Kinh tế suy giảm vì nCoV (Bài 1: Du lịch 'ngấm đòn')

Nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, du lịch dịch vụ giảm sút, nhiều hoạt động kinh tế, đầu tư hoãn hủy… đó là những phác thảo đầu tiên về bức tranh kinh tế đang diễn ra do hệ lụy từ đại dịch nCov. Làm gì để ứng phó với suy giảm kinh tế và liệu rằng đại dịch lần này sẽ là cơ hội để tái cơ cấu, chuyển hướng một số ngành kinh tế?

Nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, du lịch dịch vụ giảm sút, nhiều hoạt động kinh tế, đầu tư hoãn hủy… đó là những phác thảo đầu tiên về bức tranh kinh tế đang diễn ra do hệ lụy từ đại dịch nCov. Làm gì để ứng phó với suy giảm kinh tế và liệu rằng đại dịch lần này sẽ là cơ hội để tái cơ cấu, chuyển hướng một số ngành kinh tế?

Khách tham quan Hội An đã giảm sâu vì dịch nCoV.

Khách tham quan Hội An đã giảm sâu vì dịch nCoV.

Du lịch tác động tới nhiều lĩnh vực kinh tế và cũng là ngành dễ bị tổn thương nhất khi đại dịch nCoV diễn ra. Thông tin ghi nhận tại Huế, Hội An, Đà Nẵng- những trung tâm du lịch lớn của miền Trung đã phản ánh rõ nét thực trạng này.

Vắng bóng du khách

Phó chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch nCoV song lượng khách đến phố cổ tháng qua vẫn giảm sâu kéo theo nhiều lĩnh vực dịch vụ ăn uống, thương mại bị tác động. Nhiều điểm du lịch tâm linh như chùa Ông, chùa Phúc Kiến… đều vắng khách tham quan. Tình trạng cũng diễn ra tương tự tại các điểm tham quan nổi tiếng của Đà Nẵng như danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng hay Đại Nội, lăng Minh Mạng, Tự Đức… ở Thừa Thiên- Huế. Ông Lê Công Sơn- Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, khách tới các điểm tham quan thuộc quần thể di tích này trong tháng qua giảm đến 43.000 lượt so với Tết năm ngoái. Trong khi đó, ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh TT-Huế cho hay, lượng khách quốc tế đến địa phương này từ cuối tháng 1 đến nay giảm mạnh, hôm sau giảm 30% so với hôm trước.

Nhiều hãng lữ hành, khách sạn, cảng biển đón tàu du lịch ở Huế, Đà Nẵng cũng đang đứng ngồi không yên vì khách liên tục hủy tour. Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc cảng Chân Mây cho biết, trước mắt đã có 2 tàu du lịch biển thông báo hủy chuyến, đó là tàu Costa Neoromantica (theo lịch trình sẽ cập Cảng Chân Mây vào ngày 8-2, chở 1,7 ngàn khách, 650 thủy thủ đoàn và tàu Silver Muse chở hơn 1.000 hành khách cập cảng vào 23-4. Ông Toàn nói, các tàu biển này sau khi cập cảng Chân Mây khách sẽ tới Đà Nẵng, Huế, Hội An tham quan, lưu trú, do vậy khi hủy, không chỉ cảng ảnh hưởng mà các ngành khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan cũng bị thiệt hại. Ông Toàn lo lắng, với tình trạng nCoV như hiện nay, thời gian tới có thể nhiều tàu du lịch sẽ hủy chuyến.

Hiện nay Huế đã yêu cầu tất cả các hãng lữ hành không tổ chức tour đến vùng có nguy cơ cao lây nhiễm nCoV. Hầu hết các tour đến Huế cũng đã hủy, ít nhất đến cuối tháng 3. Đại diện Vietravel Huế cho biết toàn bộ tour đến Trung Quốc đã bị hủy cho đến khi tình hình dịch bệnh được công bố an toàn, trong khi đó hãng lữ hành Đường mòn Huế đã bị hủy 100% tour. Không chỉ thiệt hại về tour Trung Quốc, ngay cả các tour đi nước ngoài hoặc đi trong nước cũng bị hủy trên 50%. Quyền giám đốc Sở Du lịch TT Huế, ông Lê Hữu Minh cho biết, chỉ trong nửa tháng qua, số lượng phòng lưu trú bị hủy trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại gần 15 tỷ đồng, nổi bật như Century Riverside Huế thiệt hại khoảng 395 triệu đồng, Sài Gòn Morin Huế hơn 880 triệu đồng, Midtown Huế trên 850 triệu đồng, Laguna Lăng Cô gần 1,4 tỷ đồng.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Vitour Đà Nẵng cho biết, dù đơn vị không khai thác khách từ thị trường Trung Quốc nhưng cũng bị ảnh hưởng hủy tour do dịch bệnh tới 50%. Lý do vì tâm lý khách nói chung ngại du lịch, tập trung chỗ đông người khi có dịch bệnh. Còn ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Điều hành Furama Resort Đà Nẵng cho biết, những cuộc họp có phái đoàn Trung Quốc tham gia đều tạm hủy, dẫn đến khách Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc) dừng hoàn toàn. Với 198 phòng và chuỗi villa đã đưa vào vận hành 100 căn, Furama Resort Đà Nẵng dự kiến đạt tỷ lệ lấp đầy gần 75% trong thời điểm sau Tết Canh Tý, tuy nhiên hiện tại chỉ đạt 50%.

Khách tới quần thể di tích cố đô Huế đã giảm 43 ngàn lượt người so với dịp Tết năm trước.

Tăng sức đề kháng cho du lịch

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, "cú sốc" Corona đã khiến ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề, phải cần một thời gian dài, những giải pháp mạnh mẽ mới có thể phục hồi được. "Nhiều anh chị em, bạn bè làm lữ hành, khách sạn, nhà hàng gọi điện tâm sự "chị ơi, em chẳng có lương". Đã qua nhiều lần bị tác động nhưng đây là sự cố gây ra quá nhiều thiệt hại cho ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch", bà Hạnh cho hay.

Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chương trình kích cầu du lịch với nhiều hình thức cần sự chuẩn bị rất lâu nhưng có thể sẽ phải triển khai sớm hơn để làm ấm lại thị trường khi có tín hiệu an toàn. Ngoài việc kích cầu bằng cách giảm giá, Đà Nẵng sẽ chú trọng phát triển sản phẩm mới, dịch vụ tăng thêm để khách trải nghiệm. Không chỉ là các đơn vị lữ hành, khách sạn, các điểm đến, chiến dịch này sẽ có sự tham gia của các cơ sở dịch vụ phục vu du lịch nằm ngoài quản lý nhà nước của Sở. "Thậm chí ngành du lịch sẽ có chương trình Black Friday, kiểu sự kiện mà trước đây chỉ có ngành thương mại mới làm", bà Hạnh tiết lộ.

Song song với việc đa dạng hóa sản phẩm, chiến lược đa dạng hóa thị trường mà Đà Nẵng đã xúc tiến lâu nay đã bắt đầu mang lại kết quả. Theo bà Hạnh, nếu như trước đây khách đến từ thị trường Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn thì hiện nay chỉ còn chiếm khoảng 20%, thay vào đó đã có thêm nhiều thị trường mới. Sự dịch chuyển này không thể tiến hành trong một vài năm mà cần rất nhiều thời gian, vì nó còn phụ thuộc vào đường bay, sự tương tác trực tiếp trong quá trình xúc tiến. Đáng tiếc là ngay khi "quả ngọt" từ những thị trường mới đang tới thì dịch Corona đã làm dòng chảy khách du lịch bị nghẽn lại. "Tuy nhiên các đường bay mới tới Nga và Ấn Độ sẽ đi vào hoạt động vào tháng 4 tới đây chắc chắn sẽ là cú hích để kết nối du lịch hai chiều. Đây cũng là những thị trường tiềm năng mà Đà Nẵng đã dày công xúc tiến rất nhiều năm. Tiếp cận, khai thác thị trường mới là tất yếu để tránh lệ thuộc, bị ảnh hưởng khi xảy ra các cú sốc tác động mạnh lên ngành du lịch".

Bà Hạnh phân tích, giai đoạn khó khăn này cũng là thước đo sức đề kháng của ngành du lịch. Tránh lệ thuộc vào một thị trường không có nghĩa là tẩy chay bằng thái độ tiêu cực vì điều này có thể mang đến những hệ lụy rất lớn. Sở chắc chắn sẽ tham mưu thành phố, thực hiện những giải pháp phù hợp, nhưng cùng với đó, phải có sự hợp tác tích cực, xử sự hài hòa của cộng đồng doanh nghiệp.

(còn nữa)

NHÓM PV

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_220051_kinh-te-suy-giam-vi-ncov-bai-1-du-lich-ngam-don.aspx