Kinh tế năm 2017 khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, tăng trưởng kinh tế khởi sắc với tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế khởi sắc với tốc độ tăng quý sau cao hơn quý trước. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu có bước đột phá. Chuyển đổi cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và vai trò của Nhà nước kiến tạo bước đầu phát huy hiệu quả. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý...

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra và là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2011-2017. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về thu ngân sách, bội chi.

*GDP tăng cao nhất trong 7 năm gần đây

Tại cuộc họp báo công bố về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 của Tổng cục Thống kê chiều ngày 27/12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016.

Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng GDP chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8% và khu vực dịch vụ tăng 7,44%.

“Mức tăng trưởng GDP năm nay vượ̣t mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của 7 năm gần đây (tính từ năm 2011 đến nay). Điều này khẳng định tính kịp thời, hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo các ngành, địa phương nỗ lực thực hiện”, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.

Trong cơ cấu kinh tế năm 2017, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34% và khu vực dịch vụ chiếm 41,3%.

Chỉ ra những điểm sáng của nền kinh tế, theo Tổng cục Thống kê, ngành nông nghiệp có sự phục hồi tích cực sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai.

Trong khi đó xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm chế biến chế tạo có giá trị kinh tế cao, hiệu quả tăng lên. Đây là những nhân tố chính góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung.

Phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khu vực nông, lâm, thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, dù ngành khai khoáng giảm sâu 7,1%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011 nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận sự bứt phá với mức tăng 7,85%, cao hơn mức tăng 7,06% của năm 2016, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng 14,4%, là mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,23 điểm phần trăm.

Một số tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn như Samsung ra mắt các sản phẩm mới đã giúp kéo chỉ số phát triển công nghiệp tăng lên. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành cũng có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung.

Trong đó, tăng mạnh nhất là bán buôn bán lẻ với mức tăng đạt 8,36% so với năm 2016, là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính – ngân hàng – bảo hiểm tăng 8,14% cũng ở mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng GDP nói chung.

Quy mô nền kinh tế đạt hơn 5 triệu tỷ đồng, với GDP bình quân đầu người ước tính 53,5 triệu đồng (tương đương 2.385 USD), tăng 170 USD so với năm 2016. Chỉ số giá bình quân năm 2017 tăng 3,53%, dưới mục tiêu của Quốc hội đặt ra, lạm phát tăng 1,41%.

Đáng chú ý trong báo cáo của Tổng cục Thống kê là hoạt động của khu vực doanh nghiệp. Theo đó, trong năm 2017, cả nước đã có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng tới 45,5% về số vốn đăng ký so với năm 2016.

Bên cạnh đó, còn có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2017 đạt 153,3 nghìn doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP năm nay.

Nhận định thêm về xu hướng lạc quan của doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo trong quý IV năm 2017 cho thấy, có đến 44,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn quý III.

Kết quả điều tra cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan hơn khi có đến 48,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng của quý I/2018 sẽ tốt lên so với năm 2017 và có đến 37,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định hơn.

Khu vực doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài chính là nhân tố quan trọng, góp phần vào mức kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016 và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 155,24% tỷ USD, tăng 23%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, tổng vốn thu hút và góp vốn, mua cổ phần của các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/12/2017 đạt gần 36 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2017 ước tính đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng trên, nền kinh tế Việt Nam 2017 cũng còn nhiều điểm hạn chế như tiến độ giải ngân vốn Chính phủ chậm do quy trình hoàn thiện thủ tục dự án đầu tư. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm. Trong khi đó, chi ngân sách tới 1,21 triệu tỷ đồng.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, nhập siêu dịch vụ lớn làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tăng cường, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu như: dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ tài chính... nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu dịch vụ như hiện nay.

* Tăng trưởng kinh tế 2018 nhiều thách thức

Theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, năm 2018 Việt Nam đứng trước hàng loạt thách thức. Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi 10 nguy cơ rủi ro hàng đầu của quốc tế do tổ chức quốc tế nêu ra như xung đột quốc tế, thời tiết cực đoan, thất nghiệp, gian lận thương mại, đánh cắp dữ liệu…

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và khoảng cách chênh lệch với các nước tiếp tục gia tăng. Đến nay, năng suất lao động thấp hơn cả Lào, và thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…

“Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hóa, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển.

Các nhà kinh tế đánh giá, nếu Việt Nam không cố gắng vượt bậc sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển, đây là một trong những thách thức lớn nhất với Việt Nam”, ông Lâm nói.

Để đạt được mục tiêu năm 2018 GDP tăng 6,5-6,7%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7-8%, Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh.

Thúy Hiền/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tang-truong-kinh-te-nam-2017-khoi-sac-voi-toc-do-tang-quy-sau-cao-hon-quy-truoc/71996.html