Kinh tế Nga vượt Đức sẽ xếp thứ 5 thế giới

Chính phủ Nga đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế Nga xếp hạng 5 thế giới, vượt mặt Đức.

Ngày 8/5, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã phê chuẩn kế hoạch về các mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước đến năm 2024.

Nga muốn vượt Đức, trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới.

Nga muốn vượt Đức, trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới.

Một trong số các nhiệm vụ là đưa Nga lọt Top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ của thế giới mà vẫn duy trì ổn định kinh tế, lạm phát không quá 4%.

Để thực hiện mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng kinh tế phải ở mức trên 3% - cao hơn tốc độ tăng trưởng dự báo của thế giới. Đạt được tốc độ này sẽ giúp Nga thu hẹp được khoảng cách về GDP với Đức, nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới.

Lộ trình đạt được mục tiêu này đã được vạch ra rõ ràng theo chỉ tiêu về GDP.

Năm 2019, mục tiêu GDP tăng 1,3%; năm 2020 tăng 2,0%, 2021 – 3,1%, 2022 – 3,2%, 2023 – 3,3% và 2024 – 3,3%.

Nếu các mục tiêu trên đạt được thì nền kinh tế Nga sẽ chiếm vị trí thứ 5 thế giới vào năm 2023, trước cả kỳ hạn đặt ra cho mục tiêu này là năm 2024.

Xét về GDP theo Sức mua tương đương (purchasing power parity), thì Nga hiện đang đứng ở vị trí thứ 6, sau Đức. Như vậy, kế hoạch này rõ ràng là không phải không thực hiện được.

Nền kinh tế Nga đã liên tiếp tăng trưởng trong 3 năm qua sau khi sụt giảm 2,5% vào năm 2015 do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt vào đầu năm 2014.

Không thể phủ nhận các tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt kinh tế từ Mỹ nhưng những gì mà Nga đã làm để thay đổi tình thế bị trừng phạt đã mang đến những kết quả đáng khích lệ.

Để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của lệnh trừng phạt Mỹ và châu Âu, Nga đã thực hiện chiến lược "phi USD hóa" trong thương mại.

Trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD từ các hợp đồng nước ngoài của Nga giảm xuống 56% (tương đương khoảng 388 tỷ USD).

Trước đó, tỷ lệ các hoạt động ngoại thương này đạt tới hơn 80%.

Con số này bị ảnh hưởng do Mỹ muốn gây sức ép, đẩy Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế giới (SWIFT). Điều này càng thúc đẩy xu hướng từ bỏ đồng USD, chuyển sang sử dụng các ngoại tệ khác và đồng nội tệ ruble trong giao dịch thương mại của Nga, khiến Moscow giảm mức độ ảnh hưởng tiêu cực của các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thị phần của hai loại tiền tệ này trong tổng khối lượng thanh toán nước ngoài của Nga lần lượt tăng lên tới 22% (với euro) và 20% (với ruble). Kim ngạch thương mại giữa Nga với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) năm 2018 lần lượt là 108 và 294 tỷ USD.

Theo phân tích, các nhà xuất khẩu chủ chốt của Nga sẽ giành nhiều lợi nhuận hơn từ việc sử dụng đồng Rupe thay vì đồng USD. Bởi nếu sử dụng đồng Rupe sẽ nhận được ưu đãi về thuế bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và các lợi ích khác.

Ngân hàng Trung ương Nga nhận định, việc giảm thanh toán bằng đồng USD được thực hiện nhằm hỗ trợ khả năng điều hành của Chính phủ trong chính sách tiền tệ, từ đó ngăn chặn những hiệu ứng tiêu cực trên thị trường tài chính của nước Nga.

Cùng với việc giảm sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại, Nga cũng lựa chọn việc dự trữ kim loại quý như vàng thay thế cho việc dữ trữ ngoại tệ bằng hình thức trái phiếu gửi ở Kho bạc Mỹ.

Số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, Nga đang là nước dẫn đầu thế giới về sức mua vàng trong quý 1 năm 2019. Cụ thể, Nga đã mua tổng cộng 55,3 tấn vàng trong 3 tháng đầu năm nay, nâng tổng lượng dự trữ vàng của nước này lên 2.168 tấn.

Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Nga đã bán gần như toàn bộ trái phiếu Kho bạc Mỹ để mua số lượng vàng kỷ lục lên tới 8,8 triệu ounce (tương đương gần 274 tấn), nhiều hơn 22% so với năm 2017.

Nga tăng trữ vàng đấu đòn Mỹ thành công.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân chính khiến Nga gia tăng dự trữ vàng, bởi theo họ, vàng không chỉ là một "hầm tránh bão" truyền thống mà còn là mặt hàng được loại trừ khỏi bất kỳ khả năng trừng phạt nào.

Khi bị trừng phạt và đáp trả trừng phạt vào thị trường châu Âu và Mỹ, Nga đã xúc tiến thương mại sang các thị trường khác như Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, châu Á- Thái Bình Dương.

Đặt mục tiêu phát triển kinh tế cũng là quan điểm chủ chốt của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 2 năm nay. Nhà lãnh đạo Nga kêu gọi giới chức ưu tiên các mục tiêu tăng trưởng kinh tế: tăng nhanh năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và tạo ra một lực lượng lao động chất lượng cao.

Kế hoạch vừa được Thủ tướng Medvedev phê duyệt cho thấy phần nào sự quyết tâm của Moscow đối với kế hoạch phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng rõ nét.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/kinh-te-nga-vuot-duc-se-xep-thu-5-the-gioi-3379726/