Kinh tế Nhật Bản sẽ trôi về đâu? - Bài 1: Kinh tế Nhật Bản tròng trành trước sóng COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hàng loạt các biện pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi làn sóng lây nhiễm thứ nhất tạm lắng vào giữa tháng Năm.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong những ngày gần đây, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã bùng phát trở lại ở Nhật Bản.

Điều này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đã triển khai hàng loạt các biện pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi làn sóng lây nhiễm thứ nhất tạm lắng vào giữa tháng Năm.

Trước tình hình đó, một câu hỏi mà nhiều người đang quan tâm đó là: Thủ tướng Shinzo Abe sẽ làm gì để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới và nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ ra sao trong thời gian tới?

TTXVN xin giới thiệu tới độc giả chùm 3 bài viết về những khó khăn và trở ngại mà Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực vượt qua để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Bài 1: Kinh tế Nhật Bản tròng trành trước sóng COVID-19
Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Abe đã triển khai chính sách kinh tế mới với tên gọi Abenomics. Chính sách này đã mang lại cho Nhật Bản một thời kỳ tăng trưởng kéo dài tới 71 tháng liên tiếp.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, “con tàu kinh tế Nhật Bản” đã bắt đầu rung lắc do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Và khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/2020, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã lao dốc.
*Khi Abenomics hết “thiêng”
Được triển khai từ năm 2013, Abenomics gồm một tập hợp các cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Đến nay, Abenomics đã được triển khai qua 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bắt đầu từ cuối năm 2012 và kết thúc vào tháng 8/2015. Giai đoạn này gồm 3 “mũi tên” là chính sách tiền tệ mạnh dạn; chính sách tài chính cơ động; và xây dựng chiến lược tăng trưởng mới.
Giai đoạn 2 bắt đầu từ tháng 9/2015 đến nay. Ba mũi tên mới của giai đoạn này gồm: Phát triển kinh tế; Hỗ trợ chăm sóc trẻ em; và Đảm bảo an sinh xã hội. Các mục tiêu chính của giai đoạn này gồm: GDP đạt 600.000 tỷ yen vào năm 2020, nâng tỷ lệ sinh lên 1,8 (duy trì dân số mức 100 triệu người sau 50 năm), giảm tỷ lệ người lao động nghỉ việc vì chăm sóc người già xuống 0%...

Việc thực hiện Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và liên tục tăng trưởng trong 71 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua…
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2018 đến nay, đà tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Và đến tháng 10/2018, thời kỳ tăng trưởng dài thứ 2 của Nhật Bản trong thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã kết thúc.

Trong cuộc họp hôm 30/7, một nhóm các chuyên gia và nhà kinh tế của Văn phòng Nội các Nhật Bản đã chỉ ra rằng trong giai đoạn 2012-2018, nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng chủ yếu nhờ các chính sách tiền tệ siêu lỏng và các dự án đầu tư công quy mô lớn.
*Cú sốc mới mang tên COVID-19
Sau một thời kỳ tăng trưởng liên tục và kéo dài, kể từ cuối năm 2018 đến nay, “con tàu kinh tế Nhật Bản” đã bắt đầu rung lắc do các tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Con tàu này bắt đầu lao dốc sau khi Chính phủ Nhật Bản nâng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019. Trong quý cuối của năm 2019, GDP thực tế của nước này đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hơn 5 năm qua.
Tuy nhiên, giai đoạn tồi tệ nhất đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chỉ bắt đầu sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/2020. Nó không chỉ hạn chế dòng chảy thương mại giữa Nhật Bản và các nước mà còn gây gián đoạn các chuỗi cung ứng, tác động tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Điều này không khác gì một “cú đấm bồi”, khiến nền kinh tế Nhật Bản gục ngã. Hệ quả là trong quý 1/2020, GDP thực tế của Nhật Bản đã giảm 3,4%. Và nền kinh tế này đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.
Cùng với tốc độ tăng trưởng, các chỉ số kinh tế quan trọng khác đều rất tiêu cực. Trong tháng Tư, nước này đã rơi vào tình trạng giảm phát lần đầu tiên trong hơn 3 năm. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 2,6%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2017. Kim ngạch xuất khẩu giảm 21,9%, mạnh nhất trong hơn 10 năm qua và là tháng thứ 17 liên tiếp giảm, và thâm hụt thương mại tăng tới 930,4 tỷ yen (8,6 tỷ USD) – điều rất ít khi xảy ra với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Nhật Bản.
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh, thành vào ngày 7/4 và mở rộng phạm vi áp dụng ra toàn quốc vào ngày 16/4. Mặc dù biện pháp này giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng nó cũng khiến hoạt động sản xuất-kinh doanh đình trệ, đồng thời khiến chi tiêu dùng của các hộ gia đình và chi đầu tư của khối doanh nghiệp giảm mạnh.

Các số liệu thống kê cho thấy chỉ trong các tháng 4 và 5/2020, chi tiêu dùng của các hộ gia đình đã giảm kỷ lục tương ứng 11,1% và 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong Báo cáo Thương mại và Đầu tư Toàn cầu năm 2020 công bố hôm 30/7, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này, vốn đã suy giảm kể từ cuối năm 2018, đang tiếp tục giảm mạnh hơn do tác động của dịch COVID-19.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản, vốn đã tăng cao kỷ lục trong năm 2019 (57% lên 248,7 tỷ USD), đã bắt đầu giảm trong năm 2020. Do bất ổn toàn cầu đã đạt tới mức chưa từng có trong tiền lệ, “cú sốc cầu” và “mất thị trường” do dịch COVID-19 gây ra ngay sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang buộc các doanh nghiệp phải thay đổi tác phong kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, hầu hết các chuyên gia đều có chung nhận định rằng nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay./.

Đào Tùng/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-nhat-ban-se-troi-ve-dau-bai-1-kinh-te-nhat-ban-trong-tranh-truoc-song-covid-19/165099.html