Kinh tế Mỹ: những tín hiệu từ các chỉ số kinh tế và động thái của Fed

Nền kinh tế Mỹ được nhận định nhiều khả năng đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng và các dấu hiệu rủi ro đảo chiều đang tăng dần. Tuy nhiên, điều này cũng không hàm ý nền kinh tế sẽ suy giảm ngay lập tức mà quá trình tăng trưởng hoàn toàn có thể kéo dài thêm một vài quí nữa, tùy theo việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ Mỹ và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu nền kinh tế Mỹ đã đạt đỉnh hay chưa và nếu chưa đạt đỉnh thì nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ có khả năng tăng trưởng trong bao lâu nữa? Ảnh: Internet

Kinh tế Mỹ đã trải qua chín năm phục hồi

Tính từ cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008 khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm mạnh 2,8% trong năm 2009 cho đến nay, nền kinh tế lớn thứ nhất thế giới đã trải qua gần chín năm phục hồi, chuỗi thời gian phục hồi lâu thứ nhì trong lịch sử nước này. Và nếu đà phục hồi tiếp tục được kéo dài trong vòng 12 tháng nữa thì đây sẽ là đợt phục hồi lâu nhất của kinh tế Mỹ từ trước đến nay. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu nền kinh tế Mỹ đã đạt đỉnh hay chưa và nếu chưa đạt đỉnh thì nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ có khả năng tăng trưởng trong bao lâu nữa?

Trên thực tế, các chỉ số kinh tế đều đang gợi mở khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong ngắn hạn, điển hình nhất là tăng trưởng GDP (trung bình đạt 2,16% giai đoạn 2010-2017, dự kiến sẽ tăng trưởng 2,5-3% trong năm 2018) và hai chỉ số ISM manufacturing, ISM non-manufacturing (thể hiện sức khỏe của khu vực sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế Mỹ) hiện đều vượt xa ngưỡng 50 điểm.

Tuy nhiên, các tín hiệu cảnh báo sớm cho thấy rủi ro đang tăng dần. Đầu tiên, tỷ lệ nợ trên tổng thu nhập khả dụng của hộ gia đình Mỹ hiện có mức tăng chưa phải quá cao (mới tăng 4% so với cùng kỳ năm trước vào thời điểm tháng 12-2017) nhưng đã liên tục đi lên trong năm năm gần đây. Diễn biến này cần được lưu ý, đặc biệt khi tỷ lệ này tiếp cận các mức tăng cao nhạy cảm (quanh 8% - mức đỉnh giai đoạn 2007-2008).

Tiếp đến, P/E của chỉ số S&P 500 đã liên tục tăng kể từ năm 2009 (từ mức 12 lần lên quanh mức 22 lần như hiện nay). Dù đây chưa phải là mức cao nhất của chỉ số P/E kể từ năm 2000 nhưng việc dần tiếp cận lại những mức cao trong lịch sử cho thấy rủi ro đang tăng dần. P/E càng cao phản ánh mức độ bong bóng tài sản càng lớn và rủi ro đảo chiều trên TTCK có thể sẽ sớm xuất hiện.

Bên cạnh đó, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ cũng phát đi những tín hiệu cảnh báo rủi ro. Rủi ro thường xuất hiện khi lãi suất TPCP kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng nhanh hơn, thậm chí vượt cả lãi suất TPCP kỳ hạn dài. Diễn biến này thể hiện sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế khiến nhu cầu về vốn gia tăng mạnh trong ngắn hạn và diễn biến tiếp theo thường là sự suy giảm của nền kinh tế.

Kể từ năm 2010 trở lại đây, chênh lệch lợi suất giữa TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn hai năm có xu hướng giảm dần, thể hiện lãi suất ngắn hạn đang có xu hướng tăng nhanh hơn lãi suất dài hạn. Chênh lệch này vào thời điểm cuối tháng 2-2018 vào khoảng 0,6%. Mức chênh lệch này chưa đủ báo hiệu về một sự suy giảm ngay của nền kinh tế (thường các thời điểm nhạy cảm báo hiệu sự đảo chiều, mức chênh lệch này phải tiệm cận 0 hoặc dưới 0%), tuy nhiên xu hướng giảm kéo dài của mức chênh lệch này cũng là một tín hiệu đáng lưu ý, cho thấy khả năng xuất hiện suy giảm của nền kinh tế Mỹ có thể diễn ra trong tương lai gần.

Mọi sự chú ý đổ dồn vào động thái của Fed

Thời gian gần đây, mọi sự chú ý trên thị trường tài chính toàn cầu đều đổ dồn vào các động thái liên quan đến lộ trình tăng lãi suất của Fed. Về cơ bản, quyết định tăng hay giảm lãi suất của Fed luôn dựa trên ba yếu tố chính: mức độ hồi phục của nền kinh tế, thị trường việc làm và diễn biến lạm phát. Trên thực tế, ba yếu tố này luôn có mối tương quan chặt chẽ với nhau: kinh tế hồi phục sẽ giúp việc làm gia tăng; việc làm tăng giúp tiền lương tăng, từ đó gây áp lực lên giá cả.

Vào thời điểm đầu tháng 2-2018, số liệu trong báo cáo lao động tháng 1 của Mỹ cho thấy tiền lương bất ngờ tăng mạnh hơn dự báo. Điều này ngay lập tức dẫn đến động thái tháo chạy trên TTCK Mỹ nói riêng cũng như TTCK toàn cầu nói chung do nhà đầu tư lo ngại tiền lương tăng sẽ đẩy lạm phát tăng tốc nhanh hơn kỳ vọng và sớm đạt mục tiêu 2%, buộc Fed phải đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất, nhất là trong bối cảnh chương trình cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỉ đô la Mỹ và gói chi tiêu vào cơ sở hạ tầng trị giá 200 tỉ đô la Mỹ của chính quyền Trump được kỳ vọng sẽ khiến kinh tế Mỹ tiếp tục khởi sắc, qua đó gây thêm áp lực lên giá cả.

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những tín hiệu lo ngại chưa rõ ràng và nó cũng chưa hàm ý Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất một cách gấp gáp trong ngắn hạn, chưa kể báo cáo việc làm tháng 2 công bố cuối tuần vừa rồi cho thấy tốc độ tăng tiền lương đã chậm lại (chỉ 0,1% so với mức 0,3% trong tháng 1). Trong biên bản họp gần nhất, Fed đưa ra đánh giá tích cực về nền kinh tế Mỹ nhưng chưa đưa ra động thái bổ sung nào mới so với kế hoạch tăng lãi suất trước đây. Điều này hàm ý nhiều khả năng lãi suất sẽ vẫn được điều chỉnh tăng trong cuộc họp vào cuối tháng 3 nhưng mức độ tăng có thể vẫn nằm trong lộ trình (tức chỉ 0,25%). Hiện theo khảo sát của Reuters, có đến gần 90% các nhà kinh tế được hỏi vẫn nghiêng về khả năng Fed vẫn chỉ tăng 0,25% lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 3.

Linh Trang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/270047/kinh-te-my-nhung-tin-hieu-tu-cac-chi-so-kinh-te-va-dong-thai-cua-fed.html