Kinh tế Mỹ tốt, kinh tế Trung Quốc xấu

Mức thuế Mỹ áp đặt tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc và điều ấy chưa thể mất đi ngay tức khắc.

Kinh tế Mỹ phát triển rất tốt nhưng xu thế đáng lo ngại

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) không thay đổi dự báo kinh tế Mỹ trong năm 2018 và 2019 với mức tăng trưởng sẽ chậm lại từ gần 3,0 % năm nay xuống còn hơn 2,0% vào năm 2020 do tác động của việc cắt giảm thuế và mức thuế quan cao hơn cộng vào chi phí doanh nghiệp.

Thất nghiệp giảm mức thấp nhất kể từ năm 1969. Các chỉ số khác như niềm tin của người tiêu dùng, bảo hiểm thất nghiệp đều không có dấu hiệu bất an nào.

Phân tích các số liệu về tương lai, các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase &Co đưa ra dự báo khả năng suy thoái trong vòng 12 tháng tới với tỷ lệ hơn 30%. Cách đây một năm, dự báo của họ về khả năng suy thoái ở mức từ 8% đến 27%. Theo nhà kinh tế học Jessse Edgerton của JPMorgan, tỷ lệ trên phản ánh chu kỳ kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương và lạm phát có chiều hướng tăng, giá cả tài sản, nợ công ty tăng cao và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhằm ngăn kinh tế phát triển quá nóng.

Thị trường chứng khoán New York nâng điểm sau khi Mỹ-Trung đình chiến thương mại, nhưng 2019 các thị trường chứng khoán sẽ gặp khó khăn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và tăng trưởng lợi nhuận của Mỹ suy giảm.

Các nhà phân tích so sánh lợi nhuận thu được của các công ty đầu tư ra bên ngoài với các công ty đầu tư tại Mỹ cho thấy lợi nhuận của các công ty đầu tư ra bên ngoài tăng 9,4%, trong khi công ty đầu tư trong nước Mỹ đạt 16,5%.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua

OECD giảm mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, từ 6,6% xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm còn 6% vào năm 2020 khi các nhà chức trách cố gắng "hạ cánh mềm" trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với mức thuế cao hơn của Mỹ.

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ngày 21/11, các công ty nhỏ Trung Quốc gặp khó khăn trong vay vốn. Hầu như ai cũng cho rằng Trung Quốc cần kiểm soát vấn đề nợ ước tính trị giá gấp hơn 3 lần quy mô của nền kinh tế. Nhưng nỗ lực kiểm soát nợ cũng gây khó khăn cho một khu vực kinh tế quan trọng của Trung Quốc, đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đại đa số các công ty của Trung Quốc, tạo ra nhiều việc làm nhất, song lại luôn phải đối mặt với thách thức cạnh tranh vay vốn với các doanh nghiệp nhà nước quy mô rất lớn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thêm phần quan trọng vì họ thường tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu phức hợp, đóng vai trò trọng tâm trong xuất khẩu của Trung Quốc và vì thế cũng dễ bị tổn thương trong xung đột thương mại với Mỹ. Nỗ lực giảm gánh nợ của Trung Quốc khiến cho nhiều công ty nhỏ phải vật lộn tìm cách tiếp cận nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động và mở rộng dài hạn của họ.

Chiến dịch cắt giảm nợ nhắm vào cái gọi là hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking), một mạng lưới cho vay vốn được thực hiện bởi các công ty hoạt động bên ngoài ngành ngân hàng chính thống và vì thế ít chịu các quy định hạn chế hơn nhưng rủi ro cao hơn. Nhưng việc tiết chế này có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tước bỏ con đường tiếp cận vốn hoạt động cũng như các nguồn lực tài chính dài hạn.

Nền kinh tế đang phát triển chậm lại cùng với chiến tranh thương mại đã buộc chính quyền Trung Quốc hạ nhiệt cuộc chiến giảm nợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhưng các công ty nhỏ vẫn phải đối mặt với những khó khăn mang tính hệ thống trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng. Các mức lãi suất trần khiến cho ngân hàng ngần ngại khi cho doanh nghiệp nhỏ vay vì họ cho đây là những con nợ rủi ro cao hơn là các công ty nhà nước lớn. Công ty nhỏ và vừa thiếu kênh vay vốn ở mức lãi suất thị trường hợp lý.

Chính quyền Trung Quốc rõ ràng đã nhận thấy vấn đề này và đã có các tuyên bố công khai ở cấp cao về tầm quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tác động của những phát biểu này có thể sẽ mất thời gian để thẩm thấu trong nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc nhưng những can thiệp như vậy được các nhà đầu tư hoan nghênh và coi trọng, thậm chí coi đó là yếu tố làm thay đổi cục diện, gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào việc hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân.

Trung Quốc gặp khó khi thực hiện thỏa thuận Argentina

Tuyên bố của Nhà Trắng về thỏa thuận Mỹ-Trung tại Argentina cho biết Trung Quốc sẽ nhất trí mua lượng lớn hàng hóa nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm của Mỹ. Theo Bộ trưởng tài chính Mỹ Mnuchin tiết lộ với báo CNBC, Trung Quốc "đã đưa ra một bảng đề nghị hơn 1,2 nghìn tỉ USD trong các cam kết bổ sung".

Ngoài ra, Trung Quốc đồng ý ngay lập tức mua nông sản của nông dân Mỹ. Tuy nhiên, để thực hiện ngay điều này là phi thực tế bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không đột nhiên nhập khối lượng hàng hóa lớn dù có mức thuế thấp.

Những vấn đề cần đạt được thỏa thuận trong 90 ngày đều rất hóc búa. Chưa biết sau 3 tháng, cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ đi về đâu. Nhà phân tích chứng khoán tại công ty Daiwa Capital Markets (Hong Kong), Paul Kitney nói: "Thỏa thuận chỉ là sự giảm bớt leo thang. Mức thuế hiện nay đã có tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc và tác động đó chưa thể mất đi ngay tức khắc"./.

Lưu Việt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te-my-tot-kinh-te-trung-quoc-xau-20181204175108222.htm