Kinh tế thực và hành trình xuyên Tết

Mùng 3 Tết Nguyên đán (ngày 3-2), sân bay Tân Sơn Nhất khai thác 528 chuyến bay với 83,6 ngàn hành khách. Trong đó, hơn một nửa số chuyến bay cất cánh từ TPHCM tỏa đi khắp mọi miền. Tại Hà Nội, không cần đợi hết 3 ngày Tết, bất cứ lúc nào, bạn đều có thể đặt được món ăn ưa thích là lẩu riêu cua, thứ mà mọi người thường phải đợi đến hết 'mùng' trong những Tết trước. Nền kinh tế thực đã vận hành khác hẳn trạng thái nghỉ ngơi dịp Tết mọi năm.

Chiều 30 Tết, trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ về Hà Nội, tôi không còn cảm giác “một mình một đường” như những năm trước. Nhiều chiếc xe đồng hành cùng quay lại Hà Nội như tôi, sau khi ăn Tết thật sớm với gia đình ở quê nhà. Không phải đường cao tốc khiến cho việc đi lại dễ dàng hơn vì mọi năm, đoạn đường vốn người xe đông đúc, sẽ “ngưng đọng” đến chiều Mùng 1 của năm mới. Cảm giác khác là lạ này cho thấy, ngày thường và ngày Tết năm nay không có “điểm giao thoa”.

Trong bản tin phát đi hôm 2-2, Bộ Công Thương nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế hoạt động đi lại. Nhưng thực tế diễn ra lại rất khác. Dịch bệnh đã làm người dân năm qua gần như tê liệt ở các mức độ khác nhau trong suốt thời gian dài. Do vậy, để tận dụng thời gian hiếm hoi của những ngày Tết, doanh nghiệp, tiểu thương và người dân đều muốn kết nối cung- cầu đều đặn hơn, muốn bù lại thời gian ngưng trệ vì dịch bệnh.

Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc mở cửa xuyên Tết như Aeon Mall, Circle K, 24h Cheers… và một số siêu thị đã khai trương sáng ngày Mùng 2 như Big C, Saigon Co.op… đã phục vụ kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả các mặt hàng tại các siêu thị nhìn chung ổn định so với thời điểm trước Tết. Tại Hà Nội, hầu hết hệ thống các tiệm cà phê lớn như AHA, Highlands, KAFA, The Coffe House, Cộng, Starbucks và hàng ngàn các quán cà phê lớn nhỏ, quán cóc vỉa hè… đều sáng đèn. Chủ một tiệm cà phê cho biết: “Nhờ mở cửa đủ ba ngày đầu năm mới, doanh số cửa hàng mỗi ngày đều gấp ba lần ngày thường”. Theo anh, doanh số không phải là mục tiêu lớn nhất của tiệm trong những ngày này, mà người kinh doanh thèm cảm giác được vận hành hết, thậm chí quá công suất để chạy đà phục hồi. “Covid đã lấy đi của tôi tất cả số tiền dành dụm trong nhiều năm kinh doanh để duy trì sự tồn tại của hệ thống quán cà phê. Nhiều lúc tôi tưởng không thể gượng lại nổi nên tôi cần vận hành hết sức để sốc lại tinh thần, làm lại tất cả”. Và Tết Nguyên đán là một dịp để “xốc lại” tinh thần cho những nhà kinh doanh như chủ tiệm cà phê nêu trên.

Ngay từ những ngày đầu năm mới, bạn tôi là chủ một doanh nghiệp hậu cần (logistics) đã bắt đầu xuôi ngược lên vùng giáp biên để tính toán cho những chuyến hàng nông sản đầu năm. Ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, tức ngày 29 âm lịch, mới giải phóng xong được vài chục container trái cây qua Trung Quốc, năm nay vị doanh nhân này đưa gạo xuống tàu từ Cần Thơ rồi chuyển lên đường bộ, sau đó chuyển qua đường sắt. “Tôi không muốn phụ thuộc vào một loại hình vận tải nào nữa. Đường bộ luôn rủi ro nhưng không bỏ được. Đường thủy thì đi chậm nhưng cước khá rẻ. Đường sắt liên vận sang Trung Quốc cước vận tải cao hơn nhưng có tính an toàn và sắp tới, tôi còn có thể vận chuyển chè (trà), cà phê đi các nước Á-Âu khác”, vị nữ giám đốc này chia sẻ.

Trước đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có kể lại câu chuyện về những doanh nghiệp làm logistics trong nước. Theo ông, doanh nghiệp nung nấu quyết tâm, nông sản là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, Trung Quốc là thị trường 1,4 tỉ dân, là niềm mơ ước của rất nhiều nền kinh tế xuất khẩu nông sản. Việt Nam được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại nông sản, vừa phong phú về chủng loại, vừa dồi dào về số lượng, lại có lợi thế ở ngay gần Trung Quốc. Do đó, không thể chối bỏ thị trường này. Xuất khẩu tiểu ngạch “quá nhiều nước mắt”, giờ là lúc phải từ từ chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, mà chuyển đổi được càng nhanh càng tốt. Nếu không, hết năm nọ đến năm kia, vẫn luôn tính được sự thất bại ngay từ sân nhà.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2021 vẫn âm (-) 0,18% và CPI bình quân cả năm qua chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Dự báo năm 2022 sẽ tăng từ 2% đến 3,8%. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở những con số. Theo ghi nhận của người viết, tinh thần kinh doanh, tinh thần “không để dịch bệnh lấy đi tất cả” đã khởi nguồn một cách mạnh mẽ ngay trong dịp Tết này. Và đó mới là “chỉ số” hứng khởi quan trọng nhất để khởi đầu một năm phục hồi cho kinh tế Việt Nam.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-thuc-va-hanh-trinh-xuyen-tet/