Kinh tế số: Doanh nghiệp Việt cần thích nghi để cạnh tranh

Muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kinh tế số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và hệ thống quản trị. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo 'Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo', do Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 26/10, tại Hà Nội.

Kinh tế số doanh nghiệp Việt cần thích nghi để cạnh tranh

Doanh nghiệp công nghiệp Việt chưa sẵn sàng

PGS.TS Lê Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh – cho hay: Việc đưa công nghiệp 4.0 vào nền kinh tế và đời sống nhân dân sẽ tạo ra bước phát triển mới, là cơ hội để một nước phát triển kém hơn có thể nhảy vọt. Nếu không nắm lấy, doanh nghiệp Việt nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ không còn con đường nào khác để đi lên.

Cũng theo ông Nam, muốn tồn tại và phát triển trong thời kinh tế số, doanh nghiệp (DN) phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và hệ thống quản trị. Đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, kết nối các ngành kinh tế, hình thành chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, việc này là không dễ khi DN phải đối diện với một loạt các thách thức trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Ông Nguyễn Bá Quỳnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hitachi Consulting Việt Nam – cho hay, việc thiếu kỹ năng và nguồn lực, văn hóa bảo thủ và khép kín, thiếu kỹ năng phân tích nâng cao để phát triển tư duy hành động và thiếu năng lực lãnh đạo trong việc điều hành chuyển đổi số là những rào cản đối với các DN hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - dẫn số liệu khảo sát của Bộ Công Thương năm 2018, cho biết các DN công nghiệp gần như chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng. Cụ thể, chỉ 18% DN sẵn sàng, 21% DN bắt đầu có sự chuẩn bị ban đầu và 61% DN đứng ngoài cuộc. Khối thương mại dịch vụ có sự chuẩn bị sẵn sàng cao hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, trên bình diện tổng thể, chủ trương của Chính phủ rất quyết liệt trong phát triển kinh tế số. Về lợi ích đối với các DN trong công tác chuyển đổi số này thì bản thân các DN đều có thể nắm và hiểu được như: tăng tỷ xuất lợi nhuận, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm dịch vụ mới và cũ. Tuy nhiên, tại sao việc ứng dụng còn thấp như vậy ?. Nguyên nhân là do, tầm nhìn chiến lược, rào cản trong văn hóa DN, sự thiếu hụt nguồn nhân lực.

Hạ tầng hỗ trợ công nghệ số tại Việt Nam hiện vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Lãnh đạo đóng vai trò dẫn dắt

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - nhận định, trong thời buổi hội nhập hiện nay với xu hướng “số hóa’ mọi lĩnh vực, các DN không thể ngồi yên mà cần phải hòa mình vào dòng chảy đó và bứt phá. Nếu như trước đây nền kinh tế dựa vào công ty, DN là chủ yếu thì nay, vẫn trên nền tảng đó, nền kinh tế dựa trên nền tảng đại chúng, cá nhân. Mỗi cá nhân đều có thể là một lập trình viên trong nền kinh tế hiện đại ngày nay.

TS. Võ Trí Thành nêu rõ: không có trí tuệ nào bằng trí tuệ con người, nhưng trí tuệ con người khi có sự kết nối của máy tính thì còn phát triển mạnh mẽ hơn nhiều lần. Do đó, một nền kinh tế khi có sự hỗ trợ của kinh tế số sẽ thực sự phát triển mạnh mẽ, các DN cần phải tận dụng cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để có thể bứt phá, không để bị động, nếu không sẽ tự đào thải mình ra khỏi nền kinh tế hiện đại.

Theo ông Nguyễn Bá Quỳnh, thế giới mất 70 năm mới có được chiếc điện thoại cố định nhưng chỉ mất 4 năm để cho ra đời Ipods. Xu hướng toàn cầu đang phá vỡ thị trường một cách vô hình không nhận ra. Theo khảo sát của Forrester, chỉ 26% lão đạo (CEO) đặt tầm nhìn rõ ràng về kỹ thuật số cho DN của họ. Trong khi đó, nhân viên công ty có sự thay đổi và nhìn nhận vấn đề này nhanh hơn các CEO. Tuy nhiên, ông Quỳnh khẳng định, các CEO vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhận định: Bản chất của chuyển đổi số trong DN chính là việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của DN như sản xuất kinh doanh, kho vận, chăm sóc khách hàng và marketing. Tác nhân tác động đến nền kinh tế số ở Việt Nam gồm: DN, cá nhân, người làm chính sách, nhà sáng tạo. Do vậy, để phát triển của công cuộc chuyển đổi số cần sự tham gia đồng bộ của 4 tác nhân này.

Trong đó, vấn đề quan trọng vẫn là tư duy cũng như tầm nhìn của đội ngũ CEO. Và tư duy của các CEO trong công cuộc chuyển đổi số này vẫn là tái khởi nghiệp. Vì bản chất nó là việc chuyển đổi toàn bộ quy trình vận hành của DN từ quy trình cũ sang quy trình số. Đồng bộ với việc này là công cuộc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm tại Microsoft châu Á – Thái Bình Dương: Làn sóng công nghiệp 4.0 mang lại cho Việt Nam cơ hội to lớn bởi người Việt rất sáng tạo về mô hình kinh doanh. Trước những cơ hội và thách thức mới từ cuộc CMCN 4.0, việc kết nối, hợp tác sâu giữa các DN sẽ là chìa khóa mở ra sự phát triển mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương):

Thế giới ngày càng phẳng hơn. Năm 2025, sẽ có khoảng 75,44 tỷ thiết bị IoT được kết nối. Các DN hiện tập trung đầu tư vào công nghệ số để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-so-doanh-nghiep-viet-can-thich-nghi-de-canh-tranh-110838.html