Kinh tế số là cơ hội để Việt Nam định vị lại trong kinh tế toàn cầu

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: 'Thương mại điện tử đang là một trong những cứu cánh của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Kinh tế số sẽ là cơ hội để Việt Nam định vị lại mình, thay đổi mình trong nền kinh tế toàn cầu'.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) diễn ra sáng nay, 28/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá, xuất nhập khẩu nửa đầu năm nay chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19.

Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%...

Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.

"Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, chuyển đổi số là một khái niệm bao trùm hơn nhưng rất gần gũi với khái niệm khá phổ biến hay nhắc tới là thương mại điện tử. Thương mại điện tử và ở cấp độ cao hơn là số hóa các hoạt động xuất nhập khẩu là cuộc cách mạng vĩ đại trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới, trong các thế kỷ trước đây, khi chưa có nền tảng thương mại điện tử, hoạt động xuất nhập khẩu của thế giới là lãnh địa riêng của các doanh nghiệp lớn. Chỉ những doanh nghiệp lớn, mới có điều kiện tiếp thị và tổ chức kinh doanh xuyên biên giới và thống lĩnh nền thương mại toàn cầu.

Chỉ từ khi phát minh ra internet và các nền tảng thương mại điện tử ra đời, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới có được cơ hội chắp cánh để vươn ra thị trường thế giới và đang trở thành chủ nhân bình đẳng với doanh nghiệp lớn trong nền thương mại toàn cầu.

"Một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk bằng một cú nhấn chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York, hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris. Thời thương mại điện tử, "bà đồng nát" cũng có thể lên internet để bán hàng", ông Vũ Tiến Lộc ví von.

Do tầm quan trọng của kinh tế số, thương mại điện tử, nên Hiệp định EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA thế hệ mới đều có một chương riêng quy định về vấn đề này với nội dung là bảo đảm tạo thuận lợi và bảo vệ các hoạt động thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ thông tin cá nhân, tôn trọng quyền tự do của các chủ thể thương mại điện tử.

"Trong lĩnh vực hẹp xuất nhập khẩu, đối với doanh nghiệp thì tích hợp công nghệ số trong toàn bộ quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là bắt buộc. Đối với các bộ, ngành, việc phối hợp vận hành nền tảng số giữa các cơ quan trong cả mạng lưới dịch vụ số bảo đảm cho xuất nhập khẩu như hải quan, thuế, logistics, ngân hàng... là vấn đề quan trọng sống còn", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ông Vũ Tiến Lộc phân tích, tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” chính là rào cản lớn nhất cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Ở thời điểm này, vẫn còn không ít doanh nghiệp rất thờ ơ với kỹ thuật số và coi chuyển đổi số chỉ là phương tiện để "show" diễn hay là chi phí phải gánh chịu chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Doanh nghiệp cần phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Nhấn mạnh chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chỉ phụ thuộc vào yếu tố công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu là quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia, ông Lộc cho rằng, muốn thực hiện thương mại điện tử, muốn chuyển đổi số thì trách nhiệm của Chính phủ là phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số...

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/kinh-te-so-la-co-hoi-de-viet-nam-dinh-vi-lai-trong-kinh-te-toan-cau-130771.html