Kinh tế thế giới nổi bật (9-15/12): Thặng dư tài khoản vãng lai Nga cao kỷ lục, châu Âu mua mạnh khí đốt Moscow, Nhật-Hàn tăng viện trợ cho Ukraine

Thương mại toàn cầu 2023 sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, châu Âu vẫn tích cực mua khí đốt Nga, Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO, Nhật Bản-Hàn Quốc tuyên bố viện trợ không hoàn lại cho Ukraine… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Các yếu tố căng thẳng địa chính trị, lạm phát kéo dài và nhu cầu tiêu thụ giảm trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới trong năm 2023. Trong ảnh, các tàu chở dầu Nga mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/12 do lệnh áp giá trần từ EU và G7. (Nguồn: Reuters)

Các yếu tố căng thẳng địa chính trị, lạm phát kéo dài và nhu cầu tiêu thụ giảm trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới trong năm 2023. Trong ảnh, các tàu chở dầu Nga mắc kẹt ngoài khơi bờ biển Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/12 do lệnh áp giá trần từ EU và G7. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới Nhận định các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại toàn cầu 2023

Mới đây, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa ra nhận định: Tổng giá trị thương mại toàn cầu năm 2022 ước đạt 32.000 tỷ USD, nhưng lạm phát đã xóa đi những thành tựu đạt được trong vài tháng gần đây.

Theo UNCTAD, thương mại hàng hóa và dịch vụ trong năm nay dự kiến lần lượt ước đạt 25.000 tỷ USD và 7.000 tỷ USD. Đà suy giảm bắt đầu từ giai đoạn tháng Bảy đến tháng Chín, với giá trị hàng hóa trao đổi giảm 1% so với giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Năm.

Trong bản cập nhật thương mại toàn cầu, UNCTAD nhận định, dù dịch vụ tăng 1,3% trong quý III, tổng giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm trong giai đoạn về cuối năm.

Dù vậy, nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn khá vững trong năm 2022, với giá trị trao đổi tăng khoảng 3%. Giao dịch thương mại tại các nền kinh tế châu Á tăng trưởng tốt, nhưng đà suy yếu cũng xuất hiện trong quý III tại khu vực Nam bán cầu.

Về tổng thể, UNCTAD cho rằng, các yếu tố căng thẳng địa chính trị, lạm phát kéo dài và nhu cầu tiêu thụ giảm trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại thế giới trong năm 2023. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách cuối cùng từ ngày 13-14/12 với số liệu cho thấy lạm phát cũng hạ nhiệt.

Theo các nhà giao dịch, tại cuộc hop này, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ tăng lãi suất chính sách thêm nửa điểm phần trăm lên 4,25%-4,5%, mức tăng thấp hơn so với mức tăng 75 điểm cơ bản mà cơ quan đã tiến hành kể từ tháng Sáu.

Tỷ lệ lạm phát trong tháng 11/2022 tại Mỹ chỉ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 7,7% trong tháng 10/2022 và phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế về tỷ lệ lạm phát hằng năm là 7,3%. (Reuters)

* Ngày 12/12, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức Đối thoại kinh tế cấp cao Hàn - Mỹ (SED) lần thứ 7 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, Mỹ công nhận việc Hàn Quốc tăng đầu tư xe điện và pin điện vào Mỹ đã đóng góp vào mục tiêu chung của hai nước về an ninh, kinh tế quốc gia và năng lượng sạch.

Về phần mình, Seoul đề nghị Washington hợp tác để có thể điều chỉnh tối đa quan điểm của quốc gia Đông Bắc Á đối với Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ trong các quy định cụ thể và các thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính Mỹ.

Đáp lại, Mỹ khẳng định, ngay từ giai đoạn đầu đã nhận thức một cách nghiêm túc các lo ngại của Hàn Quốc và đang xem xét trong mọi khía cạnh về vấn đề trên. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13/12 cho biết, nước này đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip theo Đạo luật Khoa học và Chip.

Trong tuyên bố, bộ trên nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi hành động pháp lý trong khuôn khổ WTO nhằm giải quyết các mối quan ngại, cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Tuyên bố nêu rõ các biện pháp hạn chế của Mỹ "đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu".

Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Adam Hodge cho biết đã nhận được đề nghị tham vấn từ phía Trung Quốc liên quan các hành động của Washington ảnh hưởng tới các thiết bị bán dẫn. Theo ông Hodge, Mỹ đã liên lạc với Trung Quốc và đã nêu rõ các hành động này liên quan đến an ninh quốc gia. (TTXVN)

* Tờ Financial Times ngày 14/12 đưa tin “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Alibaba Group Holding Ltd sẽ không thể mua một số chip tiên tiến nhất sau khi công ty công nghệ chip Arm Ltd của Anh thuộc sở hữu của SoftBank xác định rằng Mỹ và Anh sẽ không phê duyệt giấy phép xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Arm thông báo quyết định không xuất khẩu các chip tiên tiến nhất của mình sang Trung Quốc. Công ty công nghệ chip của Anh cho hay, Mỹ và Vương quốc Anh sẽ không chấp thuận việc bán dòng chip Neoverse V mới nhất của họ vì hiệu suất quá cao. (Financial Times/Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Đức đang kêu gọi một phản ứng chung của châu Âu đối với Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ (IRA), trong đó bao gồm việc đơn giản hóa các quy tắc hỗ trợ của chính phủ và mở rộng các lựa chọn tài chính.

Một tài liệu của Bộ Kinh tế Đức cho biết, Liên minh châu Âu (EU) có thể triển khai một chương trình thúc đẩy công nghệ xanh bằng cách kết hợp nhiều yếu tố hỗ trợ khác nhau để tránh hạn chế về ngân sách. Tài liệu cũng chỉ ra rằng, các quốc gia thành viên có thể thực thi chặt chẽ hơn các tiêu chí bền vững trong các cuộc đấu thầu công khai ở cấp quốc gia, đồng thời mở rộng hoặc tăng các chương trình trợ cấp truyền thống. (TTXVN)

* Hãng tin Bloomberg ngày 11/12 dẫn lời các nghị sĩ châu Âu cho biết, bất đồng về đề xuất áp giá trần đối với khí đốt của Nga trong EU gia tăng, với nhóm 12 quốc gia thành viên kêu gọi giảm đáng kể mức giá trần này, trong đó có Bỉ, Hy Lạp, Italy và Ba Lan.

Theo kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, giá trần có hiệu lực nếu giá khí đốt trong ít nhất hai tuần trên Sàn giao dịch Amsterdam vượt quá 275 Euro/MWh (khoảng 3.000 USD/1.000 m3). Chênh lệch với giá khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phải hơn mức 58 Euro trong ít nhất 10 ngày.

CH Czech, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đề xuất hạ giới hạn giá xuống 220 Euro và mức chênh lệch xuống 35 Euro. Nhóm gồm 12 quốc gia nói với Prague rằng những giới hạn như vậy là không thể chấp nhận được và cần được giảm bớt nhiều hơn. (TTXVN)

* Truyền thông Đức dẫn dữ liệu của Viện Kinh tế thế giới (IfW) ngày 11/12 cho biết, Đức và các nước châu Âu khác, bất chấp tuyên bố từ chối khí đốt của Nga, vẫn tiếp tục tích cực mua khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow. Lượng LNG mà các nước châu Âu mua của Nga thậm chí còn tăng so với năm 2021.

Theo Phó chủ tịch IfW Stefan Koots, LNG của Nga đến Bỉ, sau đó được vận chuyển đến Đức. Khối lượng khí đốt này không quá lớn, vào khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm, chiếm gần 5% tổng nhu cầu khí đốt của Đức.

Tổng nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã đạt mức kỷ lục. So với năm 2021, EU và Anh đã mua thêm 20% lượng LNG từ Nga, tăng lên mức 13% tổng lượng tiêu thụ của châu Âu. Những nước mua chính là Pháp, Bỉ và Hà Lan. (TTXVN)

Lạm phát tính theo năm tại Nga trong tuần từ ngày 6/12-12/12/2022 đã tăng lên mức 12,6% so với mức 12,5% của một tuần trước đó. (Nguồn:Shutterstock)

* Báo cáo mới đây của Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga về tình hình giá cả hiện tại cho hay, lạm phát tính theo năm tại nước này trong tuần từ ngày 6/12-12/12/2022 đã tăng lên mức 12,6% so với mức 12,5% của một tuần trước đó. (TTXVN)

* Ngân hàng trung ương Nga vừa thông báo thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 225,7 tỷ USD trong tháng 1-11/2022. Điều này mang lại dư địa tài khóa rất cần thiết khi nền kinh tế của Nga bước vào năm 2023 với rất nhiều thách thức.

Kết thúc năm 2022, Nga đang trên đà đạt mức thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục, bởi nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi giá hàng hóa thế giới cao thúc đẩy doanh thu xuất khẩu của Moscow. Viện Tài chính Quốc tế cho biết, xuất khẩu đóng góp phần lớn cho mức tăng thặng dư tài khoản vãng lai.

Khi biện pháp áp giá trần và lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga có hiệu lực, thặng dư tài khoản vãng lai có thể sẽ giảm vào năm 2023. (Reuters)

* Tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 11 giảm mạnh nhất trong 16 tháng về mức 10,7% do đà tăng giá quần áo và xăng dầu bắt đầu giảm trong bối cảnh lo ngại về một cuộc suy thoái kéo dài. Hầu hết các nhà phân tích của Trung tâm tài chính London trước đó dự đoán chỉ số tăng giá hằng năm của tháng 11 sẽ giảm về mức 10,9% từ 11,1% trong tháng 10.

Tuy nhiên, giá cả vẫn tăng dù với tốc độ chậm hơn và chi phí ngày càng tăng sẽ tạo thêm áp lực buộc các quan chức chính phủ phải tăng lương trong khu vực công để thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập và giá cả tăng. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Phát biểu với các phóng viên ở Tokyo ngày 13/12, Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản Tetsuo Saito nói, chương trình kích cầu du lịch nội địa sẽ nối lại vào ngày 10/1/2023, với điều kiện là không có bất cứ biện pháp hạn chế nào được áp đặt đối với hoạt động đi lại của người dân nhằm không chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Tokyo đã triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa mới vào tháng 10/2022 sau khi mở cửa biên giới cho khách du lịch nước ngoài nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi của ngành “công nghiệp không khói” này. Theo dự kiến, chương trình này sẽ kết thúc vào ngày 27/12. (TTXVN)

* Ngày 13/12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tuyên bố viện trợ không hoàn lại 2,5 triệu USD cho Ukraine để giúp quốc gia này vượt qua tình trạng khó khăn về thiếu điện trong mùa Đông năm nay.

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ cung cấp khoản viện trợ trị giá 500.000 USD cho Ukraine và các nước láng giềng, cũng như tiếp tục liên hệ với các tổ chức quốc tế để đảm bảo các trang bị thiết yếu giúp người dân giữ ấm trong mùa Đông.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này dự định cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ nhân đạo bổ sung trị giá 3 triệu USD để giúp người dân nước này đối phó với mùa Đông khắc nghiệt. Kế hoạch viện trợ này được công bố tại hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine diễn ra trong ngày 13/12 tại Paris. (TTXVN)

* Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MoJ) ngày 14/12 cho biết, Hội đồng thẩm định bố trí lao động thời vụ người nước ngoài đã nhất trí tuyển dụng thêm 26.788 lao động thời vụ người nước ngoài trong nửa đầu năm 2023 nhằm giải tỏa vấn nạn thiếu nhân lực ở vùng nông thôn và làng chài. Đây sẽ là lần tuyển dụng cao kỷ lục của Hàn Quốc và cao gấp 2 lần số lượng lao động thời vụ đã được “chiêu mộ” trong nửa đầu năm 2022 với 12.330 người.

Theo MoJ, số địa phương được phép sử dụng nhân lực lao động người nước ngoài cũng tăng từ 114 trong nửa đầu năm 2022 lên 124 trong nửa đầu năm 2023. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Đại sứ Philippines tại Bangladesh Alan L. Deniega cho rằng, sau khi vươn lên thành quốc gia đang phát triển, Bangladesh có thể chủ động tổ chức các cuộc đàm phán ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm mở rộng xuất khẩu và thương mại.

Đại sứ Deniega cũng cho rằng, kết nối hàng không trực tiếp giữa thủ đô Dhaka của Bangladesh và thủ đô Manila của Philippines có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng các cơ hội thương mại, đầu tư và du lịch giữa hai nước.

Về phần mình, Chủ tịch DCCI kêu gọi các doanh nghiệp Philippines đầu tư vào lĩnh vực y tế và du lịch ở Bangladesh, trong đó có việc xây dựng một trường y để đào tạo các chuyên gia y tế. (TTXVN)

* Chính phủ Thái Lan vừa phê duyệt kế hoạch chi tiết cho chiến lược giáo dục đại học, khoa học, nghiên cứu và đổi mới trong giai đoạn 2023-2027 như một phần trong nỗ lực đưa Thái Lan trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2037.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào năm 2020, nền kinh tế có thu nhập cao là một quốc gia có Thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người từ 12.696 USD trở lên. Trong khi đó, các số liệu của WB cho thấy GNI bình quân đầu người của Thái Lan vào năm 2021 mới chỉ đạt 7.260 USD. (TTXVN)

* Theo khảo sát của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) công bố ngày 14/12, giới chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực tư nhân đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế “đảo quốc sư tử” trong năm 2023.

Theo đó, GDP năm 2023 của Singapore sẽ có thể chỉ đạt 1,8%, giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong cuộc khảo sát quý III/2022 là 2,8%.

Dù vậy, các nhà kinh tế lại tự tin hơn về mức độ tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2022 khi nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm là 3,6%, tăng nhẹ so với mức 3,5% đưa ra hồi tháng 9/2022. (TTXVN)

* Ngày 13/12, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan tiết lộ rằng, chính phủ nước này đang tính toán và thảo luận về các khoản trợ cấp cho xe điện (EV).

Trước đó, Chánh Văn phòng Tổng thống Moeldoko cho biết chính phủ Indonesia đang xem xét các khía cạnh khác nhau để đưa ra các ưu đãi cho việc chuyển đổi xe ô tô, xe máy và phương tiện giao thông công cộng sang chạy điện. (TTXVN)

(tổng hợp)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-9-1512-thang-du-tai-khoan-vang-lai-nga-cao-ky-luc-chau-au-mua-manh-khi-dot-moscow-nhat-han-tang-vien-tro-cho-ukraine-209894.html