Kinh tế số có thể giúp thu nhập đầu người Việt Nam tăng cao

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ứng dụng công nghệ 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD năm 2030. Bên cạnh đó, công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp

Tại buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, tăng trưởng nhanh và thay đổi cơ cấu trong những thập kỷ qua đã giúp Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, con đường đi lên từ vị thế thu nhập trung bình thấp đến vị thế thu nhập cao không được đảm bảo và cũng chẳng hề dễ dàng.

Cũng theo ông Thành, mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa và lao động giá rẻ không chắc sẽ có thể đưa Việt Nam tiến xa trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng thu nhập quốc gia.

Viện trưởng VEPR cũng cho biết, làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet vạn vật, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và logistics và giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Thành đã chỉ ra 4 kịch bản phát triển cho nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Theo đó, trong kịch bản tối ưu chuyển đổi số, mức tăng thêm GDP đạt 1,1%/năm, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cơ bản ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Cùng với đó, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tăng. Song, rủi ro là nguy cơ tấn công mạng trên toàn quốc cao hơn, bất bình đẳng giữa nông thôn - thành thị gia tăng; phát sinh các vấn đề liên quan tới những việc làm bị thay thế bởi tự động hóa.

Trong kịch bản truyền thống, mức độ chuyển đổi số của Việt Nam ở mức thấp và ngành công nghệ thông tin và truyền thông hoạt động nhỏ lẻ, GDP tăng thêm chỉ đạt mức 0,38%/năm. Nhưng rủi ro của kịch bản này là năng suất lao động thấp sẽ dẫn đến mất đi năng lực cạnh tranh về kinh tế, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói trong xã hội.

Trong khi đó, hai kịch bản còn lại là xuất khẩu số và tiêu dùng số có tăng trưởng GDP thêm ở mức tương ứng là 0,45% và 0,63%. Tuy nhiên, cả hai kịch bản này đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Kinh tế số có thể giúp thu nhập đầu người tăng thêm 640 USD

Theo Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 của VEPR, Việt Nam đã mở cửa thương mại và đầu tư, trở thành điểm quan trọng trong thương mại toàn cầu. Việt Nam nổi nên như công xưởng Châu Á, chuyên môn hóa ở khâu lắp rắp với sự dẫn dắt của các công ty nước ngoài. Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến chiếm 42% và 40% giá trị xuất khẩu năm 2017; so với 11% và 41% năm 2006.

Bước nhảy vọt này là kết quả của chiến lược hướng vào ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, máy tính, đồ điện tử,...với sự xuất hiện của các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, LG, Electronics, IBM, Nokia, và Intel... Tuy nhiên, các tập đoàn này chủ yếu nhập sản phẩm trung gian từ các chi nhánh nước ngoài, dẫn tới sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị lệch về liên kết phía sau (liên kết ngược). Ngoài điện tử, Việt Nam cũng tham gia tích trong các ngành thực phẩm, đồ uống, dệt may và giầy dép...

Cũng theo VEPR, ứng dụng các công nghệ của giai đoạn 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD năm 2030, giúp thu nhập đầu người tăng thêm từ 315 đến 640 USD.

Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, báo cáo ILO (2016) chỉ ra 17% trong tổng số 54 triệu người trong độ tuổi lao động tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến, dù hiện tại 2 ngành này đều mạnh nhưng trong trung và dài hạn, công nghệ mới và tự động hóa sẽ làm thay đổi đáng kể điều này.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201906/kinh-te-so-co-the-giup-thu-nhap-dau-nguoi-viet-nam-tang-cao-634537/