Kinh tế những tháng cuối năm-nhiều cơ hội tăng tốc

Tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81%, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hương, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế tại Việt Nam, đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Cùng với đó, 6 tháng cuối năm nền kinh tế có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ tăng trưởng như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Nhiều ngành, lĩnh vực lấy lại đà tăng trưởng

 Bà Nguyễn Thị Hương.

Bà Nguyễn Thị Hương.

Phóng viên (PV): Thưa bà, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm có gì đáng lưu ý?

Bà Nguyễn Thị Hương: Kinh tế-xã hội (KT-XH) nước ta 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, khiến tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Bên cạnh đó, hạn hán, mặn xâm nhập diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng, tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực kinh tế toàn cầu, khiến nhiều nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương là thắng lợi lớn của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường. Sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cho nên đạt mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ 10 năm qua. Tuy nhiên, do dịch sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang từng bước hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5. Đáng lưu ý, sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động KT-XH đang dần được khôi phục. Số DN thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc với hơn 13.700 DN, tăng 27,9% so tháng trước. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành chế biến, chế tạo cũng cho thấy các DN kỳ vọng tình hình SXKD của quý III sẽ khả quan hơn.

PV: Theo bà, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay có đạt được hay không?

Bà Nguyễn Thị Hương: Để năm 2020 đạt được tăng trưởng 6,8% thì 6 tháng cuối năm nền kinh tế phải đạt mức tăng trưởng khoảng 10,4%. Trong bối cảnh hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho cả năm là vô cùng khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp thực sự đột phá đối với nền kinh tế. Mặc dù đến nay dịch cơ bản được khống chế ở Việt Nam, nhiều ngành, lĩnh vực đang theo xu hướng dần hồi phục nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới, qua đó sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Cũng phải nói thêm rằng, các tổ chức quốc tế dự báo, trong bối cảnh dịch Covid-19 khó nhận định được thời điểm kết thúc trên phạm vi toàn cầu, thì năm 2020, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia sẽ có mức tăng trưởng dương, đạt ở mức từ 2,7% tới 4,2%.

Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Go Fresh Việt Nam (Hà Nam). Ảnh: ĐỨC QUANG

GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm nếu giải ngân 100% vốn đầu tư công

PV: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực, điều này sẽ tạo cơ hội và tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Hương: Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những cơ hội cho nền kinh tế của Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đó là mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao. Đặc biệt, EVFTA sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách pháp luật, thể chế và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là nền tảng, tạo đà tăng trưởng bứt phá trong các tháng cuối năm và những năm tới.

Song, không chỉ có thuận lợi, EVFTA cũng mang lại không ít thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Đó là, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như: Thủy sản, nông sản, hàng dệt may… của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải tuân thủ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU (quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm…); cùng với đó, gia tăng áp lực cạnh tranh cho các DN sản xuất trong nước…Vì vậy, Chính phủ và cộng đồng DN cần có sự tích cực trong việc thực thi hiệp định này.

PV: Để thúc đẩy tăng trưởng các tháng cuối năm, Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung khơi thông các nguồn lực nào thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Để duy trì được đà tăng trưởng, trước mắt, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, có giải pháp ngăn ngừa làn sóng Covid-19 đợt hai có khả năng diễn ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương phải đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục, cải cách quy trình để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời; hỗ trợ cộng đồng DN mở rộng thị trường… Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020. Theo tính toán, nếu năm nay giải ngân được 100% vốn đầu tư công sẽ làm tăng GDP thêm 0,42 điểm phần trăm. Đồng thời, vốn đầu tư công sẽ chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn, góp phần kiểm soát lạm phát. Chính phủ và DN nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng được các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các hiệp định thương mại tự do.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-nhung-thang-cuoi-nam-nhieu-co-hoi-tang-toc-626682