Kinh tế kéo thể thao

So với các nước trong khu vực, thể trạng của người Việt Nam không thua kém gì nhưng trong các kỳ thi đấu thể thao, chúng ta luôn có thành tích thấp hơn nhiều nước. Liệu thành tích thể thao có ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sức mạnh kinh tế của quốc gia đó hay không? Có thể không có câu trả lời chính xác nhưng nhìn vào bảng tổng sắp huy chương ASIAD 2018 lại thấy mối liên hệ này.

Lễ vinh danh đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 2018. Ảnh: TTXVN

Tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018), Việt Nam đạt 4 huy chương vàng (HCV), 16 huy chương bạc (HCB), 18 huy chương đồng (HCĐ), xếp hạng 17 chung cuộc. Ngoài ra, đội bóng đá nam Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào bốn đội mạnh nhất kể từ sau năm 1975. Vì thế, có thể xem đây là thành công của thế thao nước nhà.

Theo bảng tổng sắp huy chương của ASIAD 2018, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đứng đầu với 132 HCV, tiếp đến là Nhật Bản với 75 HCV, Hàn Quốc là 49 HCV. Đây là những nước có nền kinh tế rất mạnh trong khu vực châu Á.

Trong khối ASEAN, những nước có GDP cao hơn Việt Nam đều có thành tích tốt hơn, như Thái Lan với 11 HCV, Malaysia là 7 HCV; còn những nước có GDP thấp hơn như Myanmar, Lào hay Campuchia đều ở vị trí thấp hơn trên bảng xếp hạng.

Không phải nước nào giàu có đều có thành tích thể thao cao hơn nước nghèo, nhưng tại ASIAD 2018, nhìn tổng thể là bảng tổng sắp huy chương biến thiên theo chiều hướng này.

Với khả năng dồi dào về kinh tế, các nước giàu có điều kiện đầu tư mạnh cho thể thao, vận động viên của họ được đào tạo, tập luyện tốt hơn. Họ cũng có điều kiện để cử các vận động viên tham gia ở hầu hết các môn thi đấu, và theo đó khả năng có huy chương sẽ cao hơn. Như vậy, chung quy lại cũng là nhờ có kinh tế.

Kinh tế ảnh hưởng đến thể thao thành tích cao cũng được thể hiện khá rõ trong câu chuyện của vận động viên điền kinh Quách Công Lịch (25 tuổi) khi anh tuyên bố giải nghệ qua dòng trạng thái đăng trên Facebook cá nhân tối 2-9, trùng thời điểm Gala vinh danh các vận đông viên thể thao Việt Nam thi đấu ASIAD 2018, khiến nhiều người không khỏi buồn lòng.

Chia sẻ với Zing.vn, Quách Công Lịch cho biết, mọi người thường nói lúc thành công, còn anh sẽ nhân lúc thất bại để lên tiếng. Thắng thì không nói, khi thất bại thì ai biết mình. 150.000 đồng mỗi ngày có đủ sống không? Qua chia sẻ của anh, chúng ta hiểu rằng, Lịch bỏ thể thao vì không thể nuôi sống chính mình.

Để có một vận động viên đi thi đấu đạt thành tích cao ở các giải cấp khu vực, giống như chúng ta phải làm công việc “đãi cát tìm vàng”, mài giũa những viên ngọc thô thành sáng ngời. Nhọc công là thế nhưng vận động viên chuyên nghiệp lại phải giải nghệ vì lý do không sống nổi. Kinh tế chi phối thể thao thấy rõ.

Một số câu chuyện thành công của các vận đông viên cũng cho thấy điều này. Nguyễn Tiến Minh là một cây vợt mang về vinh quang cho đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Liên đoàn Cầu lông và các đơn vị quản lý, chúng ta phải cảm ơn anh và gia đình anh tự bỏ tiền túi để đầu tư trở thành tay vợt chuyên nghiệp.

Hay như tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên cũng tạo những thành tích cho bộ môn quần vợt cũng là nhờ “gia đình có điền kiện”. Đặt giả thiết nếu hai vận động viên này không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, có lẽ Việt Nam khó có thành tích cao ở hai bộ môn này.

Sự thành công của đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á cuối năm 2017 và Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 một phần nhờ những cầu thủ trẻ nòng cốt được đào tạo bài bản từ lúc còn nhỏ ở lò đào tạo bóng đá trẻ của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Ngoài tình yêu bóng đá, nếu không có tiềm lực tài chính, HAGL khó làm được việc này.

Một bất cập nữa của thể thao nước nhà là trong khi những vận động viên khác giải nghệ vì mức lương không đủ sống thì vẫn có những vận động viên nhận tiền tỉ sau mỗi giải thể thao.

Nhìn vào danh sách các doanh nghiệp hứa tặng tiền tỉ cho đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam, có thể không ít những vận động viên bộ môn khác cảm thấy tủi thân. Cho nên, chúng ta có thể hiểu và cảm thông với dòng trạng thái có phần “chua xót” của Công Lịch nói về lý do từ giã thể thao thành tích cao của mình.

Ngọc Hùng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278435/kinh-te-keo-the-thao-.html