Kinh tế toàn cầu có chiều hướng xấu hơn

Tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới ngày càng rõ nét trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và căng thẳng Nhật Bản-Hàn Quốc chưa giảm nhiệt.

Người dân chờ đợi rút tiền tại một ngân hàng ở Buenos Aires (Argentina)

Người dân chờ đợi rút tiền tại một ngân hàng ở Buenos Aires (Argentina)

Ngày 9-9, Văn phòng nội các Nhật Bản công bố số liệu chính thức, điều chỉnh hạ mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này xuống 1,3% so với mức 1,8% công bố trước đó, do chi tiêu vốn giảm.

Nhiều gam màu xám

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ để giải quyết tình trạng suy thoái. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy hình thức kích thích của riêng nước này. Vào tháng 7, IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới còn mức 3,2%, thay vì 3,3% trong năm 2019 và mức 3,5% thay vì 3,6% vào năm 2020. Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi đã bấp bênh ở các thị trường mới nổi và tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại chậm chạm vẫn đe dọa tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo Financial Times, trong vòng 2 tháng qua, Argentina đã bị vùi dập bởi một cuộc khủng hoảng tiền tệ mới, và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng mạnh với một vòng thuế mới của Washington cùng sự trả đũa đến từ Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ và Trung Quốc tuyên bố sẽ nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp vào đầu tháng 10, mang lại hy vọng có thể tránh được sự leo thang hơn nữa.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế, quan chức và giám đốc điều hành kinh doanh đều cho biết họ không thấy bất ổn thương mại sẽ sớm chấm dứt. Ở Mỹ, tăng trưởng việc làm chậm lại do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đè nặng lên thị trường lao động. Việc làm phi nông nghiệp đã tăng lên 130.000 vào tháng 8 do nông dân chuyển việc làm vì nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh. Dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm đặc biệt chậm lại trong lĩnh vực sản xuất, chỉ có 3.000 việc làm được tạo ra vào tháng 8, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất thấp ở mức 3,7%. Tại Đức, trong tháng 7 năng suất của các nhà máy giảm 0,6% so với tháng 6, lộ rõ tình trạng suy yếu của nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng EUR.

Đầu tư vào vàng?

Jay Powell, Chủ tịch FED, dự kiến hướng đến một cái nhìn mới về sự phối hợp với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, dựa trên những kỳ vọng của thị trường. Nhưng FED đang chống lại chiến dịch nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Dự kiến khi ECB nhóm họp trong tuần này, Mario Draghi, chủ tịch sắp mãn nhiệm, sẽ cân nhắc nhiều hơn về việc cắt giảm thêm lãi suất.

Theo CNBC, tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đang cố gắng giảm lãi suất, bơm tiền vào lưu thông để kích thích tăng trưởng, vì vậy nhu cầu đầu tư vào vàng đang gia tăng, đẩy giá vàng tăng cao.

Ông Mark Mobius, đồng sáng lập cơ quan đánh giá thị trường Mobius Capital Partners, khuyến nghị các nhà đầu tư nên nắm giữ 10% danh mục đầu tư của họ bằng vàng, phần còn lại đầu tư vào cổ phiếu mang lại cổ tức. Điều đó đặc biệt hữu ích nếu đồng USD trở nên yếu hơn. Theo quan điểm của ông, chính phủ của Tổng thống Donald Trump không muốn USD mạnh, “họ chắc chắn sẽ cố gắng làm suy yếu đồng USD so với các loại tiền tệ khác và tất nhiên, đó là một cuộc đua xuống đáy”. Ông Mobius cho rằng vàng có thể giữ giá trị tốt hơn nhiều so với các hình thức tiền tệ khác và theo truyền thống là an toàn trong bối cảnh thị trường biến động.

Dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới năm nay cho thấy do sự không chắc chắn của kinh tế vĩ mô toàn cầu dẫn đến việc các ngân hàng trung ương gia tăng mua vàng. Theo hội đồng này, trong nửa đầu năm 2019, đã có 374 tấn vàng bán ra. Đó là mức tăng lớn nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2000. Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cảnh báo đầu tư vào vàng cũng tồn tại nhiều rủi ro lớn, nhất là khi các tranh chấp thương mại được giải quyết, chứng khoán tăng sẽ kéo giá vàng giảm mạnh.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinh-te-toan-cau-co-chieu-huong-xau-hon-615735.html