Kinh tế số có thể giúp thu nhập đầu người tăng thêm 640 USD

Sáng 29/5, tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng cho biết, ứng dụng công nghệ 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam tăng từ 28,5 tỷ USD lên 62,1 tỷ USD năm 2030.

Ông Thành nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp thu nhập đầu người tăng thêm từ 315 đến 640 USD. Bên cạnh đó, công nghiệp 4.0 sẽ định vị lại vai trò của các quốc gia tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Thành chỉ ra 4 kịch bản phát triển cho nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Trong kịch bản tối ưu chuyển đổi số, mức tăng thêm GDP đạt 1,1%/năm, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cơ bản ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Cùng với đó, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tăng. Song, rủi ro là nguy cơ tấn công mạng trên toàn quốc cao hơn, bất bình đẳng giữa nông thôn - thành thị gia tăng; phát sinh các vấn đề liên quan tới những việc làm bị thay thế bởi tự động hóa.

Trong kịch bản truyền thống, mức độ chuyển đổi số của Việt Nam ở mức thấp và ngành công nghệ thông tin và truyền thông hoạt động nhỏ lẻ, GDP tăng thêm chỉ đạt mức 0,38%/năm. Nhưng rủi ro của kịch bản này là năng suất lao động thấp sẽ dẫn đến mất đi năng lực cạnh tranh về kinh tế, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói trong xã hội.

Hai kịch bản còn lại là xuất khẩu số và tiêu dùng số có tăng trưởng GDP thêm ở mức tương ứng là 0,45% và 0,63%. Tuy nhiên, cả hai kịch bản này đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Vì vậy ông Thành cho rằng, vấn đề là các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng các kịch bản đó như thế nào để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam với mức độ rủi ro chấp nhận được.

Thu nhập đầu người có thể tăng lên nhờ kinh tế số

Thu nhập đầu người có thể tăng lên nhờ kinh tế số

Nói về nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai, ông Phạm Hùng Tiến, đại diện Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, cho biết, xu hướng số hóa và quá trình chuyển đổi số đang dần xuất hiện trên mọi lĩnh vực, từ thương mại, tài chính - ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch, logistics và chế biến chế tạo. Việt Nam hiện có nền tảng thể chế và công nghệ ở trình độ tương đối khá, đủ để có thể chủ động thích ứng để duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia.

“Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho tương lai của các nền kinh tế năm 2018 tại Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam xếp hạng 48/100 về cấu trúc các ngành sản xuất; xếp hạng 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Báo cáo của Liên Hợp Quốc về chỉ số Chính phủ điện tử 2018 cho thấy, Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 88/193 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Với xếp hạng như vậy, Việt Nam đang xếp ở nhóm “sơ khởi” nhưng lại gần nhóm “tiềm năng”, cho thấy hệ sinh thái để ứng dụng và phát triển công nghiệp 4.0 của Việt Nam chưa phát triển, nhưng những trụ cột chính đều đã được tạo lập khá đầy đủ”, ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, những năm tới, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kinh tế. Chính phủ Việt Nam đang giữ vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế số thông qua một loại các cơ chế chính sách.

“Hiện Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về mặt an ninh mạng. Tuy vậy, đó là một yếu tố chưa hoàn chỉnh, để nhận định chính xác là một việc khó khăn. Vấn đề đặt ra cho vai trò của nhà nước trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế số, đó là có nên thắt chặt các quy định quản lý nhà nước về việc bảo hộ thị trường nhằm tạo không gian thuận lợi cho tiêu dùng và phát triển sản phẩm công nghệ số trong nước hay không?”, ông Tiến nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra rằng, về trung và dài hạn, công nghiệp 4.0 với công nghệ làm đòn bẩy giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy “trung nguồn”, chiếm dần các khâu ở 2 phía thượng nguồn và hạ nguồn. Trong ngắn hạn, Việt Nam chưa thể thoát khỏi khâu trung nguồn.

“Do đó, giải pháp ứng dụng công nghệ tạo năng suất đột phá, giúp Việt Nam “nhấc” đường cong nụ cười lên phía trên, nghĩa là tham gia ở khâu cũ nhưng năng suất mới tạo ra giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Ngoài ra, chuỗi giá trị bị bẻ sâu xuống, nghĩa là khoảng cách giá trị gia tăng giữa các khâu sẽ khác biệt nhiều hơn trước”, ông Thành nhấn mạnh.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-te-so-co-the-giup-thu-nhap-dau-nguoi-tang-them-640-usd-538087.html