Kinh tế không theo kịp tham vọng của Nga?

Nga luôn tìm kiếm cơ hội gia tăng quyền lực và ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, song sức mạnh kinh tế có thể hạn chế tham vọng của Nga.

"Tham vọng của Nga"

Giới phân tích phương Tây cho rằng Nga luôn tìm kiếm cơ hội gia tăng quyền lực và ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, song sức mạnh kinh tế có thể hạn chế tham vọng của Nga.

Một bài viết đăng trên Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương của Australia đánh giá Nga là một quốc gia Thái Bình Dương với trọng tâm chính đặt vào khu vực Đông Bắc Á. Nga có quan hệ lâu đời với một số quốc gia trong khu vực, và đang tăng cường quan hệ với một số nước khác, đặc biệt là quan hệ quân sự.

Nga gần đây đã trở thành đối tác đối thoại ASEAN, và đã tham gia cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 4 hồi tháng 10 năm ngoái.

Tổng thống Philippines R. Duterte lên thăm tàu săn ngầm Đô đốc Tributs của Nga

Do quan hệ xấu đi với châu Âu và Mỹ, Moscow ngày càng chuyển hướng về phía Đông, bắt đầu “xoay trục” sang Thái Bình Dương giống Washington, tìm cơ hội xây mới hoặc củng cố các mối quan hệ sẵn có nhằm duy trì ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Trong một thời gian dài, Nga có kế hoạch đầu tư nhiều hơn cho lực lượng quân sự ở phía Đông, đặc biệt là Hạm đội Thái Bình Dương, trước cả khi Nga sáp nhập Crimea và quan hệ Nga-phương Tây xấu đi.

Moscow muốn có khả năng tham gia nhiều hơn vào các vấn đề an ninh trong khu vực, đặc biệt là khi gắn kết lợi ích an ninh cốt lõi của Nga như quyền lực địa chính trị và năng lượng. Tuy nhiên, do kinh tế không mấy sáng sủa, đầu tư tiềm lực quân sự của Nga bị hạn chế.

Thái Bình Dương đã trở thành một thị trường xuất khẩu vũ khí ngày càng lớn của Nga. Sự can thiệp ngoại giao và ưu tiên quan hệ trong khu vực của Nga được thể hiện khá với điển hình là việc tăng cường quan hệ với Philippines.

Tháng 10/2017, 3 tàu của Nga đã thăm Manila, tặng thiết bị quân sự cho chính quyền của Tổng thống Duterte. Chuyến thăm này diễn ra sau khi Nga tham gia diễn tập chung với Philippines vào đầu năm 2017.

Ngoài ra, Nga cũng có bước đi được đánh giá là "đáng ngạc nhiên" khi hợp tác quân sự với Fiji. Năm 2016, Nga tặng 20 container vũ khí cho quân đội Fiji. Chính phủ Fiji cho biết đây là lô vũ khí nhỏ sử dụng cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Xe quân sự của Nga bàn giao cho Fiji năm 2016

Mới đây hơn vào tháng 5/2018, tàu huấn luyện Perekop thuộc Hạm đội Baltic của Hải quân Nga có chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới cảng Moresby, Papua New Guinea. Trong chặng dừng 3 ngày, thủy thủ đoàn đã gặp lãnh đạo hải quân và lục quân Papua New Guinea.

Vào cuối năm ngoái, căn cứ không quân Darwin của Australia được cảnh báo cao độ khi hai máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 của Nga bay gần vùng biển phía Bắc của Australia. Điều khiến giới phân tích Australia lo ngại là các máy bay này cất cánh từ sân bay Biak, Papua, Indonesia, cho thấy quan hệ ấm áp giữa Moscow và Jakarta.

Mặc dù Nga tuyên bố chuyến bay chỉ là tuần tra, song một số chuyên gia coi đó là cơ hội để thu thập thông tin tình báo. Bằng cách xuất hiện sâu xuống phía Nam, Nga đã chứng minh khả năng tiếp cận quân sự chiến lược của mình. Máy bay ném bom Tu-95 có tầm hoạt động 15.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.

Giới phân tích phương Tây cho rằng Nga vẫn chưa có khả năng tăng cường can dự ở Thái Bình Dương nhằm thiết lập các căn cứ tương tự như Mỹ trên toàn khu vực. Tuy nhiên, việc tăng cường xuất khẩu vũ khí và củng cố quan hệ đối tác mang lại cho Nga nhiều cơ hội để đàm phán hợp tác trong các lĩnh vực khác ngoài quốc phòng, chẳng hạn như kinh tế và năng lượng.

Nga được cho là hướng đến việc thiết lập sự hiện diện toàn cầu, do đó đòi hỏi sự tham gia nhiều hơn ở các vùng khác ngoài châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, tình hình kinh tế hiện tại của Nga có thể khiến nước này khó có khả năng duy trì lâu dài nỗ lực.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kinh-te-khong-theo-kip-tham-vong-cua-nga-3361877/