Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26-31/3/2018

Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26-31/3/2018

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Mỹ La-tinh và Caribe: Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 2,2% nhờ sự phục hồi của giá nguyên liệu và đà tăng trưởng của kinh tế Brazil.Panama là nền kinh tế có nhịp độ tăng trưởng cao nhất khu vực với GDP ước tăng 5,5%; kinh tế Peru, Argentina, Chile và Colombia sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 3,5%, 3%, 2,8% và 2,6%; tuy nhiên, Venezuela dự kiến sẽ giảm 5,5%. (Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và Caribe - CEPAL ngày 25/3)

Trong năm 2017, nợ công của khu vực này cũng chiếm 38,4% GDP khu vực, tăng nhẹ 0,7% so với năm 2016 nhờ việc củng cố tài chính và sự phục hồi của hoạt động kinh tế giúp kìm hãm tăng trưởng chi tiêu công và tái kích hoạt các nguồn tài chính.

Mặc dù nợ công không tăng mạnh, nhưng có 17/18 quốc gia trong khu vực đã phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2017. Brazil tiếp tục đứng đầu khu vực về tỷ lệ nợ công với 74% GDP, tiếp theo là Argentina (53,7%), Costa Rica (48,8%) và Mexico (46,7%). (Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ La-tinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc ngày 24/3)

- Hoa Kỳ: Trong quý IV/2017, GDP tăng 2,9%, cao hơn 0,4% so với ước tính trước đó của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và cao hơn nhiều so với những dự đoán của giới chuyên gia.

Đây là lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng Bộ Thương mại Hoa Kỳ ước tính tăng trưởng GDP quý IV/2017, tuy nhiên ước tính lần này không tính tới những tác động của việc cắt giảm 1.500 tỷ USD tiền thuế mà giới chuyên gia dự đoán là sẽ giúp thúc đẩy GDP trong ngắn hạn. Tính trung bình cả năm 2017, tăng trưởng GDP 2,3%, tuy cao hơn so với mức 1,5% của năm 2016 nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 3% mà Tổng thống Trump đề ra. (Theo Chính phủ Hoa Kỳ ngày 28/3)

Lạm phát

- Canada: Tỷ lệ lạm phát đạt 2,2% trong tháng 02/2018 do giá năng lượng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng. Mặt khác, theo nhà kinh tế học James Marplecủa Ngân hàng Toronto-Dominion (TD Bank), việc tăng lương tối thiểu cũng là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao vì đây là nhân tố làm tăng giá thực đơn trong các nhà hàng và giá thực phẩm tại các siêu thị. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 23/3)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm.Tính chung cả tuần (26/3 - 30/3/2018), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,47%; 2,11% và 1,2% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (23/3/2018).Trong ngày giao dịch ngày 30/3/2018 thị trường đóng cửa nghỉ lễ.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,18 điểm (0,12%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (30/3/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 9,48 điểm (0,4%) lên 2.445,85 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 8,37 điểm (0,3%) lên 3.168,9 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 295,22 điểm (1,4%) lên 21.454,3 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) và S&P/ASX 200 (Australia): Đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu mỏ

Trong tuần từ ngày 19 - 23/3, kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tăng thêm 1,6 triệu thùng; kho dự trữ tại Cushing, Oklahoma tăng 1,8 triệu thùng; sản lượng dầu của Hoa Kỳ cũng tăng mạnh lên mức kỷ lục 10,433 triệu thùng/ngày, vượt Ả Rập Xê út - nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 28/3)

Tuần từ (26/3 - 30/3/2018), giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 0,5%; 1,1%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (30/3/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 4/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,15 USD (1,9%) lên 62,34 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,09 USD (1,7%) lên 66,21 USD/thùng.

Châu Âu

- EU: Trong năm 2017, giá trị thương mại giữa EU và Triều Tiên là 17,73 triệu EUR, giảm 26,7% so với năm 2016. EU đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 12,64 triệu EUR sang Triều Tiên và nhập khẩu 5,09 triệu EUR từ nước này, giảm tương ứng 32% và 9,3% so với năm 2016.

Trong số các nước thành viên EU, Đức là nước xuất khẩu lớn nhất sang Triều Tiên với 3,86 triệu EUR. Tiếp theo là Đan Mạch (1,96 triệu EUR) và Pháp (1,77 triệu EUR). Trong khi đó, Hà Lan là nước nhập khẩu lớn nhất của Triều Tiên (2,56 triệu EUR), tiếp theo là Áo (824.000 EUR) và Tây Ban Nha (458.000 EUR).(Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 30/3)

- Pháp: Trong năm 2017, thâm hụt ngân sách của Pháp đạt 2,6% GDP, thấp hơn cả mức mục tiêu 2,9% mà Chính phủ Pháp đã đề ra. Tài chính công của Pháp được cải thiện chủ yếu nhờ tiền thu thuế tăng mạnh. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia (INSEE), gánh nặng thuế của Pháp đã tăng từ 44,6% GDP (năm 2016) lên 45,4% GDP (năm 2017). Trong khi đó, chi tiêu chính phủ tăng 2,5% và nguồn thu của Chính phủ tăng 4%. (Theo INSEE ngày 26/3)

- Hy Lạp: Cơ chế Bình ổn châu Âu - ESM (27/3) nhất trí giải ngân khoản tín dụng 6,7 tỷ EUR (8,32 tỷ USD) dành cho Hy Lạp, trong khuôn khổ của chương trình cứu trợ quốc tế thứ ba đối với nước này. Khoản tiền đầu tiên trị giá 5,7 tỷ EUR được cấp ngay trong ngày 28/3/2018 và 1 tỷ EUR còn lại có thể được giải ngân sau ngày 01/5/2018 nếu Hy Lạp đạt được tiến bộ trong việc giảm các khoản nợ đọng.

Chương trình cứu trợ hiện hành trị giá 86 tỷ EUR đã được nhất trí từ năm 2015 và kéo dài đến tháng 8/2018. Hy Lạp hy vọng sau khi chương trình cứu trợ này kết thúc, Hy Lạp có thể quay trở lại và đứng vững trên thị trường tài chính. (Theo Cơ chế Bình ổn châu Âu - ESM (27/3)

Châu Á

ADB: Ban Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (ngày 25/3) đã phê duyệt tài trợ bổ sung 100 triệu USD để kéo dài và mở rộng Chương trình tài trợ cho chuỗi cung ứng (SCFP), hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở châu Á - Thái Bình Dương trong việc giải quyết sự thiếu hụt về nguồn vốn, tăng cường sự đóng góp vào phát triển và tăng trưởng kinh tế của khu vực.

ADB cùng với các ngân hàng trên toàn cầu thực hiện SCFP nhằm chia sẻ rủi ro cho khoảng 550 giao dịch của các SME có giá trị trên 500 triệu USD. Việc mở rộng chương trình sẽ cho phép ADB tăng cường phối hợp với các ngân hàng địa phương và sử dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu về vốn của các SME, đồng thời làm đa dạng hóa ảnh hưởng và tác động của hoạt động tài trợ cho chuỗi cung ứng tới các thị trường.

Hoa Kỳ

Trong tuần 26 - 30/3, Hoa Kỳ có kế hoạch bán khoảng 294 tỷ USD trái phiếu để giảm thâm hụt ngân sách. Đây là mức trái phiếu bán ra cao nhất trong một tuần kể từ đầu năm 2008, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Hoa Kỳ làm cho thâm hụt ngân sách tăng thêm hơn 1.000 tỷ USD vào thập niên tới cộng với sắc lệnh chi tiêu 1.300 tỷ USD với mục đích giảm thâm hụt ngân sách trong tháng 3/2018, do đó dẫn tới nhu cầu vay mượn của Hoa Kỳ tăng cao. (Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 28/3)

Hoa Kỳ sẽ vượt Malaysia, trở thành nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ ba thế giới vào năm 2020 (chỉ đứng sau Australia và Qatar), nhờ khối lượng xuất khẩu liên tục tăng.

Xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ đã đạt 1,94 tỷ phút khối/ngày (1 phút khối = 0,0283 m3) trong năm 2017, tăng so với mức 0,5 tỷ phút khối/ngày trong năm 2016. Năm 2017, Hoa Kỳ đã xuất khẩu LNG sang 25 nước, trong đó Mexico chiếm tỷ trọng lớn nhất với 20%. (Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 28/3)

Trung Quốc

Trung Quốc đã cam kết giải quyết vấn đề thặng dư thương mại với Ấn Độ, đồng thời hướng tới mối quan hệ thương mại cân bằng hơn. Thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây, ở mức hơn 51 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2017.Bộ trưởng Prabhu đề nghị, Trung Quốc nên tạo điều kiện để các nông sản của Ấn Độ như hạt cải dầu, đậu tương, gạo basmati và không phải basmati, hoa quả, rau và đường được tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. (Theo mạng Zee News ngày 26/3)

Đồng CNY tăng thêm 31 điểm cơ bản lên 6,2785 CNY/USD do: (i) Tỷ giá giao ngay giữa đồng CNY so với đồng USD trên thị trường ngoại hối nội địa tăng 0,6% lên 6,2418 CNY/USD - mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ vào tháng 8/2015; (ii) Trái phiếu bằng đồng CNY sẽ được thêm vào chỉ số Bloomberg Barclays Global Aggregate Index, kéo theo một dòng tiền chảy vào khoảng 110 tỷ USD. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 28/3)

Nhật Bản

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/3 đã thông qua các dự luật nhằm tiến tới việc phê chuẩn CPTPP sau khi Hoa Kỳ quyết định rút khỏi văn kiện này. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn thành các thủ tục trong nước.

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.

Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và GDP vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. (Theo Nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27/3)

Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế đến Nhật Bản tăng 20%, đạt 28,7 triệu du khách quốc tế so với năm 2013. Khách quốc tế tới Nhật Bản tăng mạnh do đồng JPY yếu đi và thủ tục cấp thị thực (visa) được nói lỏng. Các quy định về thủ tục cấp visa của Nhật Bản được nới lỏng đối với công dân nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc - nguồn du khách quan trọng hàng đầu của Nhật Bản.

Năm 2008, Nhật Bản đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch đón 20 triệu du khách quốc tế mỗi năm. Tuy nhiên, mục tiêu này đã hoàn thành trước thời hạn 5 năm. Sau khi cán mốc 20 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2015, Nhật Bản tiếp tục đón lượng khách du lịch lớn trong bối cảnh Tokyo chuẩn bị đăng cai Thế vận hội vào năm 2020.

(Theo ông Adnre Andonian - chuyên gia về Nhật Bản thuộc Công ty tư vấn McKinsey ngày 27/3)

Australia

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (28/3) xem xét cắt giảm 10%/năm (tương đương 400 triệu USD) trong ngân sách dành cho viện trợ phát triển nước ngoài do sự tăng trưởng kinh tế khả quan ở một số nước nhận viện trợ.

Kể từ năm 2014, Australia đã nhiều lần cắt giảm viện trợ, đưa mức đóng góp viện trợ của nước này hiện chỉ còn 0,22 USD/100 USD trong tổng thu nhập quốc dân, tỷ lệ thấp nhất từ trước tới nay. Hiện Chính phủ Australia đang tìm cách cắt giảm các khoản chi trước thời điểm công bố ngân sách vào ngày 08/5. (Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ngày 28/3)

Đàm phán - Ký kết

Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA:

Ngày 28/3, ADB và JICA đã ký kết các hiệp định vay trị giá 163 triệu USD với Olam International Limited (OIL) và Công ty TNHH Cà phê Outspand (COVL) - một công ty con của OIL, hỗ trợ của ADB bao gồm một khoản vay trị giá 83 triệu USD cho OIL và một khoản vay trị giá 5 triệu USD cho COVL.

Dự án này là khoản hỗ trợ không do Chính phủ bảo lãnh đầu tiên của ADB cùng đồng tài trợ trực tiếp bởi JICA; tổ chức này sẽ cho COVL vay 75 triệu USD. Các khoản vay giúp tăng cường những chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững và bao trùm, mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 20.000 nông hộ nhỏ tại Indonexia, Pa-pua Niu Ghi-nê (PNG), Timor-Leste và Việt Nam.

Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ hỗ trợ kế hoạch đầu tư tới năm 2019 trị giá 211 triệu USD của OIL để mở rộng hoạt động chế biến các sản phẩm đã chế biến sẵn của công ty, đồng thời cung cấp các khoản đầu tư vốn lưu động cho những nông hộ nhỏ, đặc biệt tại Indonexia (cà phê và ca cao), Pa-pua Niu Ghi-nê (cà phê và ca cao), Timor-Leste (cà phê) và Việt Nam (cà phê, điều và hạt tiêu).

Hoa Kỳ và Hàn Quốc:

Ngày 28/3, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã chính thức ký thỏa thuận sửa đổi hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, về hạn chế xuất khẩu mặt hàng thép của Hàn Quốc sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2018.

Theo đó, hai nước đã thống nhất về những điều khoản liên quan đến việc miễn cho Hàn Quốc các khoản thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu được quy định trong mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962. Phái đoàn đàm phán của hai bên đang chuẩn bị hoàn tất công tác đàm phán về FTA song phương. (Theo Yonhap ngày 28/3)

Nhật Bản - Ấn Độ:

Ngày 29/3, Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Ấn Độ khoản vay trị giá 100 tỷ JPY (940 triệu USD) để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố Mumbai và gần 50 tỷ JPY cho các dự án cơ sở hạ tầng khác.

Với số tiền trên, Tokyo đã cam kết tổng cộng 384,1 tỷ JPY cho Ấn Độ vay trong tài khóa hiện nay, kết thúc vào tháng 3/2018. Đây là số tiền cho vay lớn nhất mà Nhật Bản dành cho một nước đơn lẻ trong vòng một năm.

Trong nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản và Ấn Độ đã củng cố các quan hệ kinh tế và an ninh song phương. Năm 2014, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu” tron g cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Ấn Độ tháng 01/2015.

Nhận định
chuyên gia

CPTPP:

Ông Somkid Jatusripitak - Phó Thủ tướng Thái Lan thông báo, nước này muốn trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm 2018. Tham gia CPTPP Thái Lan sẽ có lợi trong bối cảnh các ngành điện tử, hải sản và nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều đối thủ có thế mạnh về chế tạo và xuất khẩu như Malaysia và Việt Nam.

Ngày 22/3, ông Somkid Jatusripitak đã tuyên bố nước này cần phải gia nhập CPTPP cũng như Thỏa thuận Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để bảo vệ lợi ích thương mại. Ông Somkid Jatusripitak nhận định, nếu không tham gia CPTPP, Thái Lan sẽ đánh mất các cơ hội thương mại và đầu tư.(Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok ngày 29/3)

Chủ tịch FED thành phố Cleveland, Bang Ohio, bà Loretta Mester (27/3):

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ có thể tăng tốc hoặc làm chậm lại tốc độ thắt chặt chính sách như động thái áp thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ dẫn tới một cuộc chiến thương mại ảnh hưởng đến nền kinh tế. Bên cạnh đó, FED đã tăng lộ trình chính sách dự kiến với việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của Chính phủ sẽ nâng tăng trưởng của Hoa Kỳ trong ngắn hạn.

Các dự báo cho thấy, FED sẽ tăng lãi suất 3 lần/năm trong năm 2018 và năm 2019, 2 lần vào năm 2020. Các chính sách tài khóa (cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ) sẽ làm tăng trưởng GDP thêm 0,5% hoặc có thể cao hơn trong năm nay và năm tiếp theo.

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bao-cao-va-thong-ke-tai-chinh/kinh-te-tai-chinh-quoc-te-tuan-tu-2631-3-2018-138603.html