Kinh tế thế giới 2023 chờ cú hích từ Trung Quốc mở cửa

Chuyên gia nhận định điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới 2023 sẽ là mức tăng trưởng đáng kể của Trung Quốc và Đông Nam Á hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh.

“Tôi cho rằng trong năm nay, thành tích kinh tế của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ nền kinh tế thế giới, nhưng cũng tác động không quá mạnh mẽ”, Albert Keidel - giáo sư kinh tế tại Đại học George Washington (Mỹ) - nhận định với Zing.

Ông lý giải điều này là do Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn, cùng với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Khác với những nền kinh tế lớn khác trên thế giới, lạm phát ở Trung Quốc tương đối thấp, nhưng không có khả năng tác động và giảm lạm phát ở những quốc gia khác.

Ngoài ra, với những dự đoán hiện tại, vị chuyên gia nhận định năm 2023 sẽ là một năm không mấy khả quan đối với các nền kinh tế phát triển, chưa chắc chắn đối với Trung Quốc, trong khi những dự đoán về cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra vào năm tới là đáng lo ngại.

 Giáo sư Albert Keidel là chuyên gia về kinh tế học phát triển chuyên về Đông Á. Ông là giảng viên chuyên môn tại khoa Kinh tế của Đại học George Washington (Mỹ). Ông từng làm việc tại tổ đặc trách về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: sigur.elliott.gwu.edu.

Giáo sư Albert Keidel là chuyên gia về kinh tế học phát triển chuyên về Đông Á. Ông là giảng viên chuyên môn tại khoa Kinh tế của Đại học George Washington (Mỹ). Ông từng làm việc tại tổ đặc trách về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh: sigur.elliott.gwu.edu.

Nhiều chuyên gia cùng các tổ chức tài chính lớn đều nhận thấy những tín hiệu không mấy khả quan từ nền kinh tế toàn cầu năm 2023.

Loạt dự báo kinh tế cho rằng năm 2023 sẽ là một năm kinh tế ảm đạm trong bối cảnh nguy cơ suy thoái ngày càng tăng.

Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây hạ dự báo tăng trưởng hàng năm cho năm 2023 xuống 1,9%, giảm so với con số 3% trước đó.

Trong khi đó, hôm 17/1, bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế - cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chạm đáy trong năm 2023 rồi phục hồi vào năm tới.

Chỉ với hai năm bùng phát đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với loạt thách thức. Theo Washington Post, việc tăng lãi suất đối phó với lạm phát trong nhiều thập niên khiến các nhà đầu tư suy nghĩ lại về các chính sách, dẫn đến giao dịch không ổn định.

Xung đột Ukraine góp phần đẩy giá ngũ cốc và nhiên liệu tăng vọt. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - dường như ngày càng đi xuống.

Động lực từ việc Trung Quốc mở cửa

“Tôi cho rằng những dự đoán hiện tại về năm 2023 là không mấy khả quan đối với các nền kinh tế phát triển và chưa chắc chắn đối với Trung Quốc”, ông Albert Keidel cho hay.

Bên cạnh đó, ông cũng nhận định những dự đoán về cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra vào năm 2023 là “đáng lo ngại”. Theo nhận định của ông, thách thức lớn nhất trong năm 2023 sẽ là việc tháo gỡ những khó khăn của các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển.

“Thách thức lớn nhất trong năm 2023 là xoa dịu những khó khăn đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển do lãi suất cao sẽ kéo dài suốt cả năm, đặc biệt là về nghĩa vụ nợ và có thể là tình hình tăng trưởng yếu hơn ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản”, vị chuyên gia nói.

Theo nhận định của ông Keidel, điểm sáng trong bức tranh đó sẽ là mức tăng trưởng 9% của Trung Quốc và Đông Nam Á hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh. Ngoài ra, nguy cơ bất ổn chính trị ở Mỹ - dẫn đến khả năng đóng cửa chính phủ và khủng hoảng vỡ nợ - “cũng luôn hiện hữu trong tâm trí tôi”, ông cho biết.

Trong khi đó, Trung Quốc đang vượt qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn để tạo điều kiện phục hồi hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, từ đó ngăn nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, Washington Post nhận định.

Trong những ngày gần đây, giới phân tích Phố Wall tại các công ty như Goldman Sachs và Capital Economics đã nâng cấp dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, viện dẫn dấu hiệu cho thấy sự bùng phát Covid-19 đang đạt đỉnh sớm hơn dự kiến.

Tốc độ mở cửa trở lại của Trung Quốc, sau khi dỡ bỏ phần lớn hạn chế Covid-19 vào tháng 12/2022, có thể sẽ định hình triển vọng tăng trưởng và lạm phát toàn cầu. Ảnh: Tân Hoa xã.

Tốc độ mở cửa trở lại của Trung Quốc, sau khi dỡ bỏ phần lớn hạn chế Covid-19 vào tháng 12/2022, sẽ định hình triển vọng tăng trưởng và lạm phát toàn cầu.

Theo đánh giá của ông Keidel, trong năm nay, tình hình kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, với ba cấp độ phục hồi trong nước.

“Cấp độ đầu tiên tương tự những gì xảy ra vào năm 2021. Mức tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I năm 2021 là 18%, so với kết quả không mấy khả quan vào quý I năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán”, ông dẫn chứng.

“Năm 2022 tiếp tục là một năm với các đợt phong tỏa (bất thường), đặc biệt là ở thành phố Thượng Hải. Đến năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng 7% hoặc cao hơn một chút”, ông nói.

Vị chuyên gia nói thêm ở cấp độ thứ hai, Trung Quốc sẽ phục hồi từ mức tăng trưởng trung bình trung hạn với các đợt phong tỏa không thường xuyên, đến tốc độ tăng trưởng trước đại dịch Covid-19, khoảng 6-6,5%.

“Cuối cùng, những biện pháp kích thích tài chính và tài khóa được công bố gần đây, bao gồm tăng thâm hụt ngân sách chính phủ lên gần 2% GDP, sẽ cung cấp mức hỗ trợ tổng thể thứ ba. Nếu trước dịch Covid-19, những biện pháp này có thể nâng mức tăng trưởng của Trung Quốc lên 7%, vào năm 2023 con số này sẽ là hơn 9%”, ông giải thích.

Do đó, vị giáo sư từ Đại học George Washington kết luận tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ chạm tới mốc 9% trong năm nay.

Dẫu vậy, một số dự đoán khác không lạc quan tới vậy.

Reuters hôm 15/12/2022 đưa tin các nhà phân tích tại J.P.Morgan đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 lên 4,3%, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại.

Trong khi đó, vào tháng 11/2022, sau quyết định mới của Bắc Kinh, Goldman Sachs đã tăng ước tính tăng trưởng kinh tế lên 4,5% trong năm tới. Với Morgan Stanley, mức dự báo được cho là có thể đạt 5,4%, theo CNBC News.

Tương tự, Economist Intelligence Unit cũng đưa ra ước tính quanh mốc 5,2% vào năm 2023 cho Trung Quốc, cao hơn dự đoán trước đó là 4,7%.

Về tác động với nền kinh tế thế giới, nếu tính theo ảnh hưởng khu vực, ông Keidel nhận định sự phục hồi của Trung Quốc sẽ là “yếu tố kích thích”.

“Song điều này có lợi với khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Brazil và Nhật Bản (do nhu cầu du lịch và nguyên vật liệu), hơn là với Mỹ và EU (do các biện pháp trừng phạt công nghệ đang áp dụng với Trung Quốc)”, ông nói.

Trong khi đó, tính theo ảnh hưởng trong lĩnh vực, với tốc độ tăng trưởng dự đoán 9%, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc trong tất cả lĩnh vực (bao gồm cả chi tiêu du lịch ở nước ngoài) cũng sẽ gia tăng.

“Trung Quốc có thể đạt được thành công tương tự khi áp dụng gói kích thích kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2010, song với mức độ nhẹ hơn”, ông nói.

Một du khách Trung Quốc trong trang phục truyền thống Thái Lan chụp ảnh tại Wat Arun hay Chùa Bình Minh, ở Bangkok, Thái Lan hôm 12/1. Ảnh: AP.

Không còn nhiều lựa chọn

Đề cập tới công cụ đối phó với các bất ổn kinh tế trong năm 2023, giáo sư Albert Keidel cho rằng các nước phát triển, Trung Quốc và những tổ chức tài chính quốc tế cũng như khu vực cần chuẩn bị sẵn sàng giao thiệp, tái đàm phán hoặc giảm bớt mức độ phải gánh lãi suất của các nền kinh tế thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển.

Nhóm này đối mặt với vấn đề về cán cân thanh toán và mức chi trả nợ, do phá giá tiền tệ và chi phí trả nợ nước ngoài tăng.

Lạm phát và lãi suất tăng cao có thể đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới đến bờ vực suy thoái. Ảnh: AP.

Theo ông, chính trị gia Mỹ dường như không muốn giảm các rào cản nhập khẩu hoặc nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ chống lạm phát.

“Nền chính trị Mỹ sẽ đòi hỏi (chính phủ) phải nhanh chóng đánh bại lạm phát, ngay cả khi điều này gây ra cuộc suy thoái nhẹ, để có thể hạ lãi suất và kích thích tăng trưởng vào năm bầu cử 2024”, ông nhận định.

Ông Keidel cho rằng hiện tại, cả châu Âu và Mỹ dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chống lạm phát bằng cách tăng thêm lãi suất. Nhật Bản có thể không tăng lãi suất nhiều như châu Âu và Mỹ, nhưng họ cũng đang tăng giới hạn lãi suất dài hạn.

“Nền kinh tế của Mỹ đang hoạt động hiệu quả nhờ chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua thành công dự luật cơ sở hạ tầng và các dự luật chi tiêu liên quan khác”, vị chuyên gia đánh giá.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng kế hoạch tăng lãi suất gần như chắc chắn sẽ kéo dài đến mùa xuân. Khó có thể nói liệu động thái này có dẫn đến suy thoái hay không, nhưng tốc độ tăng trưởng có thể thấp hơn mức cơ bản", ông nói thêm.

Dẫu vậy, vị giáo sư cũng cho rằng ẩn số lớn hiện tại tác động tới nền kinh tế Mỹ là tính ổn định trong giới lãnh đạo tại Hạ viện Mỹ.

“Các thành viên cấp tiến ở vị trí lãnh đạo có thể gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, từ đó ảnh hưởng tới cả nền kinh tế thế giới”, ông kết luận.

Phương Hải Vân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-the-gioi-2023-cho-cu-hich-tu-trung-quoc-mo-cua-post1395508.html