Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh: Vượt khó giữ đà tăng trưởng

Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2020 của thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng vẫn còn đó không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện các cấp, ngành của thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2020.

Nhiều kết quả khả quan

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh 7 tháng qua vẫn có nhiều điểm sáng. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu tiếp tục gia tăng (đạt hơn 24,7 tỷ USD, tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước); trong đó, xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 9,9 tỷ USD, tăng 34,5%, xuất khẩu gạo đạt 643,8 triệu USD, tăng 20,5%...

Điểm sáng nữa là giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong 7 tháng của năm 2020 đạt 17.089 tỷ đồng, tăng 72,8% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 40,6% kế hoạch năm. Đây là số giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong cùng kỳ 7 tháng của nhiều năm qua. Một số dự án lớn đáng chú ý là: Xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu tại quận 9, thực hiện 7 tháng là 942 tỷ đồng, đạt 99,4% kế hoạch năm; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ, thực hiện 7 tháng 780 tỷ đồng, đạt 53,9% kế hoạch năm…

Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm của thành phố đang về đích, góp phần cho kinh tế thành phố phát triển. Trong đó, nổi bật là dự án chống ngập với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng đã đạt trên 79% khối lượng thi công, dự kiến vận hành một phần vào tháng 10-2020. Dự án tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã đạt trên 77% khối lượng xây lắp, sẽ đưa vào khai thác trong năm 2021. Dự án cầu Thủ Thiêm 2, với tổng vốn đầu tư 4.260 tỷ đồng, đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để hợp long vào tháng 9 và thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020.

Là người thường xuyên đi qua công trường Dự án cầu Thủ Thiêm 2, anh Trương Xuân Thái (41 tuổi, ở Khu chung cư New City, phường Bình Khánh, quận 2) chia sẻ: “Cầu Thủ Thiêm 2 đã vươn ra giữa sông Sài Gòn. Tôi mong công trình sớm hoàn thành, để người dân qua lại thuận tiện hơn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Ngay từ đầu năm 2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Với giải ngân vốn đầu tư công, nếu cơ quan chủ quản, chủ đầu tư giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

Vượt khó để phát triển

Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp một số khó khăn trong 7 tháng qua. Cụ thể, theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố trong 7 tháng qua là 2,37 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã cấp phép thành lập mới 21.917 doanh nghiệp, giảm 7,4%, với tổng vốn đăng ký 385.628 tỷ đồng, giảm 1% so cùng kỳ. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 7 tháng của năm 2020 ước thực hiện 195.492 tỷ đồng, đạt 48,2% dự toán, giảm 15,4% so cùng kỳ.

Để khắc phục những tồn tại và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm 2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định các giải pháp như: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Tổ Công tác hỗ trợ doanh nghiệp và chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động gặp gỡ doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian sớm nhất có thể. “Thành phố phấn đấu hết tháng 8-2020, hoàn thành việc hỗ trợ cho hơn 8.000 doanh nghiệp đang gặp khó khăn”, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà thông tin.

Ngoài ra, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao. Mục tiêu giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%. Về thu hút đầu tư nước ngoài, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Cao Phi Vân cho biết, thành phố sẽ chủ động mời gọi các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới, đầu tư vào các dự án thuộc 7 chương trình đột phá, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.

Về việc thực hiện các mục tiêu phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Từ nay đến cuối năm, thành phố xác định phải áp dụng đồng bộ các biện pháp để vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi kinh tế. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, thành phố quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2020”.

Phương Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/974853/kinh-te-thanh-pho-ho-chi-minh-vuot-kho-giu-da-tang-truong