đà phục hồi, thực hiện những bước đi mạnh mẽ, hợp lý để tận dụng thời cơ một cách tốt nhất.

Cùng với nỗ lực nội tại, TP.HCM vẫn rất cần sự hỗ trợ từ trung ương. Việc nhanh chóng tạo cơ chế thuận lợi cho TP như xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017; tạo cơ chế vận hành để mô hình TP trong TP phát huy hết tiềm năng của TP Thủ Đức… cần được các cơ quan trung ương dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi sức mạnh được tạo ra từ đầu tàu kinh tế TP.HCM có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước.

PHẠM CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te-tphcm-voi-nhung-buoc-di-manh-me-hop-ly-post699838.html