Kinh tế Mỹ: Lạm phát đang tới gần, hãy 'ngồi vào ghế và thắt dây an toàn'

Các số liệu chính thức đều cho thấy, giá cả từ hàng hóa cơ bản, hàng công nghiệp đến bất động sản đều đã tăng vọt. Lạm phát đang tới rất gần, chứ không chỉ là một vấn đề cần nghiên cứu.

Nền kinh tế Mỹ - với sức ảnh hưởng toàn cầu, với các chính sách quan trọng để giải cứu nền kinh tế như bơm tiền ào ạt, chắc chắn tác động đến phần còn lại của thế giới. (Nguồn: Kitco)

Nền kinh tế Mỹ - với sức ảnh hưởng toàn cầu, với các chính sách quan trọng để giải cứu nền kinh tế như bơm tiền ào ạt, chắc chắn tác động đến phần còn lại của thế giới. (Nguồn: Kitco)

Lạm phát đã xuất hiện chưa? Làm thế nào để có thể đo lường áp lực giá thực tế? Các nhà phân tích mới đây cho rằng, “có một số chỉ số khác ngoài dữ liệu CPI, mới có thể cho thấy rõ vấn đề gì đang diễn ra trong nền kinh tế hiện nay".

Đã thực sự phản ánh lạm phát đúng cách?

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất của Mỹ đang bắt đầu cho thấy một số động lực đi lên, với số liệu của tháng 3 tăng 2,6%, cao nhất kể từ tháng 8/2018.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn phát tín hiệu tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, chưa đến lúc rút lại sự hỗ trợ dành cho nền kinh tế sau những tác động xấu do đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch Fed Jerome Powell từng đề cập cụ thể vấn đề này rằng, “Fed quyết định tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất gần 0% để đảm bảo chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ mạnh mẽ sự phục hồi nền kinh tế” và thấu hiểu, thị trường rất mẫn cảm với những thay đổi dù rất nhỏ của lãi suất. Cơ quan này cũng đã dự báo được, “trong vài tháng tới, lạm phát có thể tăng lên do những áp lực chi tiêu tăng khi nền kinh tế mở cửa trở lại”.

Tuy nhiên, thị trường vẫn rất hoài nghi vào các tuyên bố trên, bởi chính Chủ tịch Fed cũng vẫn bỏ ngỏ 1 con đường, khi nói đến việc ”sẽ cân nhắc tăng lãi suất khi lạm phát Mỹ vượt 2% và tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức tối ưu”.

Trong khi đó, nhiều quỹ đầu tư đã bày tỏ, họ đã “ngồi vào ghế, thắt dây an toàn”, sẵn sàng cho việc Fed tăng lãi suất khi lạm phát tăng là điều dường như không thể tránh khỏi.

Theo không ít các nhà phân tích, dữ liệu CPI có thể không phản ánh được đầy đủ bức tranh thực tế trong giai đoạn hiện nay, với nhiều ý kiến chỉ ra rằng, giá các loại dịch vụ và hàng hóa đều đang tăng vọt.

“Chúng ta đã thấy lạm phát. Và CPI có thể không phải là tiêu chuẩn tốt nhất để xem xét lạm phát trong những ngày này. Thử nhìn khắp thế giới, bạn sẽ thấy giá bất động sản đang tăng chóng mặt. Bạn cũng có thể thấy, chi phí xây dựng và cả giá dịch vụ đều tăng vọt", Jon Deane, cựu Giám đốc điều hành JP Morgan và hiện là CEO của Trovio nhận xét.

Đang có một số vấn đề với thước đo CPI, trong đó, dữ liệu dựa trên "rổ" hàng hóa mà người tiêu dùng vẫn thường chi tiêu đã có những thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch.

Ngoài ra, có thể xuất hiện một số điểm mâu thuẫn trong bộ số liệu tính lạm phát, do sự biến động giá của nhiều loại hàng hóa dịch vụ và cả những khó khăn trong công tác thu thập dữ liệu thực tế, trong giai đoạn dịch bệnh. Như cách nói của nhà kinh tế Marshall Reinsdorf, thuộc bộ phận thống kê của IMF, “trên thực tế, các trọng số CPI bất ngờ bị lỗi thời khi đại dịch ập đến”.

Chẳng hạn, chi tiêu tại các nhà hàng chiếm tới 6,3% trong dữ liệu CPI của Mỹ, nhưng trong thời kỳ đại dịch, con số đó đã giảm mạnh do người tiêu dùng có khả năng chi tiêu nhiều hơn tại các cửa hàng tạp hóa, nơi giá cả đang tăng nhanh từng ngày. Giá nhà ở Mỹ đã tăng mạnh, với mức tăng lên tới 17% trong tháng Ba. Và nhu cầu cũng tăng mạnh mẽ không kém, với gần một nửa số căn nhà được bán trong vòng một tuần sau khi niêm yết.

Cuộc tranh luận về việc, liệu chúng ta có thực sự phản ánh lạm phát đúng cách hay không sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong thời gian tới.

“Ngồi vào ghế và thắt dây an toàn”

Covid-19 bùng phát là một cú sốc lớn đối với kinh tế toàn cầu. Từ khi nó xuất hiện và hoành hành, chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn quan trọng như Mỹ, EU phải "tự cấp cứu" bằng nhiều chính sách tài chính, tiền tệ, với những liều lượng chưa từng có trong lịch sử.

Tiền đã được “bơm” ào ạt vào các nền kinh tế. Và tất nhiên, trong khi một số ngành bị thiệt hại nặng nề thì vẫn có một số ngành ít bị thiệt hại hoặc thậm chí có lợi, như những ngành liên quan đến công nghệ, y tế, vaccine, dịch vụ công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa.

Tiền bơm nhiều thế sao chưa thấy lạm phát? Câu trả lời rất có thể là câu hỏi đã được đặt ra ở trên rằng, “hiện chúng ta đã thật sự phản ánh lạm phát đúng cách hay không?”.

Thực ra lạm phát chưa thật sự xuất hiện rõ ràng trên bề nổi. Dù lượng cung tiền lớn, thậm chí rất lớn, nhưng do chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội để hạn chế lây lan dịch bệnh chưa thể chấm dứt, nên tốc độ lưu thông tiền tệ vẫn bị cản lại, thậm chí còn giảm mạnh.

Ngoài ra, những yếu tố mới, xuất hiện bất ngờ, khiến việc điều chỉnh rổ hàng hóa để tính lại chỉ số giá tiêu dùng đúng cách không kịp thời, nên hiện chưa thể phản ánh xác thực tỷ lệ lạm phát.

Dịch bệnh khiến tốc độ lưu thông tiền tệ giảm vì tiền bị kẹt, không đi vào đầy đủ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, người dân không có cơ hội chi tiêu, nên tỷ lệ tiết kiệm tăng đột biến. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân ở các nước phát triển có thể đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng từ phía tiêu dùng cá nhân trong vài năm. Và đây chính là một sức ép rất lớn khiến lạm phát tăng mạnh, nếu tình hình Covid-19 được kiểm soát và các giãn cách xã hội được dỡ bỏ trong thời gian ngắn sắp tới, theo báo cáo mới nhất của IMF.

Về rổ hàng hóa tính lạm phát, các Ngân hàng Trung ương như Fed của Mỹ, BoE của Anh, ECB của châu Âu và mới đây nhất là BoF của Pháp đã cân nhắc đến việc xem lại trọng số của các loại hàng hóa dịch vụ có trong rổ dữ liệu tính lạm phát. Bởi vì, có những mặt hàng giá đã tăng rất mạnh và tăng cả tỷ trọng trong chi tiêu của người dân, hộ gia đình.

Tuy nhiên, xét về cơ sở lý thuyết và nguy cơ lạm phát, nền kinh tế Mỹ - với sức ảnh hưởng toàn cầu, các chính sách quan trọng của Mỹ đều tác động ít nhiều đến phần còn lại của thế giới.

Với việc Fed vẫn đều đặn mua vào mỗi tháng 120 tỷ USD trái phiếu chính phủ và tung ra các gói kích cầu hàng nghìn tỷ USD, sẽ không khác gì thêm dầu vào lửa, khiến lạm phát sẽ sớm bùng lên.

Trong khi đó, lợi tức trái phiếu đã tăng trở lại trong vòng mấy tháng gần đây. Một khi lợi tức trái phiếu tăng, rất khó để Fed giữ vững lập trường về "lãi suất không thay đổi".

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-lam-phat-dang-toi-gan-hay-ngoi-vao-ghe-va-that-day-an-toan-143199.html