Kinh tế số - cuộc chơi rất lớn

Đến giờ các nhà nghiên cứu kinh tế vẫn chưa đưa ra được một khái niệm đồng thuận cao về kinh tế số (Digital economy).

Trong hơn 20 định nghĩa đang tồn tại, khái niệm “kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số” của nhóm chuyên gia kinh tế số Oxford đang chiếm ưu thế. Theo đó, kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng…) mà công nghệ số được áp dụng.
Chuyển đổi số phận
Kinh tế số đã trở thành một thành phần kinh tế đóng góp một tỷ trọng đáng kể với xu thế ngày càng tăng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân các quốc gia. Đồng thời, kinh tế số cũng làm phát sinh không ít các thách thức đáng quan tâm về mô hình phát triển kinh tế số và đo lường kinh tế số.

 Công nghệ thông tin, kinh tế số là xu hướng phát triển hiện nay. Ảnh: Công Hùng

Công nghệ thông tin, kinh tế số là xu hướng phát triển hiện nay. Ảnh: Công Hùng

Tìm ra các mô hình (khái niệm, phát triển, đo lường), kinh tế số đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế như tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới, ngân hàng thế giới. Mặc dù khái niệm kinh tế số đã phát triển, nhưng các nghiên cứu định lượng đo lường ngành kinh tế số, các ngành kinh tế số hóa, hay đóng góp của các ngành kinh tế số và ngành kinh tế số hóa trong GDP của quốc gia vẫn chưa theo kịp.
Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hàng ngày những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống như các trang thương mại điện tử, App gọi taxi... Nhưng ở tầm vĩ mô, kinh tế số đang có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các DN Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Thậm chí có những CEO Việt Nam đã cho rằng chuyển đổi số thành công sẽ tạo tiền đề cho DN “chuyển đổi số phận”.
Chúng ta đừng nghĩ nó đơn giản đó là nâng cấp hệ thống IT nội bộ, làm ra thêm mấy cái “App”, thậm chí “kéo đám mây từ chỗ khác về chỗ này”. Chuyển đổi số đang tạo tiền đề cho một hình thái kinh tế tư bản mới, trong đó thông tin được xem như là tư liệu sản xuất (giống như đất đai, tài nguyên thiên nhiên)... trong nền kinh tế tư bản kinh điển.
Khác với một số thuật ngữ kinh tế sáo rỗng mà chúng ta hay bắt gặp, chuyển đổi số mà cụ thể ở đây là kinh tế số là một điều hiện hữu, phát triển theo quy luật khách quan. Với các quốc gia khác nhau, nó sẽ tiến hành với các mức độ, tốc độ khác nhau nhưng chắc chắn một điều không một nước nào có thể né tránh được cuộc cách mạng này.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Nếu cách đây hơn nửa thế kỷ, ngân hàng không loại bỏ sổ cái thủ công và chuyển sang xử lý các dữ liệu trên máy tính thì liệu họ có thể tạo ra hàng chục sản phẩm tài chính như hiện nay không? Tôi tin chắc là không”. Một trong những điều khiến cho đường sắt Việt Nam không thể cạnh tranh được với hàng không, ngoài vấn đề giá thì việc chậm đổi từ vé giấy sang vé điện tử và cho phép những đại lý du lịch và Expedia bán vé trực tiếp mà không cần gọi điện cho các hãng hàng không cũng là một nguyên nhân.
Cách đây 25 năm, tại nhà máy Xi măng Nghi Sơn (giai đoạn 2), 6 chuyên gia người Nhật đã ngày đêm tận tình cầm tay chỉ việc, chuyển giao công nghệ số cho khoảng 300 kỹ sư người Việt quy trình vận hành, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm. Nhà máy Xi măng Nghi Sơn với 2 dây chuyền công suất 4,3 triệu tấn/năm hầu như đều được vận hành tự động.
Ba thành phần chính trong nền kinh tế số
Ba thành phần chính trong nền kinh tế số bao gồm: DN số, hạ tầng kinh doanh số và thương mại điện tử. Trong đó, các DN số phải có một có 4 đặc trưng cơ bản sau:
Một là, giá trị gia tăng được tạo ra nhờ công nghệ kỹ thuật số, điển hình: Grab, Uber.
Hai là, mô kình kinh doanh được đặc trưng bởi sự đổi mới nhờ việc áp dụng công nghệ số.
Ba là, DN cung cấp các sản phẩm, dịch vụ dùng công nghệ, kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu thị trường theo những phương thức mới, sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để tiếp cận đối tượng tiềm năng, bán hàng và giao hàng được tự động hóa.
Bốn là, tạo ra một số giá trị độc đáo và đáp ứng nhu cầu khách khàng khiến cho khách hàng tự động trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số hoặc các SP - DV sử dụng kỹ thuật số.
Nếu chỉ áp dụng các dịch vụ hoặc ứng dụng kỹ thuật số trong kinh doanh như: Ứng dụng trong quản trị, giám sát, bán hàng… thì chưa được gọi là DN số. Ví dụ như đối với các ngân hàng, việc khách hàng điền vào mẫu đơn xin thẻ tín dụng trực tuyến sẽ giảm hiệu quả của quy trình đăng ký giấy nhưng nó không mang lại trải nghiệm mới hay khác biệt nên không được tính là kinh doanh kỹ thuật số.
Nói đến hạ tầng kinh tế số là nói đến hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối. Muốn kinh tế số phát triển thì phải phát triển đồng bộ tất cả các lĩnh vực trên, ở đây phải có sự kết hợp đồng bộ nguồn lực quốc gia lẫn DN. Khi đó, hạ tầng viễn thông sẽ được chuyển thành hạ tầng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển dịch ngành viễn thông từ thoại sang data thông qua giảm cước kết nối thoại; phổ cập smartphone, quy hoạch tần số 5G, tuyên bố lộ trình tắt sóng 2G, 3G, thử nghiệm mobile money; xử lý tình trạng ăn cắp data, các vấn nạn rác viễn thông...
Kinh nghiệm của ngành ngân hàng cho thấy nếu chỉ chuyển sang kinh tế số tại một số khâu như quản lý, tài chính hay quy trình tín dụng thì số vốn bỏ ra không nhiều, có thể chỉ vài chục nghìn USD. Nhưng nếu toàn bộ sự vận hành của một DN được chuyển sang mô hình kinh tế số với rất nhiều những lĩnh vực hoạt động trước kia làm bằng tay, thì chi phí có thể lên đến hàng triệu USD.
Trong bối cảnh các DN đang vật lộn với những tác động của đại dịch Covid -19 nguồn vốn tự có và vốn vay đã không đủ để trang trải chi phí thì việc đầu tư vào quá trình chuyển sang nền kinh tế số là điều không dễ chút nào. Nếu không có một chiến lược hợp lý và một giải pháp tài chính để hỗ trợ các DN thì quá trình chuyển đổi số cho các DN nhỏ và vừa sẽ bị gặp rất nhiều khó khăn và thậm chí phải lùi lại.
Trong nền kinh tế số thì thương mại điện tử là một phần không thể thiếu. Tổ chức WTO định nghĩa: “Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hoặc giao hàng hóa và dịch vụ bằng phương tiện điện tử”. Trong khi đó Việt Nam thì cho rằng: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.
Có 4 mô hình thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay, đó là: B2C (DN tới người tiêu dùng), B2B (DN với DN), C2C (người tiêu dùng với người tiêu dùng), C2B (người tiêu dùng đến DN). Năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng hơn 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người. Thương mại điện tử định vị và thương mại điện tử trên nền tảng di động tiếp tục sẽ là xu thế chủ đạo của thế giới.
Hiểu biết một cách đúng đắn và toàn diện cả về lợi ích cũng như về thách thức đối với kinh tế số là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển kinh tế số theo con đường tối ưu có thể được.

Nếu như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… đã lặng lẽ triển khai chuyển đổi số cách đây khoảng 30 năm thì ngày 4/12/2020, Tổng thống Putin ký sắc lệnh giao cho Chính phủ Nga tiến hành 10 năm khẩn trương chuyển đổi số ở khắp nước Nga, sao cho nó tác động trực tiếp tới từng con người. Một vài cá nhân xuất chúng, các quốc gia phát triển hơn đã thấy trước điều này từ lâu, và họ đã đi trước, kịp đúc rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để chuyển sang giai đoạn mới. Lời cảnh tỉnh chung cho các quốc gia, các tập đoàn đi sau: “Nếu chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số chỉ bằng những “cú nổ truyền thông lớn” bạn sẽ phải đối diện với một thất bại lớn!”.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Toàn, Agribank Nghệ An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-huong-kinh-te-so-cuoc-choi-rat-lon-422355.html