Kinh tế Mỹ suy giảm kỷ lục trong ít nhất 70 năm

Những con số mới công bố cho thấy mức độ tàn phá kinh tế nghiêm trọng xuất phát từ quy định phong tỏa và yêu cầu người dân ở nhà của chính phủ Mỹ.

Một người công nhân vận chuyển đồ ở Baltimore - Ảnh: Bloomberg

Trong quý 2/2020, kinh tế Mỹ trải qua đợt suy giảm tồi tệ nhất tính từ thập niên 1940, thực tế này cho thấy đại dịch Covid-19 đã tác động đến doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ tồi tệ đến thế nào, đồng thời nó khiến cho hàng triệu người Mỹ mất việc, theo tin từ Bloomberg.

Theo tính toán và công bố lần đầu của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Năm, GDP Mỹ quý 2/2020 suy giảm 9,5% so với quý đầu tiên. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2019, kinh tế Mỹ suy giảm 32,9%. Đây là mức độ suy giảm tính theo năm tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ tính từ năm 1947, mức độ sụt giảm dẫu sao ít hơn nhiều so với con số dự báo 34,5%. Tiêu dùng cá nhân, đóng góp khoảng 2/3 vào GDP Mỹ, giảm 34,6% và như vậy cũng là mức sụt giảm kỷ lục.

Những con số mới công bố cho thấy mức độ tàn phá kinh tế nghiêm trọng xuất phát từ quy định phong tỏa và yêu cầu người dân ở nhà của chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ buộc phải đưa ra các biện pháp này nhằm làm chậm đà lây lan của virus Covid-19.

Dù rằng tình trạng thất nghiệp, chi tiêu của người dân và sản xuất doanh nghiệp đã hồi phục dần dần từ khi nền kinh tế được mở cửa trở lại vào tháng 5/2020, ngoài ra, nhiều người dân Mỹ nhận được tiền trợ cấp liên bang, việc số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 tăng cao cũng đang cản đà phục hồi của kinh tế Mỹ.

Việc tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng cao cho thấy thất bại của chính phủ Mỹ trong việc chặn đà lây lan của Covid-19, đồng thời nó cũng phát đi thông điệp rằng kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ hồi phục chậm hơn so với nhiều nền kinh tế đã làm tốt hơn công tác chống dịch. Còn theo các chuyên gia kinh tế, chừng nào mà đại dịch vẫn tiếp diễn mà không có vắc xin, sản lượng kinh tế Mỹ sẽ vẫn duy trì dưới ngưỡng trước khủng hoảng, điều này sẽ tạo ra nhiều “vết sẹo” lâu dài trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người lao động.

Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics, ông Andrew Hunter, nhận định: “Chúng tôi biết rằng hoạt động kinh tế phục hồi trong tháng 5 và tháng 6/2020, nó đặt nền móng cho việc GDP tăng trở lại trong quý 3/2020. Tuy nhiên khi mà số lượng các ca lây nhiễm Covid-19 tăng trong thời gian gần đây và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế Mỹ tháng 7/2020, khả năng kinh tế Mỹ phục hồi theo hình chữ V khó xảy ra”.

Biểu đồ theo dõi biến động của kinh tế Mỹ từ thập niên 1950 đến nay - Ảnh: Bloomberg

Kinh tế Mỹ cũng có triển vọng khá bi quan, theo nhận định mới đây của Fitch. Tăng trưởng kinh tế tiềm năng toàn cầu có thể sẽ giảm trong những năm tới do chịu tác động từ đại dịch Covid-19 trong bối cảnh thất nghiệp tăng cao và đầu tư doanh nghiệp giảm, theo nhận định của Fitch được đưa ra trong báo cáo mới đây.

Tăng trưởng GDP của nhóm 10 nền kinh tế phát triển ước tính giảm thêm trung bình 0,6% so với dự báo lần gần nhất của Fitch. Tăng trưởng GDP của Mỹ được điều chỉnh giảm xuống còn 1,4% từ 1,9% trước đó; tăng trưởng GDP của Anh được giảm xuống còn 0,9% từ 1,6% trước đó; tăng trưởng GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu (tính theo ngưỡng trung bình của Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha) giảm xuống còn 0,7% từ 1,2% trước đó.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế thuộc Fitch, ông Maxime Darmet, nói: “Ảnh hưởng tiêu cực từ cú sốc của đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài bởi thất nghiệp dài hạn tăng, số lượng giờ làm việc giảm, đầu tư và tích lũy vốn chững lại”.

Bước vào nửa sau năm 2020, kinh tế thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Fitch lo ngại rằng tình trạng suy thoái kinh tế sẽ khiến cho GDP tại nhóm các nền kinh tế phát triển nhất đến giữa thập kỷ hiện tại sẽ vẫn thấp hơn từ 3 đến 4% so với mức trước đại dịch.

Việc giảm dự báo GDP tiềm năng trong vòng 5 năm tới sẽ đồng nghĩa hiệu ứng tăng GDP sẽ không đạt kỳ vọng. Fitch dự báo tăng trưởng GDP Mỹ sẽ trung bình ở mức trên 2% trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2025 so với dự báo 3% trước đó nếu không có sự điều chỉnh.

Cơ quan xếp hạng tín dụng thừa nhận rằng những rủi ro xung quanh dự báo của họ rất lớn. Nó có bao gồm hướng diễn biến của cuộc khủng hoảng y tế, khả năng điều chỉnh chính sách tài khóa. Dù vậy, Fitch vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào chương trình hỗ trợ việc làm tại châu Âu sẽ có hiệu quả trong việc hạn chế thất nghiệp tăng trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//kinh-doanh-quoc-te/kinh-te-my-suy-giam-ky-luc-trong-it-nhat-70-nam-3549376.html