Kinh tế Philippines giảm mạnh hơn dự kiến

Do tác động của dịch COVID-19, trong quý đầu tiên của năm 2021, nền kinh tế Philippines đã suy giảm mạnh hơn ước tính của giới chuyên gia. Điều này sẽ buộc ngân hàng trung ương nước này cân nhắc tiếp tục duy trì lãi suất thấp kỷ lục trong cuộc họp chính sách vào ngày 12/5 tới.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu được cơ quan thống kê Philippines công bố ngày 11/5, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I vừa qua đã giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh nước này áp đặt lệnh phong tỏa tại một số khu vực nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Philippines trong quý này sụt giảm 3%. Trong số các ngành kinh tế chủ lực, nông nghiệp giảm 1,2%, trong khi ngành dịch vụ và công nghiệp giảm lần lượt 4,4% và 4,7%. Chi tiêu hộ gia đình cũng giảm 4,8%, trong khi chi tiêu chính phủ tăng vọt 16,1%.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế vẫn được đánh giá từng bước được cải thiện, tăng 0,3% so với quý IV/2020 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa. Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Kari Chua nhận định vị thế kinh tế vững chắc của Philippines trước thời điểm đại dịch ập đến và sự cải thiện trong các số liệu kinh tế trong những tháng gần đây cho thấy nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này đang trên đà phục hồi.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định với số liệu mới nhất trên, nhiều khả năng trong cuộc họp chính sách sắp tới, Ngân hàng Trung ương Philippines sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 2,0% trong những tháng còn lại của năm 2021, bất chấp lạm pháp đã đạt mức mục tiêu 2%-4%.

* Trong tài khóa 2020 kết thúc vào tháng 3 vừa qua, chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản đã giảm 4,9% so với tài khóa 2019. Đây là mức giảm lớn thứ hai trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan khiến nước này phải áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong báo cáo được công bố ngày 11/5, Bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết số tiền chi tiêu trung bình hằng tháng của hộ gia đình có từ hai nhân khẩu trở lên tại nước này trong năm ngoái là 276.167 yên, giảm 4,9% so với năm 2019 và là năm giảm thứ hai liên tiếp kể từ khi cơ quan chức năng triển khai công tác điều tra, thống kê từ năm 2001. Trong tài khóa 2014, chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 5,1% khi tiêu dùng cá nhân bị ảnh hưởng do việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%.

Riêng tháng 3 vừa qua, chi tiêu trung bình của các hộ gia đình có từ hai người trở lên đã tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng hằng tháng lớn thứ ba kể từ khi các số liệu so sánh được thu thập hồi tháng 1/2001. Tuy nhiên, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 5 vừa qua đã lao dốc 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái và mức giảm mạnh nhất theo tháng.

MIC cho biết nguyên nhân khiến chi tiêu dùng hộ gia đình tại Nhật Bản giảm là do tác động của dịch COVID-19 khiến chính phủ và các địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu đóng cửa và rút ngắn thời gian kinh doanh, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế đi lại khi không thực sự cần thiết khiến nhu cầu ăn uống và du lịch sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, MIC cũng ghi nhận xu hướng mua tích trữ các mặt hàng tiêu dùng tại nhà và gia tăng các khoản phí dịch vụ như tiền điện, nước, ga khi người dân hạn chế đi ra ngoài.

Đánh giá về xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới, MIC cho rằng tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực tiêu dùng và các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao.

Đức Thịnh - Nguyễn Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kinh-te-philippines-giam-manh-hon-du-kien-20210511145338514.htm