Kinh tế thế giới nổi bật (5-11/8): Nga nói 'thủ phạm' khiến EU thiếu khí đốt là lệnh trừng phạt Moscow, ngũ cốc Ukraine có người mua mới, tin vui ở Mỹ

Xung đột Nga-Ukraine khiến cuộc khủng hoảng năng lượng thêm trầm trọng, lạm phát Mỹ giảm, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh, Đức 'ngấm đòn' giá khí đốt tăng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nga cho rằng, các thủ tục mang tính kỹ thuật liên quan đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 không thể hoàn thành do các lệnh trừng phạt chống lại Moscow của châu Âu. Đó chính là lý do các nước EU rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: Getty Images)

Nga cho rằng, các thủ tục mang tính kỹ thuật liên quan đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 không thể hoàn thành do các lệnh trừng phạt chống lại Moscow của châu Âu. Đó chính là lý do các nước EU rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế thế giới Nhu cầu than thế giới năm 2022 có thể trở lại mức cao kỷ lục của năm 2013

Thông báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, cuộc khủng hoảng khí đốt, chủ yếu do xung đột ở Ukraine, đã khiến nhu cầu than toàn cầu tăng mạnh. Ước tính mức tiêu thụ than toàn cầu sẽ tăng 0,7% vào năm 2022.

Trong một báo cáo mới đây về thị trường than, IEA tiết lộ, mức tiêu thụ toàn cầu của loại nhiên liệu này dự kiến sẽ tăng 0,7% vào năm 2022, đạt 8 tỷ tấn, với giả định nền kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự kiến trong nửa cuối năm. Do đó, năm nay nhu cầu về nhiên liệu này nhiều khả năng sẽ đạt mức kỷ lục được ghi nhận cách đây gần 10 năm.

Từ năm ngoái, sản lượng than tiêu thụ đã tăng trở lại, khoảng 6%. Theo số liệu của IEA, tiêu thụ than toàn cầu trong năm 2021 đã lên 7,947 tỷ tấn.

Hiện tượng này một mặt có thể được giải thích bởi sự gia tăng các hoạt động sản xuất và kinh tế sau cú sốc của đại dịch, mặt khác là do giá khí đốt tự nhiên tăng lên khiến nhiều nước có xu hướng chuyển sang sử dụng than đá.

IEA cảnh báo: "Việc tiếp tục đốt một lượng lớn than trên khắp thế giới sẽ làm gia tăng mối lo ngại về khí hậu, vì than là nguồn chính phát thải CO2 liên quan đến năng lượng".

Kinh tế Mỹ

* Lạm phát tiêu dùng hằng năm tại Mỹ đã giảm xuống mức 8,5% vào tháng 7/2022 sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 40 năm qua là 9,1% vào tháng 6/2022 trong bối cảnh giá xăng tiếp tục giảm.

Ngày 10/8, theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không thay đổi trong tháng 7. Theo đó, chỉ số năng lượng trong tháng 7/2022 đã tăng 32,9% hằng năm, thấp hơn mức 41,6% trong tháng 6/2022. (TTXVN)

* Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nhận định dự luật mới được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 7/8 với mục đích chống biến đổi khí hậu, hạ giá dược phẩm và tăng một số loại thuế áp lên doanh nghiệp sẽ giúp làm giảm lạm phát trong trung và dài hạn, đồng thời cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Thượng viện Mỹ hôm 7/8 đã thông qua dự luật có tên Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD và sẽ gửi gói biện pháp này tới Hạ viện để bỏ phiếu.

Ngoài việc tăng thuế doanh nghiệp, dự luật trên còn nhằm giảm chi phí thuốc kê đơn bằng cách cho phép Medicare, chương trình chăm sóc sức khỏe dành cho người già và người tàn tật do chính phủ điều hành, thương lượng giá đối với một số loại thuốc hạn chế. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 10/8 cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, chỉ báo đo lường giá xuất xưởng của hàng hóa, đã tăng 4,2% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà tăng trên đã giảm tốc từ mức tăng theo năm 6,1% ghi nhận trong tháng Sáu. So với tháng trước đó, chỉ số PPI của Trung Quốc giảm 1,3% trong tháng Bảy.

Trong 40 lĩnh vực công nghiệp được khảo sát, 35 lĩnh vực ghi nhận giá tăng trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với con số 37 lĩnh vực hồi tháng Sáu. (THX)

* Trong tháng Bảy, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh, tạo ra sự thúc đẩy đáng khích lệ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi phải vật lộn để phục hồi sau ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong tháng trước, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 18% so với một năm trước đó, tốc độ nhanh nhất trong năm nay, cao hơn so với mức tăng 17,9% trong tháng Sáu và cũng như dự báo 15% trước đó của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng trong những tháng tới xuất khẩu sẽ đi xuống khi kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ giảm tốc nghiêm trọng, do đà tăng của lạm phát và lãi suất. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Trả lời phỏng vấn trên kênh Times Radio ngày 7/8, Phó Đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho hay, các thủ tục mang tính kỹ thuật liên quan đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 không thể hoàn thành do các lệnh trừng phạt chống lại Moscow của châu Âu. Đó chính là lý do các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng.

Trả lời câu hỏi tại sao Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, ông Polyansky cho biết: “Liên quan đến tình hình hiện tại của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tôi tin đã được giải thích chi tiết, rằng có một số quy trình kỹ thuật nhất định cần được hoàn thành nhờ thiết bị của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, và điều này không thể thực hiện được do các lệnh trừng phạt chống Nga”.

Quan chức trên khẳng định: “Nga đã và vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho châu Âu". (TTXVN)

* Theo một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế (IFO) của Đức thực hiện và công bố ngày 9/8, ngành công nghiệp hóa chất của nước này bị ảnh hưởng nặng nề do giá khí đốt tăng cao.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng trong ngành công nghiệp hóa chất ở Đức. Kỳ vọng kinh doanh trong ngành này đã giảm xuống -44,4 điểm trong tháng 7/2022 so với mức +11,8 điểm cùng kỳ năm ngoái.

Hiện giá khí đốt ở châu Âu đang cao hơn hai lần so với trước khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Giá khí đốt giao tương lai TTF của châu Âu ngày 9/8 được giao dịch ở mức khoảng 190 Euro (195 USD)/megawatt giờ. (TTXVN)

* Ngày 9/8, Transpetrol, nhà điều hành đường ống của Slovakia, cho biết, lượng dầu mỏ mà Nga cung cấp cho Slovakia đã bị công ty Ukrtransnafta của Ukraine chặn lại, sau khi khoản thanh toán cho hoạt động trung chuyển do công ty Transneft của Nga thực hiện đã được trả lại cho công ty này.

Trước đó, cùng ngày, công ty Transneft cho biết hoạt động cung cấp dầu mỏ của Nga cho Hungary, Slovakia và Czech qua lãnh thổ của Ukraine đã phải tạm dừng ngày 4/8 do các lệnh trừng phạt cản trở việc thanh toán./. (TTXVN)

* Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Nga ngày 5/8, nước này sẽ hạ dự báo xuất khẩu ngũ cốc trong niên vụ 2022-2023 (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023) xuống mức 50 triệu tấn nếu sản lượng thu hoạch không đạt mục tiêu 130 triệu tấn.

Tốc độ thu hoạch vụ mùa ở Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, hiện đang chậm hơn so với dự kiến do mùa Xuân lạnh dẫn đến việc bắt đầu thu hoạch muộn, cũng như mưa và thiếu phụ tùng thay thế cho các thiết bị nông nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev khẳng định những điều này đang khiến Nga có thể không đạt được mục tiêu thu hoạch 130 triệu tấn ngũ cốc mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra hồi tháng Năm. (Reuters)

* Chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên rời Ukraine theo thỏa thuận được Liên hợp quốc hậu thuẫn ngày 10/8 đã cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi có thông tin chuyến tàu này cuối cùng đã tìm thấy người mua.

Các trang web theo dõi hải trình cho biết tàu Razoni đã cập cảng Mersin trên Địa Trung Hải sau vài ngày thả neo cách đó không xa. Cơ quan Hàng hải Ashram cho hay "hàng hóa đã được bán. Hàng sẽ được bốc dỡ tại cảng Mersin". (TTXVN)

* Czech là một trong những nước thành viên EU có giá thực phẩm và dịch vụ tăng nhanh nhất trong năm nay.

Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, Czech đang đứng đầu EU về tốc độ tăng giá bột mì khi loại nguyên liệu này tăng giá tới gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu ăn cũng tăng tới 55,8% và giá đường tăng 41,1%. Bên cạnh đó, giá sữa tại Czech đã tăng 37,4%, giá bánh mì tăng 28,7% và giá thịt gia cầm cũng cao hơn 32,8% so với cùng kỳ năm 2021. (TTXVN)

Tàu Razoni, mang cờ Sierra Leone, chở ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine, tại Biển Đen ngoài khơi Kilyos, gần Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 3/8. (Nguồn: Reuters)

* Theo tính toán của tờ Financial Times dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng này đã bơm 17 tỷ Euro (17,3 tỷ USD) vào các thị trường nợ Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp trong tháng 6-7/2022, đồng thời cho phép danh mục nợ của Đức, Hà Lan và Pháp giảm hơn một chút.

ECB đã kết thúc mua ròng theo chương trình mua trái phiếu thời đại dịch vào tháng Ba và hiện đang tập trung tái đầu tư trái phiếu đáo hạn vào các thành viên yếu hơn của EU.

Động thái này nhấn mạnh cách thức ECB đang tìm cách giới hạn chi phí đi vay đối với các quốc gia như Italy và ngăn chặn lợi suất tăng cao khi họ rút khỏi lập trường thích nghi đã hỗ trợ khu vực trong nhiều năm. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo báo cáo thống kê của công ty Teikoku Databank, số lượng công ty tại Nhật Bản phá sản trong tháng 7/2022 vì lý do vật giá leo thang là 31 doanh nghiệp, tăng hơn 8 doanh nghiệp so với tháng 6/2022.

Đây là con số cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu vào năm 2018 và khả năng sẽ có nhiều vụ phá sản hơn xảy ra trong thời gian tới, chủ yếu tập trung ở các công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ khó chuyển chi phí vật giá gia tăng vào giá thành hàng hóa. (Kyodo)

* Hàn Quốc ngày 10/8 thông báo lượng việc làm bổ sung tăng tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 7/2022, nhưng tốc độ tăng trưởng việc làm chậm lại so với tháng trước giữa bối cảnh kinh tế gia tăng bất ổn.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (SK), lượng người có việc làm trong tháng Bảy tăng 826.000 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 28,48 triệu người.

Tốc độ tăng trưởng việc làm trong tháng Bảy vừa qua đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp đà tăng trưởng chậm lại. Trước đó, tỷ lệ tăng trưởng việc làm của tháng 5-6/2022 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 935.000 việc làm và 841.000 việc làm. (Yonhap)

* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 7/8 cho biết, nền kinh tế nước này đứng trước nguy cơ tăng trưởng sụt giảm ngày càng tăng, do lạm phát cao và điều kiện kinh tế bên ngoài xấu đi.

Theo KDI, Hàn Quốc đang trên đà phục hồi tăng trưởng nhẹ, nhưng rủi ro kinh tế sụt giảm đang ngày càng tăng trong ngành sản xuất.

Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng Bảy tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo dài đà tăng của lĩnh vực này sang tháng thứ 21 liên tiếp. Tuy nhiên, “xứ sở kim chi” phải chịu thâm hụt thương mại trong tháng thứ tư liên tiếp do giá năng lượng toàn cầu tăng cao. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) hôm 9/8 thông báo sẽ khởi động một chương trình nghiên cứu kéo dài một năm về đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) ở nước này. Chương trình sẽ tập trung vào những lợi ích kinh tế tiềm năng mà một đồng CBDC có thể mang lại.

Theo thông báo chính thức, RBA đang làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Tài chính Kỹ thuật số (DFCRC), một tổ chức được chính phủ hậu thuẫn trong chương trình trên.

Dự án sẽ tìm cách xác định các cách thức sử dụng sáng tạo cùng những mô hình kinh doanh mà CBDC có thể hỗ trợ, đồng thời hiểu rõ hơn về một số cân nhắc về mặt công nghệ, pháp lý và quy định của việc phát hành một đồng CBDC như vậy. (Reuters)

* Theo CNN, chính phủ Indonesia ngày 9/8 đã ban hành 13 Dự án Chiến lược quốc gia (PSN) mới, trải dài trên nhiều vùng và bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.

13 PSN mới bao gồm các lĩnh vực tưu tiên như: công nghệ; nông, lâm nghiệp; nước sạch và vệ sinh; du lịch; cơ sở hạ tầng; đê điều; năng lượng. (CNN)

* Ngày 9/8, Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia (MOSTI) đã công bố 5 Lộ trình công nghệ quốc gia nhằm tăng cường nỗ lực của Malaysia trở thành nhà phát triển công nghệ, cũng như giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và lao động nước ngoài.

Năm lộ trình bao gồm sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện và điện tử (E&E), công nghệ blockchain quốc gia, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ vật liệu tiên tiến quốc gia và robot quốc gia, trong giai đoạn 2021-2030. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-5-118-nga-noi-thu-pham-khien-eu-thieu-khi-dot-la-lenh-trung-phat-moscow-ngu-coc-ukraine-co-nguoi-mua-moi-tin-vui-o-my-194002.html